CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
3.2. Đặc điểm kinh tế-xã hội
3.2.1. Dân số và dân tộc
Theo số liệu thống kê năm 2014 dân số toàn tỉnh có 1.158.898 người.
Mật độ dân số bình quân 82 người/km2, mật độ dân số cao nhất ở thành phố
Sơn La 303 người/km2, thấp nhất là huyện Sốp Cộp 29 người/km2. Hầu hết dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn với 1.000.376 người, chiếm 86%; thành thị chỉ chiếm 14% với 158.522 người, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của cả nước là 29,6%. Tốc độ tăng trưởng dân số năm 2014 là 1,3%. Toàn tỉnh có 12 dân tộc, trong đó: Dân tộc Thái chiếm 54,01%; Kinh chiếm 16,29%; Mông chiếm 14,88%; Mường chiếm 7,65% và còn lại 7,17% là các dân tộc Dao, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng, La Ha... Đại bộ phận các dân tộc sinh sống ở nông thôn với nghề nông là chủ yếu. Chất lượng dân số Sơn La nhìn chung là khá trong vùng Tây Bắc về thể lực, trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn; nhưng so với mức bình quân của cả nước còn thấp hơn.
3.2.2. Nguồn nhân lực
Giai đoạn 2011-2014 lực lượng lao động tăng bình quân 4,2%/năm, tỷ lệ lao động thành thị chiếm 13% (với 96.050 người), lao động nông thôn chiếm 87% (với 625.770 người). Lao động trong độ tuổi là 721.820 người, trong đó: Lao động nông nghiệp chiếm 80,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 6,5% và thương mại - dịch vụ chiếm 13,3%. Chất lượng lao động nhìn chung được cải thiện với tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 25% năm 2010 và tăng lên 33,0% năm 2014. Tuy nhiên nhìn chung, lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mới để tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
3.2.3. Thực trạng về kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2011-2014 là 9,43%/năm. cao hơn mức bình quân cả nước.
Cơ cấu kinh tế của Sơn La cũng từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, chiếm tỷ trọng cao nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là khu vực dịch vụ tăng từ 30,5% năm 2010 lên 42,3% năm 2014; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, giảm dần từ 37,4% năm 2010 xuống còn 31,05% năm 2014; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm từ 32,2%
năm 2010 xuống còn 26,5% năm 2014.
3.2.4. Thực trạng cơ sở hạ tầng
- Giao thông: Sơn La là tỉnh nằm trong vùng địa hình chia cắt phức tạp, tuy nhiên hệ thống giao thông là phát triển khá so với các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh hiện có 5.240 km đường bộ, trong đó tổng chiều dài đường ô tô đi được là 2.441 km, bao gồm: Quốc lộ có tổng chiều dài 620 km với 6 tuyến, Tỉnh lộ gồm 17 tuyến với tổng chiều dài 853 km, đường đô thị dài 121 km, huyện lộ dài 668 1754 km, đường liên xã dài 5.792 km; Hệ thống giao thông thuỷ thuộc 2 tuyến chính là sông Đà (230 km) và sông Mã (70 km); Đường hàng không có Sân bay Nà Sản (cách thành phố Sơn La 20 km) là sân bay loại nhỏ, chủ yếu vận chuyển hành khách nhưng hiệu quả rất thấp.
- Năng lượng - bưu chính viễn thông: Mạng lưới điện Sơn La phát triển muộn do địa hình rừng núi dân cư thưa thớt, đến nay đã có 12/12 huyện, thành phố có điện lưới quốc gia. Đến nay đã có 12/12 huyện, thành phố được phủ sóng điện thoại di động và internet, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Hệ thống bưu điện phát triển khá . Tỷ lệ hộ xem được Đài Truyền hình Việt Nam đạt 92,5%; hộ nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam đạt 95,5%.
3.2.5. Thực trạng văn hóa xã hội
- Về giáo dục: Đã hoàn thành chương trình phổ cập từ năm 2000, tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đến hết năm 2014 đạt 67,6. Toàn tỉnh hiện có 818 trường học, trong đó có 84 trường đạt chuẩn quốc gia, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm kỹ thuật tổng hợp
hướng nghiệp - dạy nghề, 03 trường trung cấp chuyên nghiệp, 03 trường cao đẳng, 1 trường đại học, 20 cơ sở dạy nghề. Chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các năm duy trì ở mức cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 25% năm 2010 lên 33% năm 2014.
- Về Y tế: Đến hết năm 2014, 100% số xã đã có trạm y tế; số giường bệnh đạt 20,6 giường/10.000 dân; tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân 5,5 người; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh và y sỹ sản nhi; mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,5%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,3%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 20%; tỷ lệ người mắc các bệnh xã hội còn 0,15%. Toàn tỉnh hiện có 271 cơ sở y tế trong đó có 19 bệnh viện, 16 phòng khám đa khoa khu vực, 204 trạm y tế cấp xã với tổng số 3.205 giường bệnh. 100% tổ, bản có cán bộ y tế hoạt động. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, các dịch bệnh nguy hiểm ngày càng giảm.
- Hoạt động văn hoá - thể thao được quan tâm và phát triển sâu rộng với hình thức và nội dung phong phú góp phần nâng cao dân trí, rèn luyện sức khoẻ nhân dân. Toàn tỉnh có 174/204 xã, phường, thị trấn; 1.722/3.289 bản, tổ, tiểu khu có nhà văn hóa; tỷ lệ bản, tổ, tiêu khu đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 39%; gia đình văn hóa đạt 60%; cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 95%; tỷ lệ dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên chiếm 23%.