Kết quả hồi quy theo mô hình tác động cố định cho thấy hiệu quả hoạt động NHTMCP Việt Nam giai đoạn 2008-2018 chịu tác động của các yếu tố sau: tuổi ngân hàng (AGE), quy mô ngân hàng (SIZE), tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (CAP_ADEQUACY), tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay (NPL), tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR), tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) và biến vĩ mô là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP).
Tuổi ngân hàng (Bank’s age)
Tuổi ngân hàng có mối quan hệ nghịch chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng với hệ số hồi quy theo mô hình ROA là 0.0022, ROE là 0.0210. Điều này có nghĩa là khi các yếu tố khác không đổi thì tuổi ngân hàng tăng một đơn vị sẽ làm lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng giảm 0.0022 đơn vị, lợi nhuận trên vốn chủ hữu giảm 0.0210 và ngược lại. Kết luận này ngược với dự đoán của tác giả, cũng như nghiên cứu của Athanasoglou và cộng sự (2008). Tuy nhiên tại Việt Nam với nhóm các ngân hàng có tuổi đời lớn đa phần là các NHTMCP có vốn nhà nước chi phối và hoạt động kinh doanh lâu đời, do hoạt động kinh doanh đã tốt và có nền tảng vững chắc và có sự tăng trưởng ổn định hơn so với còn các ngân hàng mới ra đời sau này. Vì vậy hiệu quả của nhóm ngân hàng thành lập lâu đời đã mang tính ổn định hơn so với các ngân hàng mới thành lập.
Quy mô ngân hàng (Bank’s size)
Quy mô ngân hàng được đo lường bằng tổng tài sản ngân hàng có mối quan hệ thuận chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng với hệ số hồi quy theo mô hình ROA là 0.0079, ROE là 0.0810. Nghĩa là khi tổng tài sản tăng hoặc giảm 1 đơn vị sẽ làm lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng tăng hoặc giảm 0.0079 đơn vị, lợi
nhuận trên vốn chủ hữu tăng hoặc giảm 0.0810 đơn vị, điều kiện các yếu tố khác trong mô hình không đổi. Kết quả nghiên cứu ngược lại với kết quả của Bashir và Hassan (2005) khi kết luận quy mô ảnh hưởng tiêu cực đến ROE và ROA của các ngân hàng hồi giáo giai đoạn 1994-2001, Bennacuer và Goaied (2008) khi nghiên cứu 10 ngân hàng trong 21 năm tại Tunisia, phản ánh tính không hiệu quả theo quy mô, hay kết luận của Ali và cộng sự (2011) với mẫu 22 ngân hàng tại Pakistan, giai đoạn 2006-2009.
Tuy nhiên kết quả của tác giả phù hợp với nghiên cứu của Gul và cộng sự (2011), Dietrich và Wanzenried (2011), Muda và cộng sự (2013), Rashid và Jabeen (2016) khi kết luận rằng các ngân hàng hồi giáo có thể tăng hiệu quả bằng cách tăng tài sản và thị phần của họ, vì quy mô ngân hàng nhỏ dường như là một trong những lý do của chi phí cao. Hay kết luận của Topak và Talu (2017) khi kết luận rằng quy mô đo lường bằng tổng tài sản càng lớn càng cho thấy uy tín trong giao dịch với khách hàng, chính điều này góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động. Kết luận này phù hợp với giả thuyết hiệu quả kinh tế theo quy mô của các ngân hàng ở Việt Nam giai đoạn 2008-2018.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (Capital Adequacy)
Tỷ lệ VCSH/TTS có mối quan hệ thuận chiều với hiệu quả hoạt động của các NHTMCP Việt Nam giai đoạn 2008-2018, khi tỷ lệ này tăng hoặc giảm 1 đơn vị sẽ làm lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng thay đổi 0.0823 đơn vị, trong khi tỷ lệ này lại không tác động đến ROE. Kết quả này giống với kỳ vọng của tác giả cũng như tương đồng với kết quả của tác giả Bashir và Hassan (2005), Athanasoglou và cộng sự (2008), Dietrich và Wanzenried (2011), Ongore và Kusa (2013) và Sun, Mohamad, Ariff (2016) với ROE tỷ lệ 8% cho mẫu nghiên cứu gồm 105 NHTM tại Malaysia trong 14 năm. Việc gia tăng vốn chủ sở hữu sẽ tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư cho các dự án sinh lời của ngân hàng, hơn nữa việc có một nguồn vốn lớn sẽ tạo thêm uy tín cho ngân hàng trong vấn đề huy động vốn và mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay có mối quan hệ nghịch chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng với hệ số hồi quy theo mô hình ROA là 0.104, ROE là 0.881. Điều này có nghĩa là khi các yếu tố khác không thay đổi thì tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng một đơn vị sẽ làm lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng giảm 0.104 đơn vị, lợi nhuận trên vốn chủ hữu giảm 0.881 và ngược lại. Kết quả này giống với dự đoán của tác giả cũng như tương đồng với kết quả của Athanasoglou và cộng sự (2008), Dietrich và Wanzenried (2011), Ongore và Kusa (2013), Topak và Talu (2017). Khi tỷ lệ nợ xấu cao làm giảm đáng kể lợi nhuận ngân hàng, đồng thời làm tăng chi phí liên quan đến việc xử lý và thu hồi nợ, dẫn đến giảm hiệu quả ngân hàng.
Tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (Cost to income ratio)
Tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu có mối quan hệ nghịch biến với hiệu quả hoạt động của ngân hàng với hệ số hồi quy theo ROA là 0.0008 và ROE là 0.008. Điều này có nghĩa là khi các yếu tố khác không đổi thì tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu tăng hoặc giảm một đơn vị sẽ làm lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng giảm hoặc tăng 0.0008 và lợi nhuận trên vốn chủ hữu thay đổi 0.08 đơn vị. Kết luận này phù hợp với kỳ vọng của tác giả cũng như kết quả nghiên cứu của Athanasoglou và cộng sự (2008) khi kết luận chi phí hoạt động dường như là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của các ngân hàng ở Hy Lạp hay nghiên cứu của Liu và Wilson (2010) tại các ngân hàng của Nhật Bản hay kết luận của Dietrich và Wanzenried (2011), Rashid và Jabeen (2016). Hiệu quả sử dụng chi phí có tác động trực tiếp lên lợi nhuận của ngân hàng, ngân hàng nào có kế hoạch tiết kiệm chi phí phù hợp, sẽ mang lại hiệu quả hoạt động cao.
Tỷ lệ cho vay/huy động (Loan deposit ratio)
Tỷ lệ cho vay trên huy động của ngân hàng có mối quan hệ thuận với hiệu quả hoạt động của các NHTMCP Việt Nam với hệ số theo mô hình hồi quy ROE là 0.0734 nhưng lại không tác động đến ROA. Điều này có nghĩa là khi các yếu tố khác không đổi thì tỷ lệ cho vay trên huy động của ngân hàng tăng một đơn vị sẽ làm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng lên 0.0734 đơn vị và ngược
lại. Kết quả này ngược với dấu kỳ vọng tác giả đưa ra ban đầu cũng như nghiên cứu của Rashid và Jabeen (2016). Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD và ngân hàng nước ngoài thì tỷ lệ LDR đối với các NHTMCP là 80%, trong khi tỷ lệ trung bình của 28 ngân hàng trong giai đoạn 2008-2018 là 68.18%. Việc tăng tỷ lệ LDR ở ngưỡng phù hợp mà vẫn đảm bảo thanh khoản tốt, cũng góp phần mang lại hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng GDP
Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2008-2018 có hệ số theo mô hình hồi quy ROA là 0.257 và ROE là 2.787, hệ số hồi quy đồng biến với ROA và ROE, cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế có tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động của các NHTMCP Việt Nam trong 11 năm qua, đặc biệt ảnh hưởng đến chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu với hệ số 2.787, nghĩa là khi các yếu tố khác không đổi thì tốc độ tăng trưởng GDP của ngân hàng tăng một đơn vị sẽ làm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng lên 2.787 đơn vị và ngược lại. Kết quả như dấu kỳ vọng của tác giả cũng như của Bashir và Hassan (2005), Gul và cộng sự (2011), Ongore và Kusa (2013) khi kết luận nghiên cứu cho thấy tăng trưởng GDP tác động tích cực đến ROE và nghiên cứu của Topak, Talu (2017) với mẫu số liệu các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2005-2015.