Phương pháp phân chia: là phương pháp chia nhỏ một chỉ tiêu kinh tế theo một tiêu thức nhất định và thông qua việc đánh giá từng bộ phận được chia có thể đánh giá chỉ tiêu kinh tế tổng hợp này.
Mục đích của phương pháp phân chia: đánh giá về cơ cấu và trình độ từng bộ phận, đơn vị thông qua đó đánh giá chỉ tiêu tổng hợp.
Điều kiện áp dụng: chỉ tiêu tổng hợp đem phân chia phải là các hoạt động tài chính lượng hóa được theo các chỉ tiêu khác.
Nội dung phương pháp phân chia:
+ Trước hết tiến hành lựa chọn tiêu thức phân chia phù hợp để có được thông tin chi tiết hiệu quả nhất. Tiêu thức phân chia có thể là: chi tiết theo yếu tố cấu thành, chi tiết theo thời gian hoặc chi tiết theo không gian.
+ Sau khi chia nhỏ chỉ tiêu cần đánh giá theo các tiêu thức phù hợp ta sẽ tiến hành đánh giá từng bộ phận chi tiết để đánh giá được chỉ tiêu tổng hợp.
Trong bài luận văn có áp dụng phương pháp phân chia các chỉ tiêu thuộc khoản mục tài sản và nguồn vốn trong bảng cân đối kế toán sử dụng tiêu thức các yếu tố cấu thành, đó là những khoản mục chi tiết cấu thành nên tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp: tài sản ngắn hạn, bao gồm các khoản mục nhỏ hơn như tiền và tương đương tiền, các khoản phải thu, hàng tồn kho, …; nợ
phải trả bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn,…thông qua đánh giá sự biến đổi của các chỉ tiêu chi tiết từ đó xem xét sự biến đổi của các chỉ tiêu tổng hợp. Đánh giá tỷ trọng các khoản mục chi tiết trong khoản mục tổng hợp và xem xét sự phù hợp của kết cấu này với chỉ tiêu trung bình ngành hoặc đơn vị khác cùng ngành.
Kỹ thuật phân tích:
Trong phân tích tài chính doanh nghiệp có 3 kỹ thuật phân tích đó là phân tích dọc, phân tích ngang và phân tích chỉ tiêu hệ số.
+ Phân tích dọc: sử dụng để xem xét tỷ trọng từng bộ phận trong tổng thể quy mô chung, với mục đích xác định xem sự phân bổ kết cấu tỷ trọng của chúng có hợp lý hay không.
+ Phân tích ngang: là so sánh về lượng trên cùng một chỉ tiêu tài chính. + Phân tích hệ số: là xem xét mối quan hệ giữa các chỉ tiêu tài chính dưới dạng phân số.
Bài luận văn đã áp dụng cả 3 kỹ thuật phân tích trên.
Kỹ thuật phân tích dọc được sử dụng trong việc đánh giá tỷ trọng các khoản mục thuộc tổng tài sản và tổng nguồn vốn, từ đó nhận xét về việc bố trí đầu tư tài sản của doanh nghiệp đã hợp lý hay chưa, chính sách huy động vốn của doanh nghiệp có đảm bảo mức độ an toàn tài chính cũng như tiết kiệm hóa chi phí sử dụng vốn, từ đó đánh giá cơ cấu vốn hiện tại có phải cơ cấu vốn tối ưu cho doanh nghiệp không.
Kỹ thuật phân tích ngang được sử dụng trong việc so sánh các chỉ tiêu, khoản mục thuộc bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa nhiều thời điểm, thời kỳ. Từ đó đánh giá được sự tăng giảm và sự biến động của các chỉ tiêu, so sánh mức độ biến động từng thời kỳ với nhau.
Kỹ thuật phân tích hệ số được sử dụng trong việc tính toán và phân tích các nhóm chỉ tiêu tài chính như: hệ số khả năng thanh toán, hệ số hiệu suất
hoạt động, hệ số khả năng sinh lời, hệ số cơ cấu tài sản nguồn vốn, hệ số giá trị thị trường. Tất cả các chỉ tiêu này đều được xác định dựa trên công thức dạng phân số, thông qua đánh giá tử số và mẫu số để đánh giá được ý nghĩa sự biến động các chỉ tiêu tổng hợp này.