7. Cấu trúc của luận văn
3.1.1. Tình cảm tuổi học trò qua sự tái hiện bởi những ngôi kể đa dạng
Đối với một tác phẩm văn học thuộc thể loại truyện dài nói riêng và thuộc loại hình tự sự nói chung, không thể thiếu vai trò của người kể chuyện, bởi đó chính là cầu nối để đưa nhân vật đến với độc giả một cách trọn vẹn nhất. Vì vậy. bên cạnh việc lựa chọn đề tài, chủ đề, xây dựng cốt truyện thì việc lựa chọn ngôi kể cũng là một điều quan trọng góp phần truyền đạt những tư tưởng thẩm mĩ của tác giả.
Ngôi kể là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng để kể chuyện. Theo GS Trần Đình Sử trong cuốn “Giáo trình Lý luận văn học”: “Người kể chuyện có thể
được kể bằng ngôi thứ ba, ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai”[45; tr.102]. Ngôi kể
thường được thể hiện bằng nhân xưng trong lời kể. Khi kể chuyện ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi” cũng chính là nhân vật trong truyện. Tác giả sẽ để nhân vật tường thuật lại câu chuyện, đồng thời lồng vào tư tưởng, tình cảm của chính nhân vật đó. Ngôi thứ hai thường sử dụng đại từ “bạn” hoặc “anh”, người kể chuyện sẽ mượn góc nhìn của độc giả để kể chuyện. Với ngôi kể này, độc giả sẽ như đang trực tiếp tham gia vào câu chuyện, tự quan sát và kể lại câu chuyện. Cũng có khi câu chuyện lại được kể theo ngôi thứ ba, nhà văn cố ý giấu mình đi, không trực tiếp xuất hiện nhưng lại có mặt khắp nơi để chứng kiến và kể lại câu chuyện như nhân vật tự kể. Nhà nghiên cứu Pháp Paul Ricoeur cho rằng ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất thực chất không có gì khác nhau, đều là cái tôi của người kể chuyện. Tuy nhiên sự phân biệt về ngôi kể cho thấy mỗi ngôi kể đều có một trường nhìn khác nhau được quy ước đem lại những cái nhìn khác nhau, đồng thời mang những đặc điểm riêng tạo những hiệu quả khác biệt trong việc truyền tải nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Viết về tuổi học trò, Nguyễn Nhật Ánh có sự lựa chọn ngôi kể vô cùng đa dạng, nhà văn sử dụng cả ba ngôi kể thứ nhất, thứ hai và thứ ba trong những sáng tác của mình. Trong 12 tác phẩm được khảo sát của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có 2 tác phẩm được kể ở ngôi thứ ba (Bồ câu không đưa thư và Bảy bước tới mùa hè), 1 tác phẩm được kể ở ngôi thứ hai (Ngôi trường mọi khi) và 9 tác phẩm được nhà văn kể bằng ngôi kể thứ nhất (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Lá nằm trong lá, Bàn có năm chỗ ngồi, Cây chuối non đi giày xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Ngày xưa có một chuyện tình, Trại hoa vàng).
Với ngôi kể thứ nhất, câu chuyện chỉ xoay quanh suy nghĩ, tình cảm, sự đánh giá của một nhân vật xưng “tôi”, tuy nhiên, nó lại có ưu điểm giúp người viết có thể tự do hồi tưởng, khám phá mọi ký ức nhân vật dẫn, cho nhân vật độc thoại nội tâm và dễ dàng bộc lộ cảm xúc nhân vật một cách tự nhiên và chân thực nhất. Bởi vậy, với các tác phẩm viết về tuổi học trò Nguyễn Nhật Ánh thường ưu ái lựa chọn ngôi kể thứ nhất nhiều hơn để mở ra miền kí ức tuổi thơ ngọt ngào chạm đến sâu thẳm trái tim độc giả. Ta có thể thấy rõ ngôi kể mà tác giả sử dụng ngay từ nhan đề và cách đặt tiêu đề cho mỗi chương như: chương 6 “Tôi là thằng
cu Mùi”, chương 7 “Tôi ngoan ngoãn trong bao lâu”, chương 10 “Và tôi đã
chìm” trong tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”; hay chương 5 “Cây gậy
của ba tôi”, chương 28 “Tôi không thể giữ bí mật”,... và cả chương cuối “Tôi
thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trong tác phẩm cùng tên.
“Tôi” trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh vừa là người kể chuyện, vừa là một nhân vật trong thế giới tác phẩm. Đó là Thiều trong “Tôi thấy hoa
vàng trên cỏ xanh”, Ngạn trong “Mắt biếc”, Chuẩn trong “Trại hoa vàng”, Cu
Mùi trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, chàng thi sĩ Cỏ Phong Sương trong
“Lá nằm trong lá”, Đăng trong “Cây chuối non đi giày xanh”, Thư trong “Cô gái
đến từ hôm qua”, Huy trong “Bàn có năm chỗ ngồi”. Các nhân vật tự kể lại câu
suy nghĩ hồn nhiên của cậu học trò mới lớn: “Năm nay tôi lên lớp tám. Như vậy
là tôi sắp sửa trở thành người lớn rồi. Oai thiệt là oai” [2; tr.5] đến những tình
cảm trong sáng của tuổi học trò: “Tôi vẫn nghĩ hai đứa tôi sẽ cùng lớn lên bên nhau, sẽ ngày ngày đi chung một con đường đến lớp, sẽ cởi lòng chia sẻ với nhau mọi vui buồn trong cuộc sống. Trong trí não non nớt của đứa con trai mười bốn
tuổi, tôi chỉ mong thế thôi” [5; tr.180], và cả những tiếc nuối về mối tình đầu:
“Rất nhiều năm về sau này tôi thường tự trách mình tại sao hồi đó không nói
thẳng với Hà Lan là tôi yêu nó. Nếu tôi nói ra điều đó, hẳn cuộc đời của chúng
tôi đã rẽ sang hướng khác, sáng sủa hơn và ít xây xát hơn” [9; tr.113],... Để rồi
người đọc như tìm thấy chính câu chuyện và cảm xúc của mình trong đó. Tuổi học trò ai chẳng từng hồi hộp, lo lắng mỗi giờ trả bài, từng trốn ngủ trưa rong chơi khắp những cánh đồng, từng mắc những lỗi lầm vì sự ngây dại, từng có những người bạn thân thiết cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, từng cảm nhận những rung động nhẹ nhàng của trái tim, từng vui, từng buồn, từng yêu, từng ghét, từng hạnh phúc, từng hờn giận vu vơ, từng tiếc nuối về những chuyện đã qua,... Bằng ngôi kể thứ nhất, tác giả đã đem đến cho người đọc những câu chuyện thú vị mà chân thực. Các nhân vật xưng “tôi” thoải mái bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình, nhưng đồng thời cũng hướng ra thế giới của các nhân vật, sự kiện khác để trần thuật. Như vậy, ngôi kể này vừa mang cái nhìn chủ quan vừa tồn tại cả cái nhìn khách quan. Trong mảng văn học thiếu nhi, các tác giả như Tô Hoài, Xuân Quỳnh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Thuần,... cũng thường lựa chọn ngôi kể thứ nhất cho sáng tác của mình. Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo cho mình một cách kể chuyện rất đặc biệt, không chỉ đơn thuần là kể lại một câu chuyện cho trẻ em hay cho những người đã từng là trẻ em nghe, mà là kể cho trẻ em nghe chính câu chuyện của chúng.
Nguyễn Nhật Ánh cũng sử dụng ngôi kể thứ ba trong một số tác phẩm của mình. Ở vị trí đó, người kể chuyện toàn tri có thể thoải mái kể câu chuyện lúc
của nhân vật này, lúc của nhân vật khác, đồng thời có khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm của từng nhân vật để khám phá những bí mật trong sâu thẳm tâm hồn nhân vật một cách tự do nhất. Trong “Bồ câu không đưa thư”, với ngôi kể thứ ba, nhân vật chính không chỉ có một mà là ba cô gái Xuyến, Thục, Cúc Hương. Người kể chuyện đã truy cập vào suy nghĩ, cảm xúc của từng nhân vật để giúp đọc giả thấy được những ngại ngùng, bẽn lẽn của Thục, những suy nghĩ, lập luận sắc bén của Cúc Hương, sự nhanh trí, lém lỉnh của Xuyến, những hồi hộp, sửng sốt, ngỡ ngàng của ba cô gái trong cuộc truy tìm danh tính anh chàng Phong Khê, rồi cả những suy nghĩ thầm kín không dám tỏ cùng ai của Phán hay tình cảm chân thành của anh chàng lớp trưởng Hoàng Hòa,... Mỗi nhân vật lại bộc lộ một màu sắc và tính cách riêng, nó hòa quyện, xen lẫn vào nhau tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Dù sử dụng ngôi kể thứ ba nhưng các nhân vật lại hiện lên rất gần gũi, chân thực, người đọc như được trở lại những ngày tháng học sinh ấy và cảm thấy có lẽ mình cũng từng trải qua những điều như thế, cũng từng hành động như thế, suy nghĩ và cảm nhận như thế. Câu chuyện trong “Bảy bước
tới mùa hè” cũng được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể theo ngôi thứ ba. Với việc
lựa chọn ngôi kể thứ ba, người đọc như đang xem một bộ phim tài liệu về mùa hè đầy sống động của những đứa trẻ như Khoa, Mừng, nhỏ Đào và nhỏ Trang cùng những tình cảm trẻ con và những thổn thức của mối tình đầu. Đó là những ngại ngùng khi gặp người thương, những bối rối, hồi hộp khi thể hiện tình cảm với các cô nàng để rồi lại hụt hẫng, buồn vẩn vơ khi không được để ý. Hai nhân vật Mừng và Khoa, có khi rất trẻ con nhưng có khi lại rất trưởng thành trong suy nghĩ. Bên cạnh đó, người đọc cũng thấy được cả sự ngây thơ, trong sáng và dễ thương trong suy nghĩ của nhỏ Trang, nhỏ Đào. “Nhỏ Đào ngó lơ, bụng băn khoăn: Anh Mừng nói “nguyện suốt đời bảo bọc công nương” là có ý gì vậy ta? Dĩ nhiên nhỏ Đào cũng lờ mờ đoán ra ý nghĩa chứa đựng trong câu nói đó,nhưng sau khi quay mặt đi một hồi thì trong lòng nó sự tò mò dần thay thế cho sự mắc cỡ” [3; tr.239]. Như vậy, với ngôi kể thứ ba, tác giả cho người đọc thấy được thế
giới tâm hồn phong phú của cả bốn nhân vật Khoa, Mừng, Đào, Trang một cách tự nhiên - điều mà ngôi kể thứ nhất khó có thể làm được
Bên cạnh ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba thường gặp, trong “Ngôi
trường mọi khi”, Nguyễn Nhật Ánh lại lựa chọn ngôi kể thứ hai, sử dụng đại từ
“bạn” trong lời kể chuyện. “Để đọc câu chuyện này bạn bắt buộc phải tưởng tượng. Nếu là con gái, bạn tưởng tượng ít thôi. Nếu là con trai, bạn phải tưởng
tượng khủng khiếp hơn nhiều” [11; tr.7]. Đây là một dạng ngôi kể rất hiếm gặp
trong tác phẩm tự sự. Ngôi thứ hai cũng mang cái tôi của người kể, song nó lại tạo ra một không gian gián cách, một cái tôi khác, cái tôi được kể ra chứ không phải là tự kể như ngôi thứ nhất.
Người kể là một vai mang nội dung và trong một văn bản trần thuật không nhất thiết chỉ có một người trần thuật. Trong “Ngày xưa có một chuyện tình”, vẫn là ngôi kể thứ nhất nhưng Nguyễn Nhật Ánh lại có sự đổi vai trần thuật, có tới bốn nhân vật ở ngôi “tôi” với sự hóa thân tài tình của tác giả. Câu chuyện tình yêu đầy ngang trái được kể lại bởi cả ba nhân vật chính là Miền, Phúc, Vinh và được bé Su ghi chép lại. Cách kể chuyện này giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về từng sự kiện diễn ra, tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc và có chiều sâu. Vinh với sự rụt dè, những nỗi buồn của mối tình đơn phương và những suy nghĩ cao thượng đầy bao dung. Phúc với những cảm xúc ngọt ngào xen lẫn cảm giác day dứt trong tình yêu với Miền. Miền với những đau đớn, dằn vặt bởi những sai lầm của mối tình đầu ngây dại. Mỗi con người khi lựa chọn một con đường đều có những suy nghĩ lẫn khổ tâm ẩn giấu trong lòng. Vì vậy, bút pháp mới lạ của Nguyễn Nhật Ánh đã bóc tách được từng mảng tâm hồn của các nhân vật để bạn đọc có thể hiểu và cảm thông cho lựa chọn của họ.
Có thể nói, dù lựa chọn ngôi kể nào đó cũng là hình tượng của chính tác giả. Và Nguyễn nhật Ánh luôn có cách kể riêng để câu chuyện hiện lên một cách gần gũi, chân thực nhất khiến ông luôn trở thành người kể chuyện tin cậy trong