Hiện nay, đội ngũ cán bộ kỹ thuật nước ta được đào tạo chuyên ngành công nghệ hoặc quản lý công nghệ chưa nhiều. Trong khi đó, việc sinh viên hiện nay thích học các ngành luật pháp, quản lý kinh tế hơn các ngành khoa học và kỹ thuật có thể sẽ gây trở ngại nhất định cho việc nâng cao năng lực công nghệ và kỹ thuật sau này. Do đó cần nâng cao nhận thức về vai trò và vị trí của cán bộ khoa học công nghệ; quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo, tăng năng lực và trình độ kỹ
thuật, trình độ công nghệ của đội ngũ này, kể cả lao động kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý trong bối cảnh hiện nay.
Nâng cao chất lượng giáo dục về khoa học công nghệ, trong đó giáo dục Đại học phải đem lại cho người học tư duy, kiến thức, kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới, tạo điều kiện hợp tác giữa giáo dục đại học và sản xuất, kinh doanh.
Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ cao được đào tạo bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến đang làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường Đại học tham gia tích cực vào chuyển giao công nghệ. Các chính sách trọng dụng cần thực sự hấp dẫn, thiết thực, thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có ''bí quyết'' công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để chuyển giao vào nước ta; ''Việt Nam hóa'' các công nghệ này, ưu tiên các lĩnh vực trong nước có lợi thế và nhu cầu lớn.
Nhà nước cần quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng một số tổ chức khoa học công nghệ mạnh thực sự về đội ngũ, cơ sở vật chất và môi trường làm việc; có chính sách và cơ chế đặc thù đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo, chuyển giao công nghệ và thử nghiệm các công nghệ mới.