Biến chi phí trên doanh thu tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các NHTMCP Việt Nam giai đoạn 2008-2018, vì vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động, các ngân hàng cần kiểm soát tốt chi phí hoạt động. Cụ thể:
Quản lý tốt chi phí thể hiện khả năng quản trị của ngân hàng, khả năng này phụ thuộc vào việc tổ chức và điều hành kinh doanh. Do vậy, các ngân hàng cần có chiến lược hoạt động phù hợp, đội ngũ lãnh đạo có năng lực quản trị.
Các ngân hàng Việt Nam cần có sự đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm core-banking, triển khai các công nghệ nền tảng mới, ứng dụng các giải pháp công nghệ hiệu quả. Với mục tiêu cuối cùng là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, theo hướng đơn giản, thân thiện, tự động, thông minh và an toàn, bảo mật cho khách hàng, giúp tiết kiệm chi phí quản lý và nâng cao năng suất lao động.
Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán, giảm thiểu chi phí cho việc vận chuyển và lưu giữ tiền mặt tại ngân hàng.
Đánh giá thu nhập mang lại từ các sản phẩm cung cấp cho khách hàng, tính chi phí huy động vốn và sử dụng vốn từ các sản phẩm huy động, cho vay nhằm đảm bảo mang lại lợi ích và an toàn trong hoạt động của ngân hàng. Khi tăng trưởng cho vay với điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện tại thì việc phải giảm lãi suất cho vay cũng như gia tăng lãi suất tiền gửi là điều không thể tránh khỏi với các ngân hàng. Nhưng nếu thực hiện theo chính sách như vậy thì tỷ lệ chi phí trên doanh thu của ngân hàng càng bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó, để kiểm soát được tỷ lệ này, đòi hỏi các ngân hàng cần đa dạng hóa các sản phẩm của mình, cũng như tạo nhiều thuận tiện cho khách hàng trong giao dịch. Đồng thời quản lý tốt dư nợ cho vay, để tránh xảy ra rủi ro tín dụng, vì việc trích lập dự phòng rủi ro, không chỉ làm ăn mòn lợi nhuận ngân hàng ở hiện tại mà còn ở các năm sau đó và trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí ngân hàng, lương thưởng của nhân viên.
Xây dựng hệ thống quản lý cho từng chi nhánh, phòng giao dịch theo từng khu vực của mỗi ngân hàng thông qua hệ thống thẻ điểm cân bằng (Balance Scored Card - BSC). Tối ưu hóa chi phí nhân sự và nâng cao hiệu suất bằng hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc (Key Performance Indicator - KPI), đây được xem là công cụ đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, để đo lường năng suất làm việc, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Đồng thời chú trọng việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng, xây dựng quy trình gọn gàng, hợp lý và nhanh chóng, điều này sẽ góp phần rút ngắn thời gian tác nghiệp nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao, nâng cao uy tín với khách hàng và tiết giảm chi phí không cần thiết.
Việc mở rộng quy mô và mạng lưới ngân hàng ồ ạt để tăng thị phần, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trên cùng địa bàn và tăng chi phí hoạt động của các ngân hàng như chi phí thuê mặt bằng, đầu tư văn phòng, đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực, công nghệ, chi phí thương hiệu mới…tuy nhiên nhiều ngân hàng lại hoạt động không hiệu quả. Vì vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động, các ngân hàng khi mở rộng quy mô cần phải xem xét các nguồn lực của ngân hàng, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội hội tại địa bàn mở mới, đánh giá tính khả thi và có lộ trình phát triển cho chi nhánh, phòng giao dịch mở mới phù hợp theo từng giai đoạn, tránh lãng phí tiền của ngân hàng.