Về nguồn nhân lực ngành Đường sắt Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án Phạm Thị Thương (Trang 37 - 41)

* Ngành Đường sắt Việt Nam

Ngành Đường sắt Việt Nam là một ngành công nghiệp lâu đời, với hệ thống công nghiệp để sản xuất, quản lý, kinh doanh, kết cấu hạ tầng và dịch vụ cho các quá trình đóng mới, sửa chữa, dịch vụ vận tải đường sắt.

Ngành Đường sắt là một trong những ngành vận tải quan trọng trong sự phát triển của đất nước, có bề dày lịch sử gần 1,5 thế kỷ. Ngành Đường sắt Việt Nam ra đời gắn liền với sự xâm chiếm, đô hộ và bóc lột của thực dân Pháp, đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau luôn gắn liền với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới, nhất là đứng trước thách thức của cơ chế thị trường, ngành đường sắt đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và đang đặt ra những đòi hỏi mới về nguồn nhân lực của ngành để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngành có nhiều chức năng nhưng trọng tâm là sản xuất, kinh doanh, là một loại hình doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu, có tư cách pháp nhân, có điều lệ tổ chức, hoạt động riêng, có con dấu riêng, được mở tài khoản tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhiệm vụ chủ yếu của ngành Đường sắt Việt Nam, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án, đề án quốc gia về phát triển giao thông vận tải đường sắt; quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành; tổ chức hoạt động vận tải đường sắt. Tổ chức ứng dụng, nghiên cứu khoa học, công nghệ; bảo vệ môi trường; tổ chức hợp tác quốc tế; tổ chức thanh tra, kiểm tra giao thông đường sắt...

Về xu hướng phát triển những năm tới, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần huy động mọi nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có,

các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước; các nguồn vốn ưu đãi, khoa học công nghệ tiên tiến, các tiềm năng mang lại từ chính sách xã hội hóa hoạt động đường sắt và mở rộng hợp tác quốc tế với những nước có ngành đường sắt phát triển, đặc biệt với Hàn Quốc... Ngành đang tập trung cho quá trình cơ cấu lại sản xuất, triển khai phương châm kinh doanh phục vụ khách hàng: "An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả"; theo tiêu chí bốn xin và bốn luôn "Bốn xin: xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép", "Bốn luôn: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ", nhằm xây dựng hình ảnh và tạo ấn tượng tốt đẹp về ngành Đường sắt Việt Nam trong nhân dân và hành khách đi tàu…Xu hướng mà ngành Đường sắt Việt Nam đang đặt ra để phát triển, hiện đại hóa, hội nhập cùng với khu vực và thế giới cần phải huy động nhiều nguồn lực; song nguồn lực có ý nghĩa quyết định trực tiếp là phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao.

* Quan niệm nguồn nhân lực ngành Đường sắt Việt Nam

Nguồn nhân lực ngành Đường sắt được hình thành, phát triển qua các giai đoạn lịch sử khác nhau và là chủ thể quan trọng nhất trong sản xuất, kinh doanh của ngành. Nguồn nhân lực ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay, bao gồm cả lực lượng đang lao động và cả lực lượng dự trữ, tiềm năng, được đào tạo, có trình độ học vấn, chuyên môn lành nghề, có kinh nghiệm; có năng lực tiếp nhận, làm chủ, vận dụng sáng tạo tri thức, kỹ năng, thành tựu khoa học và công nghệ vào trong quá trình đóng mới, sửa chữa các loại toa tàu và dịch vụ kinh doanh vận tải để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nguồn nhân lực ngành đường sắt là một bộ phận của nguồn nhân lực quốc gia, thể hiện ở số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động được huy động, khai thác, sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đem lại sự phát triển của ngành góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai. Nguồn nhân lực ngành Đường sắt

Việt Nam là chỉ những người tham gia trực tiếp vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành đường sắt. Nguồn nhân lực ngành đường sắt là một trong những nguồn lực có ý nghĩa quyết định hiệu quả kinh doanh, sự phát triển của ngành.

Như vậy, nguồn nhân lực ngành đường sắt được hiểu là một bộ phận của nguồn nhân lực quốc gia, thể hiện tiềm năng, khả năng thực tế đảm bảo yêu cầu, tiêu chí về số lượng, chất lượng và cơ cấu có thể huy động đưa vào khai thác, sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ vận chuyển của ngành đường sắt.

Nghiên cứu nguồn nhân lực ngành đường sắt cũng tiếp cận theo ba yếu tố cấu thành là số lượng, chất lượng, cơ cấu, đó là một chỉnh thể và được thể hiện nhất quán trong luận án; trong đó, "nguồn nhân lực" nói lên khả năng và mức độ sẵn sàng của nhân lực quốc gia có thể huy động theo nhu cầu phát triển của ngành. Khái niệm "nhân lực ngành đường sắt" là hẹp hơn "nguồn nhân lực ngành đường sắt", vì nó dùng để chỉ những người đang trực tiếp hoạt động trong ngành đường sắt. Tuy nhiên, khái niệm nguồn nhân lực ngành đường sắt còn bao hàm cả nguồn lực hiện thực và cả ở tiềm năng, thông qua cơ chế, chính sách để sử dụng, khai thác. Vì vậy, cần tiếp cận nguồn nhân lực ngành Đường sắt trong mối quan hệ biện chứng với quá trình phát triển nguồn nhân lực và những cơ chế, chính sách để sử dụng, khai thác hiệu qủa nguồn nhân lực này của ngành trong hiện tại, tương lai.

Vai trò của nguồn nhân lực ngành đường sắt là cung cấp sức lao động cho ngành, đó là những con người đang ở tuổi lao động trí lực, thể lực, thông qua tuyển chọn và được đào tạo. Là một bộ phận của nguồn lực xã hội, thể hiện khả năng lao động của xã hội, bảo đảm thúc đẩy sự phát triển của ngành trong hiện tại cũng như tương lai.

Nguồn nhân lực ngành Đường sắt gắn liền với chiến lược phát triển ngành vận tải quốc gia. Sự hình thành và phát triển nguồn nhân lực ngành Đường sắt Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ chế chính sách, yêu

cầu phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển ngành vận tải quốc gia. Nguồn nhân lực ngành Đường sắt vừa là sản phẩm, vừa là bộ phận quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tri thức và mở rộng hội nhập quốc tế, thì ngành Đường sắt là ngành gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân phải phụ thuộc vào nhiều nguồn lực, cơ chế để phát huy vai trò của các nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người, nên sức cạnh tranh vận tải đường sắt không cao so với một số ngành vận tải khác.

Nhân lực của ngành đường sắt là lao động công nghiệp đa dạng ngành nghề và xã hội hóa cao. Lao động của ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay, được biên chế ở nhiều bộ phận: Bộ phận ở cơ quan Tổng công ty có Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Văn phòng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các Ban tham mưu chuyên môn, nghiệp vụ; Công ty quản lý đường sắt; Thông tin tín hiệu đường sắt; Vận tải hàng hóa đường sắt; công ty in đường sắt; công ty Xe lửa; công ty con; công ty liên kết; với tổng quân số cán bộ, công nhân, viên chức của ngành ở năm 2018 là 31.945.000 người. Tuổi trung bình của người lao động trong toàn ngành là 70% ở độ tuổi 40 đến 45; so với một ngành khác trẻ hóa đội ngũ hơn nhiều và đây là điều bất lợi cho ngành đường sắt hiện nay [Phụ lục 9.4].

Nhân lực lao động của ngành Đường sắt Việt Nam thường ở phân tán, trình độ học vấn và có thu nhập không cao. Nhân lực lao động của ngành Đường sắt Việt Nam có số lượng đông so với một số ngành khác, nhưng ở phân tán khắp các miền của đất nước, môi trường làm việc chịu sự ảnh hưởng rất lớn của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nguồn nhân lực ngành Đường sắt Việt Nam có cơ cấu, trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật chưa cao và bố trí không đều ở các bộ phận...

Lao động ngành Đường sắt Việt Nam có năng suất lao động và thu nhập chưa cao. Bình quân thu nhập của người lao động năm 2018 là từ 8 triệu đến 8,4 triệu đồng trên tháng. Điều này do tình hình vận tải của ngành đường sắt

những năm gần đây có dấu hiệu giảm mạnh (năm 2006, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 0,85% so với ngành khác thì năm 2016 chí đạt 0,28%). Vận chuyển hàng hóa tuy có tăng hơn nhưng không đáng kể (năm 2006 chiểm 3,32% thì đến năm 2016 đạt 0,42%). Số liệu thống kê năm 2018, những tháng đầu năm 1019, ngành đường sắt chỉ chiếm 1,7 thị phần so với các phương tiện vận chuyển khác trong ngành giao thông vận tải. Vì thế, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành đường sắt lao động những năm gần đây không dễ dàng, cần nghiên cứu để đổi mới chính sách cho phù hợp trong tình hình mới.

Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, càng chứng minh vai trò to lớn của nguồn nhân lực chất lượng cao, nên không thể không chú trọng phát triển lực lượng này. Ở mỗi quốc gia khác nhau, các ngành khác nhau đều quan tâm phát triển nguồn nhân lực của mình, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và đưa ra quan niệm, tiêu chí cụ thể, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.

Một phần của tài liệu Luận án Phạm Thị Thương (Trang 37 - 41)