Đặc điểm lâm sàng ung thư đại trực tràng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự đột biến gene k RAS và mối liên quan đột biến gene k RAS với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh ung thư đại trực tràng (Trang 34 - 37)

Đau bụng là một trong những triệu chứng sớm và thường gặp trong 60 - 80% các trường hợp UTĐTT, mức độ đau từ nhẹ, âm ỉ, đến đau thành cơn dữ dội, xuất hiện không theo một qui luật về cường độ, thời gian và không liên quan đến bữa ăn, vị trí đau thường tương ứng với vùng UT. Ung thư ĐT phải thường đau âm ỉ, khu trú ở bên phải. Ung thư ĐT trái thường theo kiểu thâm nhiễm, xơ vòng khi phát triển làm cho ĐT chít hẹp nên đau bụng thường quặn từng cơn, có khi đau giữ dội. UT trực tràng (TT) thường hay có đau âm ỉ lan xuống hạ vị [21], [94], [131].

Rối loạn tiêu hóa thường gặp là táo bón hoặc ỉa lỏng hoặc xen kẽ giữa táo bón và ỉa lỏng. Táo bón thường gặp ở UT ĐT trái nhiều hơn do UT thường nhanh chóng làm hẹp lòng ruột, cản trở sự lưu thông của phân, gây ứ đọng làm tăng quá trình thối rữa, lên men và sinh nhiều hơi làm bụng chướng. Tăng bài tiết chất nhày ở ruột làm ỉa lỏng, đôi khi có máu, ỉa lỏng thường gặp khi có u ở ĐT phải do tính chất giải phẫu của ĐT phải tiếp nối với ruột non, phân ở đây còn lỏng. UTTT thường gây thay đổi thói quen đại tiện, gây hội

chứng giả lỵ với mót rặn và đau hậu môn sau khi đại tiện, phân có thể khuôn nhỏ, kiểu bút chì hay phân dẹt. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp trong UTĐTT gồm những triệu chứng rất đa dạng và phong phú và không đặc trưng cho riêng UTĐTT. Thực tế, những triệu chứng của UTĐTT cũng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác của đường tiêu hóa, đặc biệt là trong hội chứng ruột kích thích, vì vậy khi có các rối loạn như trên kéo dài cần thiết phải nội soi ĐTT toàn bộ bằng ống soi mềm để loại trừ UTĐTT.

Đi ngoài ra máu là do chảy máu từ khối UT, chảy máu ở khối u ĐT phải phân thường có máu màu đỏ sẫm, chảy máu ở khối u ĐT trái phân có máu màu đỏ hơn, máu thường lẫn một chút nhày của niêm mạc ruột. Đối với UT TT, đi ngoài ra máu là triệu chứng hay gặp nhất, rất đa dạng với phân toàn máu hoặc phân nhày máu lẫn lộn, có thể xuất hiện từng đợt hoặc kéo dài làm BN thiếu máu. Máu trong phân là do chảy máu từ khối u, chảy máu vi thể sẽ chỉ phát hiện được bằng xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân (test Faecal Occult Blood - test FOB). Khi số lượng máu lớn sẽ nhìn thấy bằng mắt thường, triệu chứng đi ngoài ra máu thường hay gặp ở ĐT trái và TT hơn ở nửa ĐT phải, màu sắc của máu trong phân có thể cho biết vị trí của khối u, khi chảy máu từ khối u ở ĐT trái và TT máu thường sáng hơn là máu chảy từ ĐT phải hay manh tràng. Hiện nay, một số nước đã sử dụng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân như một test sàng lọc UTĐTT có hiệu quả. Tuy nhiên, khi xét nghiệm âm tính cũng chưa thể loại trừ được UTĐTT vì 40% test âm tính giả do khối u có thể không chảy máu hoặc chảy máu từng giai đoạn mà khi làm test FOB vào giai đoạn không chảy máu và test FOB thường âm tính nếu nồng độ hemoglobin < 2 ml/gram [35].

Bán tắc ruột: hậu quả của khối u là làm hẹp lòng ĐT, ngày càng hẹp hơn, do đó sớm hoặc muộn cũng sẽ xuất hiện những triệu chứng của bán tắc ruột. Ở mức độ nhẹ, triệu chứng Bouveret: đau âm ỉ hoặc có cảm giác nặng bụng,

chướng bụng; ở mức độ nặng hơn, hội chứng Koenig: đột ngột lên cơn đau bụng, nôn hoặc buồn nôn, bụng óc ách nhiều hơi, sau vài giờ khỏi hẳn. Kết thúc bằng việc đi ngoài phân lỏng hoặc đánh trung tiện thì dễ chịu hẳn.

Tắc ruột điển hình: do hậu quả của khối u làm hẹp lòng ĐT hoặc do khối u gây lồng ruột rồi đi đến tắc ruột đột ngột. Đau bụng, nôn hoặc buồn nôn, bụng trướng hơi, các quai ruột nổi lên như rắn bò, bí trung đại tiện là những triệu chứng thường gặp.

Khám bụng thấy khối u gặp ở 60% số BN UTĐTT, vị trí u thường gặp ở vùng hố chậu phải hoặc nửa bụng bên phải [12]. Đối với UT ĐT trái, chỉ sờ thấy khối u ở một phần tư các trường hợp, u ở hai góc phải và trái của ĐT khó sờ hơn vì vướng bờ sườn che lấp, khi sờ thấy u thường là dấu hiệu muộn, ngoài ra còn có thể khám thấy những khối u do di căn ở gan, ở phúc mạc và những triệu chứng tắc ruột do khối u. Khám TT có thể phát hiện và xác định được vị trí, kích thước và mức độ di động của khối u đối với những khối u ở phần thấp của TT. Cũng như triệu chứng rối loạn phân, tỷ lệ các trường hợp sờ thấy u ở bụng qua nghiên cứu của các tác giả cũng khác nhau.

Các biểu hiện toàn thân thường gặp ở UT ĐT phải nhiều hơn là UT ĐT trái với biểu hiện như sụt cân, chán ăn, mệt mỏi, thiếu máu, sốt cũng thường gặp.

Nhìn chung, không có một bệnh cảnh chung cho UTĐTT. Ở giai đoạn sớm, UTĐTT hầu như không có biểu hiện gì đặc biệt, các triệu chứng lâm sàng chỉ có tính chất gợi ý. Theo Keddie và Hargreaves, chỉ có 40% số BN là có bảng lâm sàng điển hình [131]. Vì vậy, đứng trước một biểu hiện thay đổi thói quen đại tiện, táo bón hoặc tiêu chảy, đau quặn bụng, đi ngoài ra máu, nhày, thể trạng gầy sút, mệt mỏi hoặc thiếu máu không rõ lý do… thì cần phải nghĩ đến UTĐTT và phải thực hiện các biện pháp chẩn đoán.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự đột biến gene k RAS và mối liên quan đột biến gene k RAS với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh ung thư đại trực tràng (Trang 34 - 37)