Bên cạnh những giải pháp liên quan đến tài sản, nguồn vốn; việc quản lý tốt các khoản chi phí sẽ giúp DN cải thiện được rất nhiều tình hình SXKD.
Trước hết, Công ty cần tập trung vào công tác quản lý chi phí GVHB, bởi với những DN ngành xây dựng nói chung và PCC1 nói riêng, tỷ trọng của chi phí này chiếm rất lớn. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả HĐKD chung. Như đã phân tích, Công ty đang gặp vấn đề về chi phí ở lĩnh vực đầu tư năng lượng. Vậy nên, ta cần đưa ra giải pháp cụ thể cho từng loại chi phí ở lĩnh vực này để đem lại HQKD.
a. về chi phí nguyên vật liệu
Thứ nhất, việc xác định được chính xác định mức cho chi phí NVL là việc đầu tiên và quan trọng nhất. Việc xác định càng chính xác bao nhiêu thì Công ty càng dễ dàng kiểm soát và sử dụng hiệu quả chi phí này bấy nhiêu.
Thứ hai, Công ty cần quản lý, theo dõi chặt chẽ, sát sao với khối lượng NVL dùng cho sản xuất và thi công để đảm bảo không bị thất thoát hay dư thừa các khoản chi phí
không cần thiết. Vì trên thực tế, các công trình thi công đều ở rất xa nơi quản lý nên việc thất thoát chi phí là điều khó tránh khỏi.
Thứ ba, việc giảm chi phí vật tư còn đến từ lựa chọn được nhà cung cấp với giá mua phù hợp, giúp giảm tối đa chi phí NVL đầu vào. Vì thế, Công ty cần phải liên tục tìm kiếm các đối tác cung cấp nguồn đầu vào với giá thành rẻ nhưng đảm bảo chất lượng tốt. Cần phải thường xuyên đánh giá các nhà cung cấp định kỳ, so sánh giữa các nhà cung cấp để lựa chọn nhà cung ứng NVL cạnh tranh nhất trên thị trường. Được biết hiện nay, PCC1 đã ký thỏa thuận hợp tác với 3 hãng sản xuất vật tư thiết bị điện: ABB, Siemens, LS Electric để được hưởng chính sách tài chính, ưu đãi giá.
Thứ tư, Công ty nên thường xuyên cập nhật tình hình thị trường để đưa ra những dự báo kịp thời về mức giá NVL nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác mua sắm. Với PCC1 - một DN xây dựng thường chịu ảnh hưởng bởi giá thép NVL nên Công ty cần cập nhật thông tin giá thép trên thế giới để tìm ra các biện pháp kiểm soát giá thép ở mức canh tranh.
b. về chi phí nhân công
Để sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, DN cần phải có định hướng công việc rõ ràng, kết hợp nhiều nguồn lực khác nhau đặc biệt là con người. Yếu tố con người là vô cùng quan trọng nên khi giải quyết được vấn đề sẽ giúp hạn chế tối đa những chi phí phát sinh, hao mòn, hỏng hóc, và đặc biệt là chi phí cho sự dư thừa nhân công. Công ty cần nâng cao hiệu quả sử dụng lao động bằng những biện pháp sau đây:
- Tiến hành rà soát lại chất lượng nguồn lao động của Công ty, từ đó điều chỉnh, sắp xếp lại nhân sự các phòng ban một cách hợp lý tránh lãng phí nhân lực, chi phí nhân công. - Thường xuyên tổ chức những chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, hay đặc biệt là nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ nhân viên.
- Có chính sách lương, thưởng rõ ràng. Hạn chế các khoản nợ liên quan đến lợi ích người lao động và sẵn sàng trao thưởng cho những nhân viên, phòng ban xuất sắc giúp vượt chỉ tiêu kế hoạch SXKD.
- Tổ chức các buổi team building, du lịch, chính sách thi đua khen thưởng hợp lý để nâng cao đời sống, tinh thần cho người lao động.
- Do tính chất ngành nghề nên Công ty cần chú trọng khâu giám sát an toàn lao động khi thi công các dự án của mình và tuân thủ các chế độ bảo hiểm lao động cho toàn Công ty. - Kết hợp công nghệ trong SXKD bằng cách đầu tư, mua mới thêm máy móc, trang thiết bị giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm lao động thủ công, giảm thời gian, công sức và chi phí, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tuy nhiên, khi đầu tư và đổi mới các thiết bị, Công ty cũng nên cân nhắc khả năng tài chính của mình, trách tình trạng dư thừa, không sử dụng hết.
c. về chi phí khấu hao
Là một DN ngành xây dựng, Công ty cần chú ý đến chi phí khấu hao cho các thiết bị, máy móc, tư liệu sản xuất như nhà máy, kho bảo quản, thiết bị lắp ráp, công cụ vận chuyển, bảo quản sản phẩm, ... Đó là sự hao phí về các loại TSCĐ. Để giảm thiểu tối đa các khoản chi phí này thì Công ty cần liên tục kiểm tra chất lượng máy móc, đảm bảo các máy móc vẫn hoạt động tốt.