Chương 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Về khuyến lâm
Từ năm 1993 - 1995, ở Trung ương bộ phận khuyến lâm được thành lập thuộc Vụ Lâm sinh thuộc Bộ Lâm nghiệp, từ năm 1996 đến năm 2000 thành lập phòng Khuyến lâm trực thuộc Cục Khuyến nông khuyến lâm. Từ năm 2001 đến năm 2004 thành lập phòng Khuyến lâm trực thuộc Cục Phát triển lâm nghiệp [6], từ năm 2005 đến năm 2010 thành lập phòng Khuyến lâm thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Ở địa phương: trong 63 tỉnh thành, chỉ có một số tỉnh thành lập phòng Khuyến lâm trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Mỗi Trung tâm chỉ có từ 1-2 cán bộ được đào tạo lâm nghiệp trong tổng số 20-25 cán bộ khuyến nông.
Theo số liệu báo cáo ở Trung ương chỉ có 4/73 người, cấp tỉnh có 96/1431 người, cấp huyện 295/2813 người, khuyến nông viên xã 1.942/15.362 người được đào tạo về lâm nghiệp. Xét về mặt số lượng cán bộ khuyến lâm chỉ chiếm khoảng 10% tổng số cán bộ khuyến nông chuyên trách. Do vậy hệ thống khuyến lâm vừa thiếu về số lượng và yếu về chất lượng do cán bộ khuyến lâm đa phần được được đào tạo sâu về chuyên ngành, thiếu kiến thức liên ngành và các kiến thức khuyến lâm cơ bản.
Kinh phí hoạt động cho hoạt động khuyến lâm nằm trong kinh phí cấp theo các chương trình khuyến nông được phê duyệt.
Giai đoạn 1993-2005: khi mới thành lập (1993) đã được Chính phủ đầu tư hỗ trợ 1,268 tỷ đồng, con số này tăng lên 97,8 tỷ (2005), bình quân năm sau tăng hơn năm trước 8,04 tỷ đồng tương đương trên 12%. Tính đến năm 2005, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuến nông là 542,931 tỷ đồng trong đó kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến lâm là 66,6 tỉ đồng (chiếm khoảng 12,6%). Đã triển khai trên tổng diện tích xây dựng mô hình là 19.940 ha với
20.804 hộ tham gia. Nổi bật là một số chương trình như: Chương trình trồng tre lấy măng; Chương trình trồng cây nguyên liệu giấy; Chương trình trồng cây đặc sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011)[5] cho biết trong 5 năm (2006-2011), chương trình khuyến lâm đã triển khai ở 55 tỉnh, với 51.575 hộ tham gia mô hình, tổng kinh phí: 76 tỷ đồng trên tổng số 843,880 tỷ đồng cấp cho toàn bộ hoạt động khuyến nông (chiếm 9%), với một số chương trình như: Trồng rừng thâm canh cây nguyên liệu; trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn; trồng rừng thâm canh cây lâm sản ngoài gỗ; và trình tập huấn nghiệp vụ khuyến lâm cho cán bộ kiểm lâm.
Trong nhiều năm qua, việc quản lý kinh phí khuyến lâm ở trung ương còn phân tán với nhiều đầu mối thực hiện, như: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, Cục Lâm nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi. Kinh phí khuyến lâm bao gồm nhiều hạng mục, có sự khác biệt giữa các vùng, miền. Các vùng miền núi và vùng đặc biệt khó khăn được ưu tiên hỗ trợ 60% chi phí giống, 40% chi phí vật tư, trong khi vùng đồng bằng chỉ được hỗ trợ tương ứng là 40% và 20% trong xây dựng mô hình.
Các địa phương đều quan tâm và có chính sách đối với khuyến nông, khuyến lâm viên cơ sở, tuy nhiên việc áp dụng chế độ chính sách chưa có sự thống nhất, và chủ yếu do tuỳ thuộc vào nguồn kinh phí của từng địa phương.