Thành lập tổ chức định mức tín nhiệm.

Một phần của tài liệu Phát triển thị trường chứng khoán việt nam từ góc độ kích cầu chứng khoán (Trang 77 - 80)

Dựa vào thực trạng vừa qua cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam cần thiết phải thành lập một tổ chức định mức tín nhiệm trực thuộc sự quản lý của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, để chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá năng lực thanh toán các khoản vốn gốc và lãi đúng hạn và tiềm lực tài chính cũng như chất lượng chứng khoán của tổ chức phát hành.

Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về mô hình thành lập tổ chức định mức tín nhiệm đầu tiên tại Việt Nam: mô hình tổ chức định mức tín nhiệm là một doanh nghiệp Nhà nước trong đó nguồn vốn ban đầu lấy từ ngân sách 100%; mô hình tổ chức định mức tín nhiệm là một doanh nghiệp liên doanh với các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới hoặc mô hình thành lập tổ chức tín nhiệm dưới dạng một công ty cổ phần trong đó các cổ đông chính sẽ là Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, các định chế ngân hàng- tài chính lớn và có uy tín như Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, tổng công ty bảo hiểm, các công ty tài chính và công ty chứng khoán.

Mỗi một mô hình có những ưu điểm và nhược điểm riêng, tuy nhiên, trong bối cảnh tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng của chúng ta hiện nay, việc thành lập một công ty cổ phần định mức tín nhiệm trong đó các cổ đông chính là những định chế ngân hàng- tài chính trong nước có uy tín là một mô hình có tính khả thi cao, dựa trên những cơ sở sau:

- Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của một công ty định mức tín nhiệm là khách quan, độc lập, không bị ảnh hưởng và chi phối bởi bất kỳ một thế lực hoặc một yếu tố hành chính mệnh lệnh nào. Tuy nhiên, nguyên tắc này khó có khả năng được đảm bảo triệt để trong trường hợp Nhà nước nắm giữ cổ

phần chi phối và có tiếng nói quyết định trong doanh nghiệp. Mô hình công ty cổ phần là mô hình có khả năng tối ưu trong việc khắc phục nhược điểm này. Thông qua việc đa dạng hoá các thành phần sở hữu, mức độ xung đột về lợi ích giữa các chủ sở hữu được dung hoà.

- Sự tham gia của các định chế ngân hàng- tài chính có uy tín và kinh nghiệm trong cơ cấu sở hữu của tổ chức định mức tín nhiệm là một đảm bảo rất quan trọng về cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực có chuyên môn nghề nghiệp cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tiết kiệm được chi phí cơ bản. Kinh nghiệm của các định mức tín nhiệm quốc tế lớn như Moody's, Standard & Poor 's, Fitch's...cho thấy năng lực chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên công ty là nhân tố quyết định sống còn cho chất lượng xếp hạng và uy tín của doanh nghiệp. Nhân viên của các công ty này phần lớn đều là những người có trình độ cao trong các lĩnh vực tài chính- ngân hàng, trong đó nhiều người là các chuyên gia cao cấp về định mức tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp từ các ngân hàng lớn chuyển sang, bởi vì bản thân các ngân hàng, các tổ chức tài chính cũng có những bộ phận chuyên nghiên cứu và xác định mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp để thực hiện các khoản cho vay và tài trợ dự án.

- Việc kết hợp với các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để thành lập một tổ chức định mức tín nhiệm liên doanh cũng là một phương án có nhiều ưu điểm, giúp chúng ta có nhiều cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, và kiến thức cũng như tranh thủ được sự tài trợ về kỹ thuật và tài chính từ phía đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô thị trường của chúng ta còn quá nhỏ bé, số lượng các công cụ của thị trường nợ là đối tượng cho việc xếp hạng còn rất ít ỏi, tính thanh khoản thấp thì việc tìm kiếm một đối tác lớn chấp nhận liên doanh với chúng ta là điều hoàn toàn không dễ dàng. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu thành lập, khi kinh nghiệm và trình độ của chúng ta còn chưa tương xứng với kinh nghiêm và trính độ của bên đối tác thì việc đánh giá xếp hạng cũng dễ bị phụ thuộc và có nhiều mâu thuẫn vì nhiều chuẩn mực của hệ thống tài chính của Việt Nam còn chưa tương xứng với các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này.

Với những lý do như vậy, việc thành lập một tổ chức định mức tín nhiệm theo mô hình công ty cổ phần là rất khả thi. Dự kiến các cổ đông chính của công ty có thể là: Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Tổng

công ty bảo hiểm Việt Nam, Công ty kiểm toán Việt Nam, một số ngân hàng thương mại quốc doanh và ngân hàng thương mại cổ phần lớn, một số công ty chứng khoán và công ty tài chính có uy tín... Cũng có thể tính đến khả năng tham gia của một số ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính cũng như các tổ chức định mức tín nhiệm nước ngoài vào thành phần sở hữu của công ty tuỳ thuộc vào tình hình cũng như chủ trương và quan điểm chung về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trương chứng khoán của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn đầu khi tổ chức định mức tín nhiệm mới thành lập, chúng ta có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm và cách thức tổ chức và kinh nghiệm chuyên môn từ các tổ chức tài chính nước ngoài.

Hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm Việt Nam cũng cần phải đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng và nguyên tắc hoạt động cơ bản, tương đồng với các tiêu chí của tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế.

Kết luận

Thị trường chứng khoán là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam. Qua hơn hai năm đưa vào vận hành Trung tâm giao dịch chứng khoán đã gặp phải rất nhiều bất cập như: nguồn hàng hoá chứng khoán khan hiếm về số lượng và yếu về chủng loại; trình độ dân trí và mức độ quan tâm của công chúng đầu tư vào chứng khoán và thị trường chứng khoán chưa cao; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo; công tác giám sát thị trường không chặt chẽ; hệ thống công bố thông tin đã phần nào làm mất lòng tin của người đầu tư; các ông ty chứng khoán chưa thực sự phát huy được vai trò của mình; hơn nữa thị trường lại thiếu các định chế tài chính trung gian...tất cả những bất cập trên đã làm sức cầu chứng khoán có xu hướng giảm mạnh và có nguy cơ phải đóng cửa thị trường. Vì vậy, đề tài nghiên cứu “Phát triển thị trường chứng

khoán Việt Nam từ góc độ kích cầu chứng khoán” được lựa chọn. Đề tài đã phân tích những yếu tố làm giảm sức cầu chứng khoán dựa trên “lý thuyết lượng cầu tài sản” và đưa ra một số đề xuất giải pháp kích cầu chứng khoán nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một kênh huy động vốn lớn, phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Một phần của tài liệu Phát triển thị trường chứng khoán việt nam từ góc độ kích cầu chứng khoán (Trang 77 - 80)