Các giải pháp kích thích vật chất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho người lao động tại bảo hiểm xã hội tỉnh lào cai (Trang 108 - 112)

5. Kết cấu luận văn

4.3.1. Các giải pháp kích thích vật chất

4.3.1.1. Nâng cao hiệu quả kích thích lao động thông qua tiền lương

Tiền lương là một trong những động lực vật chất quan trọng kích thích tinh thần làm việc của NLĐ. Qua đánh giá cho thấy, việc tạo động lực thông qua tiền lương thời gian qua tại cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai đã có hiệu quả khá tốt trong việc kích thích lao động, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Do đó, thời gian tới cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai cần nâng cao hiệu quả kích thích lao động thông qua tiền lương nhằm vừa phát huy tính hiệu quả của chính sách tiền lương áp dụng riêng cho CCVC ngành BHXH vừa nâng cao hiệu quả công việc. Nâng cao hiệu quả kích thích lao động thông qua tiền lương tại cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai thời gian tới cần triển khai theo các hướng sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách tiền lương được áp dụng đối với CCVC ngành BHXH để họ hiểu rõ hơn cách thức trả lương của cơ quan.

Hai là, BHXH tỉnh Lào Cai cần hướng tới thực hiện việc chi trả lương đảm bảo công bằng dựa trên kết quả thực hiện công việc và phản ánh đúng giá trị đóng góp của bản thân NLĐ. Điều này có thể thực hiện được thông qua việc điều chỉnh cách chi trả lương với hệ số 1,8 theo hướng cào đều như hiện nay. Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, tác giả đề xuất cách làm như sau:

- Cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai thực hiện chi trả lương cho CCVC với hệ số lương 1,0 đối với toàn bộ CCVC với đầy đủ phụ cấp hiện hưởng.

- Riêng đối với hệ số 0,8 còn lại cơ quan thực hiện tính tổng quỹ lương từ phần hệ số này.

- Xây dựng hệ số tính điểm KPIs với từng vị trí việc làm trong cơ quan, làm căn cứ để xác định mức chi trả phù hợp.

Như vậy, với cách làm trên, tổng quỹ lương chi trả cho CCVC toàn cơ quan vẫn là 1,8 nhưng gắn với kết quả thực hiện công việc. Cách trả lương như vậy sẽ công bằng hơn, người hoàn thành công việc ở mức cao sẽ hơn người hoàn thành công việc ở mức thấp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ và không ảnh hưởng đến nguồn quỹ lương bị khống chế bởi quy định là 1.8.

Ba là, cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai cần cải tiến và xây dựng khoản thanh toán lương làm thêm giờ, áp dụng thêm phụ cấp đặc biệt cho CCVC phụ trách những công việc phải thường xuyên đi công tác địa phương, CCVC phụ trách những công việc có khối lượng công việc nhiều như: giám định BHYT; quản lý thu; phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm...

4.3.1.2. Nâng cao hiệu quả kích thích lao động thông qua tiền thưởng

Như đã phân tích, đánh giá ở trên, chế độ thưởng tại cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai hiện nay được thực hiện theo chế độ luân phiên. Chẳng hạn quý 1 người này được xếp loại A1 thì tháng sau sẽ xếp loại A2 và cứ quay vòng cho hết số người trong đơn vị được xếp loại A1. Việc thưởng như hiện nay gần như không theo kết quả đánh giá công việc mà theo sự bình bầu của nhân viên trong đơn vị và xếp loại luân phiên như đã nói. Việc bình bầu này nhiều khi không được khách quan vì việc bình bầu được công khai trước tập thể nên họ thường vì lý do nể và không muốn làm mất lòng nhau nên luôn bầu xếp loại Tốt.

Căn cứ vào nhu cầu của NLĐ và từ những hạn chế trong cách chi tiền thưởng cho người lao động như hiện nay, tác giả đề xuất phương án thưởng cho NLĐ theo phương châm “Thưởng gắn thành tích cá nhân với thành tích của cả tập thể”.

Tiền thưởng = Lcs x k1 x k2

Trong đó:

Lcs: Lương cơ sở

k1: Hệ số thưởng đơn vị. Dựa vào mức độ hoàn thành mục tiêu của đơn vị với mức 1 là 1,0 (hoàn thành kế hoạch được giao từ 100% trở lên), mức 2 là 0,8 (hoàn thành kế hoạch được giao từ 80-100%) và mức 3 là 0,6 (hoàn thành kế hoạch dưới 80%).

k2: Hệ số thành tích cá nhân (dựa vào đánh giá thực hiện công việc trong kỳ: loại Tốt = 1,0 (hoàn thành xuất sắc), loại Khá = 0,8 (hoàn thành), loại Trung bình = 0,6 ( không hoàn thành do yếu tố khách quan, người lao động vẫn chấp hành đúng quy định).

Ví dụ, trong kỳ đánh giá (theo quý) đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bản thân người lao động đó cũng hoàn thành nhiệm vụ thì họ sẽ có mức thưởng 1.490.000*1.0*1.0= 1.490.000 đồng. Mức thưởng này đáp ứng theo quy định tổng quỹ khen thưởng hiện nay, đối với cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ≤1,5 tháng lương cơ sở. Việc gắn kết quả thưởng gắn với đánh giá thực hiện công việc của cán bộ và quyết định hệ số thưởng của từng người, giúp cho NLĐ thấy được trả thưởng xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra. Theo cách tính toán này đã thừa nhận những đóng góp của cá nhân trong tổng thể kết quả của cả tập thể nên sẽ có tác dụng cao hơn cách phân bổ tiền thưởng trước đây vẫn làm.

Bên cạnh việc thực hiện công tác phân loại thi đua khen thưởng cần đi vào thực chất, tránh tình trạng cả nể. Gắn công tác phân loại thi đua khen thưởng với kỷ luật lao động và xử lý vi phạm kỷ luật. Chính việc thưởng - phạt song hành thực hiện một cách nghiêm minh sẽ thiết chặt quan hệ giữa trách nhiệm của NLĐ với công việc họ đảm nhận.

Mặt khác, trước khi trả thưởng cho NLĐ thì phòng Kế hoạch - Tài chính cần gửi lại kết quả xét khen thưởng, cách tính khen thưởng và số tiền NLĐ được nhận để NLĐ đối chiếu lại mức thưởng mà họ nhận được. Việc công khai kết quả xét khen thưởng để NLĐ hiểu rõ hơn cái mà họ nhận được, làm thế nào để đạt được mức thưởng cao từ đó tạo ra động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, hiện nay việc khống chế tỷ lệ “chiến sỹ thi đua cơ sở” không quá 15% tổng số CCVC đạt danh hiệu “lao động tiên tiến” làm hạn chế động lực phấn đấu của một bộ phận CCVC, đặc biệt là CCVC trẻ tuổi, có năng lực. Vì cách làm như vậy nên đa số NLĐ được nhận danh hiệu “chiến sỹ thi đua cơ sở” là cán bộ lãnh đạo, người có thâm niên lâu năm. Đây là quy định trong Quy chế thi đua khen thưởng của BHXH Việt Nam, tuy nhiên cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai có thể linh hoạt cách làm. Ví dụ như, đầu tiên từng phòng, đơn vị xác định số chỉ tiêu được nhận danh hiệu “chiến sỹ thi đua cơ sở” dựa trên tổng số CCVC đạt danh hiệu “lao động tiên tiến”. Sau đó, chia tỷ lệ cân bằng giữa CCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với CCVC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Từ đó tạo ra cơ hội cho những CCVC trẻ tuổi, có năng lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

4.3.1.3. Nâng cao hiệu quả kích thích lao động thông qua phúc lợi

Nhìn chung thì chương trình phúc lợi hiện nay đang được cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai thực hiện khá tốt, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và góp phần nâng cao đời sống cho CCVC về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên để cải thiện hơn nữa đời sống NLĐ thì các hình thức phúc lợi và dịch vụ cần phải được đa dạng hóa hơn nữa. Việc sử dụng quỹ phúc lợi cần có kế hoạch cụ thể, xác định rõ cả về mặt định tính, cả về mặt định lượng, quy định tỷ lệ cho từng đối tượng hỗ trợ. Các phúc lợi này nên được cung cấp một cách linh hoạt dựa vào khả năng tài chính của từng thời kỳ. Cơ quan cần phải chi dùng hợp lý, tránh lãng phí, cố gắng để các hoạt động phúc lợi và dịch vụ cho NLĐ đạt được kết quả cao mà không tốn kém nhiều về kinh phí.

Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục thực hiện chế độ phúc lợi như hiện tại, cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai cần thực hiện thêm các vấn đề sau đây:

Một là, tuyên truyền tới toàn thể CCVC toàn cơ quan thực hiện triệt để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: chi phí bộ máy, văn phòng phẩm, xăng xe, đặc biệt là chi phí tiếp khách...để tăng quỹ phúc lợi cơ quan.

Hai là, thay đổi cách thức chi trả tiền phúc lợi Tết nguyên đán nhằm khắc phục hạn chế như những năm vừa qua. Theo đó, mức chi phúc lợi Tết nguyên đán nên được áp dụng như nhau với toàn thể CCVC trong cơ quan, không tính theo phụ cấp chức vụ. Mức chi phúc lợi Tết nguyên đán chỉ nên để 2 mức: với người có thời

gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên trong hệ thống BHXH Việt Nam và những người có thời gian làm việc từ dưới 12 tháng trong hệ thống BHXH Việt Nam.

Ba là, để công tác khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho CCVC có hiệu quả cao, đúng với ý nghĩa chăm sóc sức khỏe cho CCVC, cơ quan BHXH tỉnh Lào Cai trước khi đưa ra quyết định cần tổ chức lấy ý kiến của CCVC trong cơ quan về nhu cầu khám sức khỏe (những loại bệnh gì), cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe phù hợp với nguồn kinh phí. Từ đó NLĐ trong cơ quan cảm thấy hài lòng và an tâm, tin tưởng hơn vào cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe.

Bốn là, trong các dịp lễ như 8/3, 20/10, trung thu...cơ quan nên tổ chức các hội thi nấu ăn, văn nghệ, liên hoan...để mọi người cùng được vui chơi, giải trí; đồng thời, qua đó giúp người lao động có cơ hội tìm hiểu, quan tâm và sẻ chia với nhau làm tăng tinh thần đoàn kết nội bộ.

Năm là, tăng cường tổ chức các chuyến tham quan, nghỉ mát toàn cơ quan để gắn kết người lao động trong cơ quan. Hằng năm, dự trù trước nguồn kinh phí tổ chức, lấy ý kiến toàn thể người lao động về địa điểm và thời gian đi du lịch phù hợp với nguồn kinh phí, sau đó thống nhất ý kiến và cân đối kinh phí để tổ chức tham quan, du lịch; có thể chia làm 02 đợt, để đảm bảo công việc cơ quan không bị đình trệ. Bên cạnh đó cần có chính sách với những người không thể tham gia vì lý do chính đáng vì khoản chi này lấy từ nguồn quỹ phúc lợi toàn cơ quan. Những ai không đi được vì lý do chính đáng có thể thanh toán cho họ một phần từ khoản chi phí bình quân trên người cho chuyến tham quan, nghỉ mát trong năm (có thể là 1/2).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho người lao động tại bảo hiểm xã hội tỉnh lào cai (Trang 108 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)