Sau khi kết thúc công việc quy hoạch sử dụng đất vi mô, bước tiếp theo là điều tra lập địa. Lập địa được hiểu là điều kiện nơi sinh trưởng của thực vật, nghĩa là tác động tổng hợp của các yếu tố ngoại cảnh hình thành nên các kiểu rừng nhất định và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh trưởng của thực vật rừng. Hiểu theo nghĩa rộng, lập địa bao gồm : khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, thế giới động, thực vật. Đơn vị cơ bản của hệ thống phân loại lập địa là dạng lập địa và nhóm dạng lập địa. Đó cũng là đơn vị cơ bản để xác định loài cây trồng phù hợp nhằm cho năng suất cao và phát huy tác dụng phòng hộ bảo vệ môi trường tốt nhất.
Dự án KFW2 nói chung và vùng dự án xã Kỳ Lạc nói riêng đã sử dụng hình thức đánh giá lập địa ở cấp vi mô (thôn, xã) với đơn vị sử dụng là dạng lập địa để đề xuất loài cây trồng của dự án. Dạng lập địa là đơn vị cuối cùng của hệ thống phân vị lập địa. Các yếu tố chính xác định các dạng lập địa là địa hình ( độ dốc, vị trí chân, sườn, đỉnh…), loại đất, độ dày tầng đất, thực bì…Xác định dạng lập địa nhằm phân tích đánh giá tài nguyên đất để qua đó đề xuất laòi cây trồng phù hợp với lập địa và nguyện vọng của người dân. Vì vậy, công tác điều tra lập địa vùng dự án xã Kỳ Lạc nói riêng và dự án KFW2 nói chung chỉ thực hiện trên vùng đã được quy hoạch trồng rừng trong phương án quy hoạch sử dụng đất vi mô.
Công tác điều tra lập địa theo hướng dẫn của dự án gồm nhiều nội dung mang tính kỹ thuật chuyên ngành, do đó phải được thực hiện bởi cán bộ kỹ thuật của dự án và được tiến hành không liên quan trực tiếp tới sự tham gia của người dân. Việc điều tra lập địa quan trọng nhất là công tác điều tra ngoại nghiệp được thực hiện ở các ô tiêu chuẩn trên các tuyến điều tra bố trí trong vùng được chọn để trồng rừng. Các yếu tố cần điều tra, thu thập bao gồm: Địa hình ( độ cao, độ dốc, hướng dốc),Đá mẹ và loại đất ( đá mẹ, độ dày tầng đất, lấy mẫu để phân tích), mô tả về thực vật ( cây tái sinh, cây bụi, thảm tươi). Công tác nội nghiệp của điều tra lập địa đối với dự án là việc chỉnh lý số liệu, hoàn chỉnh bản đồ, phân tích nhanh các mẫu đất, tính độ dốc trên bản đồ, tính diện tích và phân nhóm dạng lập địa. Thành quả của công tác điều tra lập địa là : xây dựng bản đồ lập địa cho từng khu vực phục vụ cho thiết kế trồng rừng. Đề xuất cơ cấu cây trồng và biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp với từng dạng lập địa.
Dựa trên quy trình tạm thời về Điều tra xây dựng bản đồ dạng lập địa của Dự án trồng rừng tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng, Quảng Trị, Tổ cán bộ hiện trường của Ban quản lý dự án Việt Đức huyện Kỳ Anh đã tiến hành công tác điều tra lập địa cho xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. Kết quả phân theo nhóm dạng lập địa vùng trồng rừng xã Kỳ Lạc được thể hiện ở biểu 4.5.
Biểu 4.5: Thống kê theo dạng lập địa xã Kỳ Lạc
TT Thôn Nhóm dạng Dạng lập địa Diện tích( ha) %
1 Lạc Tiến C FsI3c,FsI3b 139,27 14,1
2 Lạc Xuân C FsI3b, FsI3c 123,08 12,5
3 Lạc Sơn C FsI3b, FsIII3c 101,23 10,3
4 Lạc Trung C FsII3b, FsI3b 47 4,8
B FsI2b 20 2,0
5 Lạc Thanh C FsI3b, FsIII3c 75 7,6
B FsI2b 25 2,5
6 Lạc Thắng C FsI3b, FsII3c 447,44 45,3
FsIII3c, FsII3b
Cộng : 978,02 100
(Nguồn: Thuyết minh điều tra lập địa-Dự án KFW 2) Kết quả điều tra lập địa cho vùng trồng rừng xã Kỳ Lạc chỉ có 2 nhóm dạng lập địa B và C, không có nhóm dạng lập địa A. Trong từng nhóm dạng lập địa gồm có các dạng lập địa như trong biểu 4.6.
Biểu 4.6: Thống kê nhóm dạng lập địa
TT Nhóm dạng lập địa Dạng lập địa Diện tích ( ha ) %
1 C FsI3c, FsII3b, FsII3c,
FsIII3c, FsI3b
933,02 95,4
2 B FsI2b 45 4,6