Chương 3 : THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM
3.7. Những kết luận rút ra từ thực nghiệm
Mặc dù việc thực nghiệm chỉ được tiến hành trên 4 lớp tại hai ngôi trường khác nhau, do nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động nên nội dung thực nghiệm chưa nhiều và thời gian thực nghiệm cũng không dài, song sau khi tiến hành việc phân tích kết quả thực nghiệm trên nhiều phương diện, chúng tôi rút ra một số nhận xét như sau:
Về phía học sinh:
- Trên cả hai lớp thực nghiệm: Lớp 4A - Trường Tiểu học Trưng Vương; Lớp 4A - Trường Tiểu học Cam Giá đều cho kết quả bài kiểm tra sau thực nghiệm cao hơn đáng kể so với trước thực nghiệm và so với 2 lớp đối chứng (Lớp 4B - Tiểu học Trưng Vương và lớp 4B - Trường Tiểu học Cam Giá).
- So với 2 lớp đối chứng, ở 2 lớp thực nghiệm các em có hứng thú, tập trung trong tiết học hơn.
- Các kĩ năng giao tiếp; thuyết trình; làm việc nhóm; giải quyết vấn đề … của học sinh có cơ hội được hình thành, luyện tập và củng cố nhiều hơn trong tiết học thực nghiệm so với các tiết học đối chứng.
- Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành phát phiếu điều học sinh (Phụ lục 3) để biết được hứng thú của các em đối với tiết học có phát triển năng lực tự học cho học sinh. Sau khi tổng hợp ý kiến của học sinh, chúng tôi cũng thu được những tín hiệu rất khả quan, cụ thể được thể hiện qua bảng sau:
Bảng 3.6. Thái độ của học sinh sau thực nghiệm
Thái độ Lớp thực nghiệm Lớp đối chứng
Số lượng % Số lượng %
Không thích 0 0 0 0
Bình thường 7 9,9 35 52,2
Thích 14 19,7 20 29,9
Rất thích 50 70,4 12 17,9
Bảng số liệu trên cho thấy, Ở lớp đối chứng, đa số các em có thái độ bình thường hoặc thích. Ở lớp thực nghiệm, do được trực tiếp phát triển năng lực tự học của bản thân nên sau 2 tiết học thực nghiệm phần lớn các học sinh đều rất thích được học. Thái độ rất thích chiếm 70,4%. Điều này đã phần nào thấy được vai trò quan trọng của việc phát triển năng lực tự học cho học sinh qua dạy học môn Khoa học lớp 4.
Về phía giáo viên:
Giáo viên ở 2 trường thực nghiệm và cán bộ quản lý chuyên môn đánh giá cao cách sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học tích cực và việc phát triển năng lực tự học cho học sinh.
Kết quả trên đây đã chứng tỏ quá trình thực nghiệm đã khẳng định được hiệu quả và tính hiệu quả của các biện pháp đã đề xuất. Việc nắm vững cấu trúc chương trình ở SGK, phối kết hợp một cách nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học tích cực cùng với sự chịu khó đầu tư suy nghĩ của giáo viên đối với mỗi chủ đề theo định hướng phát triển năng lực tự học trong môn Khoa học lớp 4 sẽ mang lại hiệu quả rất cao.