Về nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Luận án Phạm Thị Thương (Trang 34 - 37)

Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến khái niệm nguồn nhân lực ở các góc độ khác nhau:

Nguồn nhân lực, theo nghĩa rộng, là nguồn cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, cho sự phát triển của một quốc gia, là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động. Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng của các nhóm dân cư, cá nhân trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động, sản xuất xã hội; có đủ các yếu tố về phẩm chất, về thể lực, trí lực được huy động vào quá trình lao động. Ở một nghĩa nào đó, nguồn nhân lực có thể tương đồng với nguồn lực con người (Hunman Resources), nguồn lao động được sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ XX ở nhiều nước phương tây và một số nước châu Á. Theo quan niệm của Liên hợp quốc cho rằng: "Nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, là kiến thức và năng lực của toàn bộ cuộc sống con người hiện có thực tế hoặc tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong một cộng đồng" [49].

Nguồn lao động là khái niệm để chỉ bộ phận dân số trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật có khả năng lao động và những người ngoài độ tuổi lao động và những người ngoài độ tuổi lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Nguồn lao động được quan niệm là đồng nghĩa với dân số hoạt động kinh tế và nó phản ánh khả năng cung ứng lao động của xã hội. Ở Việt Nam, quy định độ tuổi lao động của Luật lao động (1994), độ

tuổi lao động đối với nam từ 15 đến 60 và nữ từ 15 đến 55 tuổi; hiện nay, đang có sự điều chỉnh theo hướng kéo dài và tùy theo tính chất ngành nghề cho phù hợp nhu cầu thực tế của cá nhân, của xã hội. Sự so sánh, phân biệt giữa nguồn nhân lực với nguồn lao động là ở khả năng lao động. Nguồn nhân lực của một ngành thì bao giờ cũng gắn liền với khả năng lao động, hoạt động nghề nghiệp, tay nghề, kinh nghiệm... còn nguồn lao động chưa tính đến nhiều tiêu chí, yêu cầu cụ thể.

Ở Việt Nam, sử dụng thuật ngữ về nguồn lực con người khá phổ biến vào những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, dựa trên quan niệm mới về vai trò, vị trí của con người trong sự phát triển. Đây là chủ đề được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, đưa ra những tiêu chí và đặc trưng của nguồn nhân lực là rất phong phú, mỗi ngành khoa học có quan niệm không giống nhau về tính chất, đặc điểm, vai trò, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở mỗi giai đoạn lịch sử, cụ thể. Thực tế đã có quan niệm bàn cả về nguồn nhân lực gắn với dân số và chất lượng con người: "Nguồn lực con người là dân số và chất lượng con người, bao gồm thể chất và tinh thần, sức khỏe và trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức của người lao động... " [24]. Nguồn nhân lực là những con người phải có đủ phẩm chất, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo trong sản xuất... Nguồn nhân lực có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của mỗi cá nhân, của đất nước, là sản phẩm của nền giáo dục, đào tạo của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử và được thể hiện ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cụ thể.

Nguồn nhân lực của một quốc gia có vai trò quan trọng đặc biệt so với các nguồn lực khác trong quá trình thúc đẩy xã hội phát triển, được xác định là nguồn "tài nguyên đặc biệt" và có thể đánh giá qua tiêu chí chất lượng, số lượng, cơ cấu dân cư còn trong độ tuổi lao động. Nguồn nhân lực có thể hiểu thực chất là toàn bộ phẩm chất trình độ chuyên môn mà con người tích lũy được, thể hiện thông qua hiệu quả lao động của nhóm dân cư trong một quốc gia ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Kiến thức mà con người tích lũy

được thể hiện trong quá trình lao động sản xuất là mấu chốt, vì chính kiến thức đó, giúp họ tạo ra của cải, tài sản cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chính mình.

Từ những sự phân tích trên, có thể khái quát: Nguồn nhân lực là một khái niệm dùng để chỉ tổng hợp các yếu tố hiện hữu và khả năng tiềm ẩn của người lao động bao gồm số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động có thể được huy động để tham gia vào quá trình sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội trong hiện tại cũng như tương lai.

Nguồn nhân lực cũng có thể được xem xét ở nhiều cấp độ, như là một trong những nguồn lực ở dạng dự trữ, tiềm năng, cả hiện hữu gắn với cá nhân, tập thể, một ngành nghề, cộng đồng, hay quốc gia. Sự phát triển của một quốc gia trong mỗi giai đoạn lịch sử, cụ thể sẽ cần có tổng hòa những nguồn lực khác nhau như tài nguyên, vốn, khoa học - công nghệ, nhưng nguồn nhân lực hay nguồn lực con người bao giờ cũng giữ vai trò là nguồn lực quan trọng nhất.

Nguồn nhân lực cung cấp sức lao động cho xã hội, đó là những con người và những nhóm dân cư phát triển bình thường về trí lực, thể lực, có khả năng lao động và trong độ tuổi lao động mà không bị khiếm khuyết hoặc bị dị tật. Nguồn nhân lực thể hiện khả năng huy động sức lao động của xã hội, bảo đảm thúc đẩy sự phát triển xã hội; nếu một quốc gia có nguồn nhân lực lao động chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân cư thì được gọi là quốc gia có dân số vàng, ngược lại sẽ đe dọa sự phát triển của quốc gia đó. Cho nên các quốc gia đều quan tâm xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi nó được xác định là vấn đề chiến lược và là quốc sách của mọi quốc gia. Đặc biệt, sự phát triển không ngừng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong tổng số lao động xã hội bảo đảm cho chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền sản xuất công nghiệp là tất yếu khách quan. V.I.Lênin đã khẳng định vị thế của nguồn nhân lực lao động đó là: "Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động" [45].

Một phần của tài liệu Luận án Phạm Thị Thương (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(184 trang)
w