Các giải pháp tài chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại công ty dịch vụ viễn thông vinaphone (Trang 120 - 125)

5. Bố cục của luận văn

4.2.1. Các giải pháp tài chính

Qua phân tích thực trạng TC của công ty Vinaphone, ta thấy về cơ bản tình hình TC của Vinaphone tương đối lành mạnh, các hệ số hiệu suất hoạt động khá tốt. Bên cạnh đó công ty còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Các giải pháp TC do đó cần được thực hiện ngay trong kỳ tới nhằm góp phần mang lại hiệu quả tức thì, giúp ổn định tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả SXKD

4.2.1.1. Huy động nguồn tài trợ mới và nâng cao hiệu quả của công tác tổ chức huy động và sử dụng vốn

Với đặc thù kinh tế ngành, Vinaphone luôn phải chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường truyền từ đó làm nâng cao chất lượng dịch vụ, để làm được như vậy đòi hỏi một lượng vốn kinh doanh lớn và ổn định. Nhưng vấn đề đặt ra là hiện tại phần vốn tự có của công ty để lại không thể đáp ứng được nhu cầu lớn về vốn như vậy, phần lớn Vốn chủ sở hữu của công ty là được phân phối từ Tập Đoàn Viễn thông Việt Nam, đặc biệt mô hình tài trợ vốn của công ty năm 2012 chưa thực sự ổn định và an toàn, công ty phải dùng một phần NVNH để đầu tư cho TSDH, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của công ty. Vậy nên, công ty cần lập kế hoạch cụ thể về việc huy động vốn bao gồm: việc xác định khả năng vốn tự tài trợ được và vốn cần huy động từ bên ngoài để lựa chọn nguồn tài trợ hợp lý với chi phí sử dụng vốn thấp nhất giúp công ty đạt được một cơ cấu vốn linh hoạt và tối ưu. Để tăng nguồn tài trợ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty có thể áp dụng các biện pháp sau:

Trước hết, trong quá trình tìm nguồn tài trợ, công ty cần huy động hết tối đa nguồn tài trợ của mình, tận dụng tối đa nguồn vốn nội sinh của mình. Một trong những nguồn vốn đấy là lợi nhuận không chia và nguồn vốn khấu hao tài sản cố định được tích lũy lại nhằm tạo nguồn vốn tái đầu tư cho công ty.

Tăng cường huy động các nguồn vốn ngắn hạn, để tài trợ cho các nhu cầu trước mắt về vốn lưu động, tận dụng tối đa các khoản nợ ngắn hạn chưa đến hạn thanh toán như thuế và các khoản phải nộp, áp dụng các hình thức tín dụng thương mại…Việc sử dụng các nguồn vốn này sẽ làm giảm đáng kể chi phí huy động vốn do đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của công ty. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn này chỉ mang tính chất tạm thời và công ty cần chú ý điều hòa vốn chiếm dụng được với khoản vốn bị chiếm dụng ngắn hạn sao cho công ty không bị thua thiệt và luôn có thể đáp ứng nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển thì ngoài các nguồn vốn ngắn hạn, đòi hỏi công ty phải luôn quan tâm đến việc tìm nguồn tài trợ dài hạn, bởi lẽ đây là nguồn tài trợ ổn định và lâu dài đảm bảo cho sự phát triển bền vững của công ty, đặc biệt là với đặc thù kinh doanh của ngành Viễn thông.

Công ty cần chủ động trong việc phân phối và sử dụng vốn đã được tạo lập sao cho mang lại hiệu quả cao nhất. Công ty cần căn cứ trên kế hoạch kinh doanh và dự báo những biến động của thị trường để đưa ra quyết định phân bổ vốn cả về mặt số lượng và thời gian, cụ thể cần dự trữ bao nhiên hàng tồn kho là hợp lý và hiệu quả. Đồng thời, công ty cũng cần có sự phân bổ vốn dựa trên chiến lược phát triển của mình. Từ kế hoạch tổng thể, cần đưa ra kế hoạch chi tiết. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết đối với công tác quản lý tài chính nói chung và quản lý sử dụng vốn nói riêng. Nếu làm tốt công tác này thì công ty sẽ đạt được một cơ cấu vốn tối ưu, linh hoạt và hiệu quả, giúp

lành mạnh tình hình tài chính của công ty, nâng cao chất lượng dịch vụ và góp phần quan trọng vào sự phát triển của công ty trong môi trường cạnh tranh.

Nếu thực hiện giải pháp huy động vốn có hiệu quả, công ty sẽ có một cơ cấu vốn tối ưu đảm bảo cân bằng giữa rủi ro và chi phí, đồng thời sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, làm tăng số vòng luân chuyển tổng VKD của mình. Tuy nhiên giải pháp này thực hiện còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường vốn, sự ổn định của nền kinh tế, uy tín của công ty và khả năng thích ứng trong các tình huống cụ thể của người quản lý.

4.2.1.2 Nhóm các biện pháp nhằm hoàn thiện khả năng thanh toán

Trong kinh doanh, muốn đảm bảo vốn kinh doanh, các DN không tránh khỏi việc nợ tín dụng từ nhà cung cấp. Việc đầu tư nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh làm cho doanh thu tăng, nhưng kéo theo đó là các khoản nợ phải trả cũng tăng. Với các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, khoản phải trả luôn tồn tại do yêu cầu luôn phải đầu tư, nâng cao cơ sở hạ tầng máy móc thiết bị, trong khi đó nguồn vốn tự có lại không đáp ứng được hết. Do vậy, bài toán đặt ra cho công ty là làm thế nào để vừa có thể huy động được nguồn vốn tín dụng hợp lý vừa đảm bảo thanh toán đúng thời hạn, giữ uy tín đối với nhà cung cấp.

Trong năm qua, khả năng thanh toán của công ty thay đổi theo hướng tích cực, các hệ số khả năng thanh toán hầu tăng. Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn đầu năm so với cuối năm đều nhỏ hơn 1 và có xu hướng tăng về cuối năm cho thấy của công ty có bước cải thiện. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay tuy có xu hướng giảm nhưng cũng duy trì ở mức tương đối.

Công ty có thể áp dụng các biện pháp sau để cải thiện hơn nữa khả năng thanh toán:

Xác định mức dự trữ vốn bằng tiền hợp lý, cân đối giữa chi tiêu và lượng tiền dự trữ để đảm bảo khả năng trả nợ và cho hoạt động kinh doanh kì tới.

Công ty cần chủ động khai thác các nguồn vốn dài hạn mà quan trọng nhất là vốn tự có để bổ sung số vốn thiếu hụt, nâng cao mức độ an toàn về mặt tài chính.

Duy trì lượng hàng tồn kho không ở mức quá cao, sử dụng số vốn đó cho các loại tài sản có tính thanh khoản cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán tức thời của công ty.

4.2.1.3. Tăng cường công tác quản lí chi phí giúp nâng cao LN kinh doanh

Mục tiêu hoạt động của mọi DN luôn luôn là tối đa hóa lợi nhuận, và tối đa hóa giá trị thị trường của DN. Tuy nhiên, việc tăng lợi nhuận phải phù hợp với bản chất nền kinh tế, phải có quan điểm đúng đắn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Lợi nhuận của DN chịu tác động nhiều của nhiều nhân tố khách quan như: giá cả các yếu tố đầu vào, thị trường, chính sách của Nhà nước về quản lý kinh tế…và nhân tố chủ quan là việc tổ chức quản lý của DN. Để đạt được lợi nhuận như mong muốn, cách hữu hiệu nhất đối với mọi DN luôn là tăng doanh thu và giảm thiểu chi phí.

Đối với công ty Vinaphone năm vừa qua mặc dù đã cố gắng trong việc quản lý chi phí, song do tình hình kinh tế chung nên vẫn chưa đạt được những hiệu quả nhất định. Công ty có thể áp dụng các biện pháp sau:

Sử dụng nợ vay hợp lý góp phần giảm chi phí hoạt động tài chính cũng là một phương pháp góp phần tăng lợi nhuận của công ty. Chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay, vì vậy quản lý sử dụng tốt các khoản vốn vay là yếu tố chính giúp công ty giảm được chi phí tài chính.

Công ty cũng cần giảm bớt chi phí bán hàng bằng cách cắt giảm bớt những dụng cụ, thiết bị bán hàng không mang lại nhiều lợi ích. Tiết kiệm được những khoản chi phí này là công ty đã tăng được lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh nhờ đó mà được nâng cao. Đầu tư đổi mới kỹ thuật, cải tạo dây chuyền công nghệ, ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Nâng cao trình độ tổ chức sản xuất và lao động, năng lực quản lý, hạn chế tối đa các thiệt hại, tổn thất trong quá trình sản xuất, để có thể tiết kiệm chi phí, hạ giá thành.

Tăng cường công tác giám sát, quản lý các khoản chi phí. Cần giảm thiểu các khoản chi phí không cần thiết, đồng thời quản lý chặt chẽ các khoản chi phí như chi văn phòng, chi tiếp khách… Để giảm các khoản chi phí này, trước hết lãnh đạo công ty phải quán triệt ý thức tiết kiệm đến từng phòng ban, từng nhân viên và có các biện pháp quản lý chặt chẽ.

4.2.1.4. Quản lý các khoản nợ phải thu

Với đặc thù kinh doanh dịch vụ của công ty, đặc biệt là dịch vụ trả sau thì việc tồn tại các khoản phải thu là hợp lý, nhưng nếu các khoản phải thu nhiều sẽ làm hạn chế năng lực sản xuất lâu dài, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Qua số liệu ta thấy, các khoản phải thu của công ty có xu hướng tăng về cuối năm. Đòi hỏi công ty phải đẩy mạnh công tác thu hồi vốn, hạn chế việc phát sinh những chi phí không cần thiết hoặc rủi ro của công ty, có thể áp dụng một số biện pháp sau:

Đối với khách hàng đơn lẻ như hộ gia đình, cá nhân thì việc thu hồi nợ hiện nay chủ yếu là do nhân viên thu trực tiếp tại nhà, phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan nên không thể thu hồi ngay trong 1-2 ngày do vậy công ty nên áp dụng thêm nhiều chính sách đãi ngộ đối với nhân viên làm bán thời gian như được hưởng hoa hồng, hỗ trợ phương tiện đi lại… từ đó thúc đẩy tinh thần làm việc hăng say của nhân viên.

Đối với khách hàng là khối các cơ quan, DN trên toàn quốc, việc thu hồi nợ chủ yếu là do đơn vị đó trực tiếp nộp lại sau khi có thông báo từ phía DN, như vậy công ty có thể kết hợp với các ngân hàng trên toàn quốc mở dịch vụ thanh toán nợ qua tài khoản tín dụng của khách hàng tại ngân hàng đó, cho phép các NH được hưởng một mức chiết khấu hợp lý, như vậy công ty sẽ mất

một khoản chi phí chiết khấu nhưng có thể xem như đó là một khoản chi phí nhỏ bỏ ra để thu hồi vốn nhanh hơn.

Công ty cần xây dựng củng cố mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Trong chính sách bán hàng của công ty có thể áp dụng nhiều chương trình khuyến mại ngoài các dịp lễ, tết, có nhiều chương trình giảm chi phí lắp đặt, hệ thống hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc khách hàng theo hình thức khách hàng trả tiền trước mới sử dụng dịch vụ...

4.2.1.5 Tái cơ cấu nguồn vốn cho công ty

Dựa vào kết quả phân tích ta nhận thấy hiện nay Vinaphone đang sử dụng một cơ cấu vốn khá cân đối giữa vốn nợ và VCSH, trong đó nợ phải trả chiếm tỉ trọng lớn hơn. Hệ số nợ của công ty tương đối cao, tạo điều kiện khuếch đại ROE, nhưng đồng thời cũng khiến công ty ở vào tình trạng khá mạo hiểm về mặt tài chính. Vì vậy, việc có tăng vay nợ hay không cần phải được cân nhắc kỹ càng bởi lẽ nâng cao vốn nợ cũng là nâng cao rủi ro tài chính của công ty. Công ty cần có quyết định hợp lý về thời điểm vay vốn, đối tác cho vay và công tác tổ chức, sử dụng vốn vay sao cho hợp lý. Điều này không những quan trọng đối với công ty mà nó còn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, các nhà cung cấp, ngân hàng cho vay… Nếu khả năng tự chủ của công ty lớn mạnh sẽ tạo niềm tin cho các đối tượng có liên quan, từ đó tạo thuận lợi cho công ty về nhiều mặt trong kinh doanh và tăng nguốn VKD cho công ty.

Sự ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hoạt động kinh doanh của các DN. Tuy nhiên đây cũng sẽ được coi là một thuận lợi cho các DN biết tận dụng thời cơ khi muốn đầu tư thêm thiết bị kĩ thuật, cơ sở hạ tầng mở rộng hoạt động kinh doanh. Vì vậy bố trí lại cơ cấu vốn bằng việc tăng cường đầu tư vào máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ là một điều hết sức cần thiết và thích hợp với công ty tại thời điểm hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại công ty dịch vụ viễn thông vinaphone (Trang 120 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)