8. Cấu trúc luận văn
1.3.3. Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học
a) Về phương pháp dạy học
Trong thực tiễn dạy học khó có thể khẳng định được phương pháp dạy học nào là tối ưu trong việc phát huy tính tích cực học tập của học sinh hoặc phương pháp dạy học nào là vô giá trị. Vì vậy có thể khẳng định rằng mỗi một phương pháp dạy học đều có khả năng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh ở khía cạnh này hay khía cạnh khác miễn là người giáo viên phải dành nhiều thời gian tâm huyết trong quá trình dạy học. Khi vận dụng vào dạy học, giáo viên cần sử dụng một cách linh hoạt, tránh máy móc, áp đặt.
Các phương pháp dạy học thường được sử dụng trong các tiết học của môn Khoa học như: phương pháp quan sát, phương pháp hỏi đáp, phương pháp thí nghiệm, phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, phương pháp thảo luận, phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp tổ chức trò chơi. Đổi mới phương pháp giảng dạy, không chỉ dạy kiến thức mà tập trung dạy cách học, phương pháp học tập, phương pháp tự học.
Hòa cùng công cuộc đổi mới mạnh mẽ về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thì phương pháp tự học có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Học
sinh phải được học thông qua hoạt động, vui chơi và tăng cường học từ thực tế, từ thực tiễn, tập làm các nhà khoa học nhỏ... Khuyến khích và khơi gợi học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá kiến thức thông qua các phương pháp dạy học tích cực như học theo dự án, nêu vấn đề, theo tình huống... Các thầy cô phải chú ý phát triển năng lực cho các em, trong đó có năng lực tự học, hướng dẫn học sinh tự học. Đặc biệt là phụ huynh, cần thay đổi quan điểm là hình thành năng lực cho con em mình quan trọng hơn là "nạp" vào đầu con trẻ càng nhiều kiến thức càng tốt.
Theo mục tiêu giáo dục hiện nay, giáo dục học sinh phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mĩ. Các hoạt động ở trường tiểu học đều hướng tới đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm phát huy tính tích cực sáng tạo, chủ động của học sinh. Đối với học sinh tiểu học, lứa tuổi vừa học, vừa chơi, hiếu động, chóng chán, vấn đề tạo nên hứng thú học tập cho các em là rất quan trọng. Năng lực tự học tác động toàn diện đến trẻ em vì nó dễ dàng thâm nhập vào xúc cảm, tình cảm góp phần thúc đẩy mọi hành động của trẻ. Do đó, phát triển năng lực tự học cho học sinh trong dạy học môn Khoa học là hoàn toàn phù hợp.
b) Các hình thức tổ chức dạy học
Môn Khoa học tích hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau do đó có nhiều hình thức tổ chức dạy học khác nhau. Khi dạy học môn Khoa học, giáo viên có thể sử dụng phối hợp các hình thức tổ chức dạy học, đặc biệt là dạy học theo nhóm, dạy học cá nhân và dạy học ngoài lớp là những hình thức tổ chức dạy học được sử dụng phổ biến và có vai trò đặc biệt quan trọng.
* Dạy học theo nhóm nhỏ
Trong dạy học môn Khoa học cần sử dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học này bởi các kiến thức của các bài học liên quan đến nhiều vấn đề xung quanh mà bản thân học sinh có thể chưa có điều kiện tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc mà chưa rõ, cần có sự trao đổi, thảo luận. Một số kiến thức khó và trừu tượng, học
sinh trong nhóm cần trao đổi với nhau và trao đổi với giáo viên để hình thành kiến thức.
* Dạy học cá nhân
Hình thức tổ chức dạy học cá nhân cần thiết được sử dụng trong dạy học môn Khoa học. Bởi có nhiều kiến thức học sinh đã tri giác được ở môi trường sống xung quanh nhưng các em chưa nhận thức được đầy đủ và thường có những thắc mắc khác nhau về những kiến thức này. Dạy học cá nhân giải đáp các thắc mắc, giúp các em hiểu vấn đề một cách cặn kẽ hơn.
* Dạy học cả lớp
Hình thức tổ chức dạy học này giúp giáo viên có điều kiện cung cấp lượng thông tin nhiều hơn, đối tượng tiếp nhận thông tin là học sinh cũng lớn hơn. Tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên truyền thụ thông tin một cách hệ thống và logic.
* Dạy học ngoài lớp (vườn trường, sân trường,…)
Môn Khoa học có nhiều nội dung gắn liền với môi trường tự nhiên, xã hội của địa phương, nơi các em đang học tập và sinh sống. Vì vậy, dạy học ngoài lớp là hình thức tổ chức dạy học rất cần thiết sử dụng trong môn Khoa học, hình thức tổ chức dạy học này giúp các em trực tiếp tiếp cận với môi trường Tự nhiên - Xã hội, giúp các em ghi nhớ bài lâu hơn. Hình thức tổ chức dạy học này còn giúp các em được quan sát thiên nhiên, con vật, hiện tượng,… trong tự nhiên, tạo hứng thú trong học tập cho các em. Các em được gần gũi với thiên nhiên, hiểu biết thêm về thiên nhiên, từ đó có ý thức bảo vệ thiên nhiên, yêu thiên nhiên,…