Tác động của chiến tranh thương mại lên Hoa Kỳ và Trung Quốc

Một phần của tài liệu 085 chiến tranh thương mại hoa kỳ trung quốc cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp việt nam,khoá luận tốt nghiệp (Trang 47 - 50)

a. Tác động đến Mỹ

Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động đến các công ty Mỹ sản xuất tại Trung Quốc hoặc sử dụng các sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. Theo Bloomberg, ngày 13 tháng 05 năm 2019, Đại diện phòng thương mại Mỹ (USTR) đã công bố danh sách 300 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế 25% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng. Việc áp thuế này sẽ khiến giá

tiêu dùng trong nước của Mỹ tăng, các công ty cung ứng toàn cầu của Mỹ có thể gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường 1,3 tỷ dân với sức mua ngày càng lớn. Thuế quan có thể gây tác dụng ngược bởi vì có thể khiến các công ty Mỹ khó bán hàng hóa hơn ở nước ngoài nếu các quốc gia khác trả đũa. Nhiều công ty Mỹ coi việc tham gia vào thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ. Các công ty Hoa Kỳ sử dụng Trung Quốc làm điểm cuối cùng để lắp ráp các sản phẩm của họ hoặc sử dụng các đầu vào do Trung Quốc sản xuất để sản xuất tại Hoa Kỳ, có thể giảm chi phí cho các sản phẩm của họ. Việc áp thuế trừng phạt lẫn nhau của Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Thứ hai, chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ. Việc áp thuế với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến giá hàng hóa của nước này tại thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và nó ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ. Đặc biệt khác với gói đánh thuế 50 tỷ USD lần đầu tiên, lần đánh thuế 200 tỷ USD này đã bao trùm rất nhiều các mặt hàng là đầu vào cho hoạt động sản xuất cũng như hàng tiêu dùng, điều này sẽ ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Giá cả tăng cũng sẽ là dữ liệu quan trọng để FED xem xét lộ trình tăng lãi suất, do đó, mức độ tác động đến nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ lớn hơn. Theo Viện nghiên cứu Peterson, nếu chiến tranh thương mại ngày càng leo thang, có thể khiến tình trạng thất nghiệp của Mỹ gia tăng, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế tại Mỹ. Thất nghiệp tăng, giá cả tiêu dùng tăng, sẽ dễ dẫn đến suy thoái nền kinh tế. Các nước đối tác sẽ có cái nhìn tiêu cực hơn và dè chừng trong khi hợp tác với nước này.

Thứ ba, cuộc chiến thương mại tác động đến thị trường tài chính. Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, tại thời điểm Tổng thống Donald Trump tuyên bố mức thuế mới đối với Trung Quốc ngày 17 tháng 09 năm 2018 thì theo Bloomberg, chỉ số Dow Jones đạt 26.062,12 điểm, giảm 0,03% so với ngày 14 tháng 09 (nhưng vẫn tăng 0,42% so với ngày 04 tháng 09), tuy nhiên đã tăng điểm trở lại trong những ngày tiếp theo và đạt mức 26.743,5 điểm ngày 21 tháng 09 năm 2018 (tăng 2,6% so với ngày 17 tháng 09); chỉ số S&P 500 đạt 2.888,80 điểm, giảm 0,6% so với ngày 14 tháng 09 (giảm 0,3% so với ngày 04 tháng 09), tuy nhiên đã tăng trở lại trong những ngày tiếp theo và đạt mức 2.929,67 điểm trong ngày 21 tháng 09 (tăng 1,4%); chỉ số Nasdaq đạt 7.895,79, giảm 1,4% so với ngày 14 tháng 09 (giảm 2,4% so với ngày 04 tháng 09), tuy nhiêm cũng đã tăng điểm trở lại, đạt 7.986,85 điểm trong ngày 21 tháng 09 (tăng 1,15%). Điều

đó chứng tỏ rằng, việc áp thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc có tác động đến thị trường tài chính ngay trong ngày nhưng sau đó, nhà đầu tư vẫn lạc quan vào triển vọng thị trường nên chứng khoán đã hồi phục trở lại nhanh chóng.

Thứ tư, cuộc chiến thương mại tác động đến việc làm tại Mỹ. Một phân tích của Viện Brookings ước tính có khoảng 2.1 triệu việc làm trong 40 ngành sản xuất các sản phẩm hiện đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại này. Nếu Mỹ và Trung Quốc tiến hành áp dụng thuế quan đối ứng, một nghiên cứu gần đây hơn đã kết luận mất việc và thu nhập ròng của nông dân Mỹ sẽ giảm 6,7%. Theo viện nghiên cứu Peterson, nếu chiến tranh thương mại ngày càng leo thang hơn nữa, có thể khiến tình trạng thất nghiệp của Mỹ tăng, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực phi dịch vụ, từ đó ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế tại Mỹ.

b. Tác động đến Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia sản xuất và gia công hàng đầu trên thế giới với giá trị xuất khẩu hàng hóa hàng năm đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP. Theo dự báo của IMF, nếu chiến tranh thương mại kéo dài, sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc xuống 1,6 điểm phần trăm.

Thứ nhất, việc Mỹ áp thuế cao cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến cho các ngành công nghệ, việc làm và dữ trữ ngoại tệ cũng như nguồn thu của nước này bị ảnh hưởng. Trung Quốc gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Mỹ, đặc biệt là thị trường công nghệ phát triển cao mà Trung Quốc luôn tham vọng đạt được bằng cách tiếp cận, học hỏi để làm nhái hoặc ăn cắp dữ liệu. Trước đây, Trung Quốc luôn định giá đồng tiền của mình thấp hơn 20-30% giá trị thực hay việc phá giá đồng nhân dân tệ khiến cho Trung Quốc có lợi thế khi tham gia thương mại do giá cả hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn tương đối, vì thế cán cân thương mại Mỹ - Trung Quốc thặng dư khoảng 300 tỷ USD nên khi bị áp thuế từ Mỹ, thặng dư thương mại này sẽ bị giảm mạnh hoặc mất đi.

Thứ hai, ở giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại, Trung Quốc sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn hơn, điều này đã thể hiện rõ ở thị trường tài chính và tiền tệ khi giá trị đồng Nhân dân tệ giảm 6,4%, thị trường chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite) giảm 22,3% giá trị khiến các nhà đầu tư lo ngại triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 kéo theo dòng vốn FDI rút mạnh khỏ nước này theo Báo cáo chuyên đề về diễn biến đồng Nhân dân tệ do Công ty Chứng khoán Bảo Việt BVSC phát hành ngày 24 tháng 08 năm 2018.

Thứ ba, việc áp thuế hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Theo tổ chức Econpol Europe, với tổng mức thuế 25% Mỹ áp cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải chịu thuế 20,5%. Thuế tăng đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa tăng, đồng nghĩa với việc cầu hàng hóa sẽ giảm, người tiêu Mỹ sẽ chuyển hướng sang lựa chọn các sản phẩm tương tự với mức giá rẻ hơn, điều này sẽ tác động là giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc giảm. Việc hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ giảm bao nhiều phần trăm do tác động của việc tăng thuế sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ co giãn của cầu tiêu dùng tại Mỹ với mức mức tăng giá của hàng nhập khẩu.

Với thuế quan trả đũa của Trung Quốc, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ trả nhiều tiền hơn cho đậu nành và các sản phẩm như thịt lợn. Các hãng hàng không Trung Quốc sẽ kém năng suất hơn nếu họ không thể mua máy bay Mỹ.

Thứ tư, tuy nhiên, về lâu dài, các lệnh trừng phạt sẽ có tác dụng kích thích các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc đầu tư vào tự phát triển và sản xuất các linh kiện quan trọng mà họ đã dựa vào thị trường nước ngoài từ lâu. Kể từ năm 2013, mỗi năm Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 220 tỷ đô la chip và các thành phần mạch tích hợp, hoặc gấp đôi chi phí hàng năm của dầu nhập khẩu. Đối với hầu hết các công ty Trung Quốc, mua các thành phần như vậy là cách hiệu quả nhất để kinh doanh. Họ thấy không cần thiết phải tự sản xuất chúng, đòi hỏi phải đầu tư lớn và dài hạn. Kết quả là, Trung Quốc đã tiêu thụ tới 59% tổng số chipset trên thế giới trong những năm gần đây. Nhưng, lệnh trừng phạt gần đây đối với ZTE đã đóng vai trò như một hồi chuông cảnh tỉnh, buộc các công ty bản địa Trung Quốc phải đầu tư ồ ạt vào việc phát triển và sản xuất chip. Một khi các khoản đầu tư mới này đi vào hoạt động trong những năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ là đối thủ đáng gờm trong thị trường chip và sản phẩm mạch tích hợp toàn cầu, theo các bước của Hàn Quốc và Đài Loan. Sự thay đổi của Trung Quốc sang sản xuất cao cấp đã diễn ra trong nhiều năm và sẽ tiếp tục dù cuộc chiến thương mại có nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất hay không. Nhưng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc có thể sẽ tạo điều kiện, thay vì gây tác động tiêu cực.

Một phần của tài liệu 085 chiến tranh thương mại hoa kỳ trung quốc cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp việt nam,khoá luận tốt nghiệp (Trang 47 - 50)