c/ Thúc đẩy thương mại
3.2.2 Nâng cấp cơ sở hạ tầng
Đây là yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hấp thụ nguồn vốn FDI về ngành CBCT như kết quả tác động tích cực của lưu lượng cảng đến FDI trong mô hình ARDL. Mặc dù khái niệm được hiểu bao gồm nhiều lĩnh vực như dân số - lao động, vận tải, bưu chính, viễn thông,... tuy nhiên biến “lưu lượng cảng container” chỉ liên quan đến hệ thống giao thông và logistics. Nâng cấp kết cấu hạ tầng ở khóa luận này là phát triển mảng vận tải, logistics. Còn các mặt khác như xây dựng nhà máy cung cấp điện, nước, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để tránh rơi vào thế bị động tụt hậu trong thời đại số, gỡ bỏ những trở ngại khách quan cho các nhà đầu tư.
Huy động vốn đầu tư (ngân sách,tư nhân, ODA) tập trung các dự án lớn và ưu tiên phát triển mạng lưới liên kết các vùng kinh tế trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc- Nam, vành đai các đô thị, cảng biển, cảng hàng không. Nhất là xây dựng các tuyến đường, quốc lộ trọng điểm kết nối giữa các khu công nghiệp, chế xuất. Cụ thể, vành đai vùng đồng bằng sông Hồng như các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái,.. hướng về Hà Nội, cùng với vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Về miền Trung - Tây Nguyên, xây dựng đường hành lang kinh tế biên giới với Lào và Campuchia, ngoài ra là nâng cấp, mở rộng hệ thống nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ. Về phía Nam là những đầu mối giao thông quan trọng quanh khu vực đồng bằng sông Cửu Long trải dài xuống Tây Nam.
Thúc giục các doanh nghiệp trúng thầu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Thu hút vốn theo hình thức liên doanh, BOT, PPP xây dựng hệ thống vận tải lưu lượng lớn và mới như đường sắt, vận tải biển nội địa để giảm áp lực giao thông đường bộ. Vị trí hướng đến vẫn là các khu công nghiệp và những cửa ngõ giao thương quốc tế, nên cần phát triển các nhánh đường sắt nối từ các khu ra cảng biển. Cùng mở thêm các bến cảng nội địa và tuyến đường thủy phục vụ riêng cho nhu cầu vận chuyển hàng chuyên rời, siêu trường, siêu trọng ở trong nước.
Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ giữa các phương thức vận tải, giữa các trung tâm logistics. Xây dựng bổ sung mạng kết nối logistics với các cảng biển, quốc lộ chính nhằm thúc đẩy chiến lược phát triển sản xuất công nghiệp cùng hoạt động phân phối giao thương của từng địa phương. Đồng thời đẩy mạnh tiến độ ứng dụng phổ biến hạ tầng thông tin trong quản trị chuỗi hoạt động cung ứng logistics để đáp ứng hiệu quả và chính xác về thời gian và phương pháp vận hành.
Mở rộng bãi CY, kho CFS, đồng thời sản xuất thêm các loại container phục vụ hoạt động thương mại xuất - nhập khẩu. Sử dụng thiết bị tiên tiến trong quy trình điều hành như thiết bị xếp dỡ, định vị theo dõi tàu,container,... nhằm nâng cao công suất lao động. Đầu tư các cảng nước sâu có đủ khả năng tiếp nhận số lượng và chất lượng của những đội tàu hàng đầu quốc tế như trọng tải lớn, mục đích chung là nâng cao năng lực cảng biển.
Về hạ tầng hàng không, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án mở rộng cảng hàng không và nhà ga hàng hóa, hành khách. Khai thác thêm các chuyến bay chuyên chở trong nước và quốc tế. Thu hút các nguồn vốn khác nhau đầu tư, xây dựng sân bay tại những điểm nút mới như Sapa, Quảng Ninh, Phan Thiết,...
Phát triển công nghiệp vận tải như tăng cường đóng tàu, sản xuất các phương tiện vận tải hiện đại và công suất cao. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lao động như đội điều hành tàu, cảng và đội ngũ công tác bảo trì. Khuyến khích và hỗ trợ các thành phần doanh nghiệp mới phát triển trong kinh doanh vận tải, đẩy cao chất lượng đội hình chuyên chở.