Bài học kinh nghiệm về kiểm soát chuyển giá từ thế giới

Một phần của tài liệu 722 kiểm soát chuyển giá kinh nghiệm quốc tế và bài học cho việt nam,khoá luận tốt nghiệp (Trang 54 - 56)

Sự gia tăng mạnh mẽ trong thương mại toàn cầu và sức mạnh doanh nghiệp cung cấp nhiều cơ hội để xây dựng các chiến lược chuyển giá để tránh thuế. Việc sử dụng chuyển giá để tránh thuế, đôi khi là trốn thuế luôn được đánh giá là hành vi tinh vi, phức tạp bởi sự “vô hình” của chính nó trước đại chúng và còn khó khăn, tốn kém hơn cho các cơ quan quản lý để ngăn chặn, phát hiện hành vi này. Đây có thể coi là một trò đấu trí căng não, phức tạp được tham gia bởi rất nhiều bên: các tập đoàn, tổ chức kế toán, kiểm toán, chuyên gia tư vấn, luật sư, Chính phủ, cơ quan thuế, các tổ chức phi chính phủ (OECD, NGO),.. .Các bên này liên tục và đồng thời cùng tham gia thiết lập và sửa đổi các quy tắc của trò đấu trí liên quan đến phương pháp nào tính toán giá là chấp nhận được, đồng thời phát triển và phát hiện các cách thao túng, thoát khỏi hoặc lật đổ các quy tắc và phương pháp này.

Những phương pháp chuyển giá, mặt khác cũng là phương tiện để tăng cường lợi nhuận phân chia, phân khúc sản phẩm và lợi nhuận toàn cầu. Việc sử dụng giá chuyển nhượng cũng ảnh hưởng đối với thị trường chứng khoán vì thu nhập, cổ tức, giá cổ phiếu và hoàn vốn đều bị ảnh hưởng. Nó cũng quan trọng đối với cả các giám đốc điều hành tập đoàn vì phần thưởng tài chính của họ thường được liên kết với thu nhập của công ty. Mặt khác, chuyển giá làm sai lệch giá thị trường cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính phủ bởi vì chúng ảnh hưởng đến các loại thuế (mà các loại thuế này có thể) đánh vào lợi nhuận của công ty để tài trợ cho hàng hóa công cộng và đồng thời đảm bảo tính hợp pháp của giá trị hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Với sự tăng cường của toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng trở nên lo ngại về tính linh hoạt của giá chuyển nhượng, vai trò của nó trong việc tránh thuế; và hiệu lực đối với tính hợp pháp công cộng và cơ hội của công dân. Một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước EU đã có thể hiện sự cứng rắn đáng kể khi thách thức những tính toán phân bổ chi phí của các công ty. Các quốc gia và các cơ quan xuyên quốc gia cũng đã phát triển các khuôn khổ chung, điều ước quốc tế và hướng dẫn quốc tế về việc hình thành giá chuyển nhượng, khắc phục những điểm yếu kém trong các cơ chế cũ và đưa ra những cơ chế mới phù hợp hơn với thời đại.

Từ kinh nghiệm của các nước phát triển như Hoa Kỳ, liên minh châu Âu, cùng với những quốc gia láng giềng như Trung Quốc, có thể thấy, trong quá trình chống lại hành vi thao túng chuyển giá diễn ra hàng chục năm qua, các quốc gia có thể rút ra một số bài học như sau:

Thứ nhất, Nguyên tắc giá thị trường được ra đời với mục tiêu đem lại quyền đánh thuế đồng đều cho các quốc gia, tuy rất lý tưởng về mặt lý thuyết, nhưng trong thực tế, phương pháp này tạo động lực cho các MNE di chuyển thu nhập tới các nước có thuế suất thấp, bằng cách đặt các công ty con ở đó.

Từ khía cạnh thuế, cũng có thể thấy rằng phương pháp thực thể độc lập đang mất dần vị thế. Các quốc gia thường phải đưa ra rất nhiều quy tắc để hạn chế những tác động không mong muốn của phương pháp này. Hơn thế nữa, Các MNE cũng không coi các công ty con của họ là những thực thể riêng rẽ cần giao dịch với nhau bằng giá thị trường. Nếu theo dõi sự hình thành của các MNE trong lịch sử, có thể thấy rằng MNE được tạo nên để đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, điều mà sẽ không thể có được từ các thực thể riêng rẽ. Tất cả những điểm trên cho thấy nguyên tắc giá thị

trường không phản ánh đúng hiện thực kinh tế. Những phi vụ chuyển giá tại Hoa Kỳ và liên minh châu Âu là minh chứng cho thầy những hạn chế của nguyên tắc này trong việc chống lại hành vi chuyển giá.

Thứ hai, khi các MNE ngày càng trở nên lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu và ngày càng có liên kết chặt chẽ, phương pháp thực thể riêng biệt dần tỏ ra thiếu thực tiễn. Các thành viên MNE không phải lúc nào cũng có thể tách ra thành các thực thể riêng biệt. Các phương pháp kế toán hiện đại thưởng coi MNE như một thực thể đơn nhất để dễ dàng đưa ra các báo cáo tài chính. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng chuyển giá nên phát triển từ góc nhìn các giao dịch riêng rẽ tới một cách tiếp cận “toàn bộ tập đoàn”. Cách tiếp cận mới này vừa đem lại hiệu quả, lại vừa mang tính đơn giản và minh bạch, phù hợp với thực tiễn trong thời đại mới. Tiếp bước Hoa Kỳ, dự án CCCTB của liên minh châu Âu là một bước tiến mới trong việc ứng dụng cách tiếp cận đơn vị trong kiểm soát chuyển giá và đã đạt được những thành tựu bước đầu rất khả quan.

Thứ ba, chính phủ cùng cơ quan thuế cần phải cương quyết hơn nữa trong việc xác định và xử phạt thích đang những hành vi thao túng giá chuyển nhượng, đồng thời cởi mở hơn trong việc tiếp thu những phương pháp kiểm soát chuyển giá mới trên thế giới. Trung Quốc là một trong những quốc gia không ngừng học hỏi và cải thiện những biện pháp quản lý chuyển giá của mình ngày càng hiệu quả và phù hợp với thời đại hơn.

Trên đây là những bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ công tác quản lý chuyển giá trên thế giới. Người viết nhận thấy đây là những bài học phù hợp với thực tiễn về kiểm soát chuyển giá tại các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Đến đây, khóa luận đã hoàn thành xong được câu hỏi nghiên cứu thứ nhất.

Một phần của tài liệu 722 kiểm soát chuyển giá kinh nghiệm quốc tế và bài học cho việt nam,khoá luận tốt nghiệp (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(85 trang)
w