5. Bố cục của luận văn
1.3. Nội dung đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả
Các cơ quan Quản lý nhà nước có chức năng về phòng, chống hàng giả phải chủ động và phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tuyên truyền, bài trừ hàng giả và tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi vấn nạn hàng giả. Nhà nước không quản lý hàng giả ở góc độ hàng hóa mà quản lý hàng giả thông qua công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường.Vấn đề đặt ra là: Nhà nước quản lý công tác phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả như thế nào để phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả trong lĩnh vực thương mại? Công tác quản lý nhà nước gồm các hoạt động sau:
* Công tác tuyên truyền
Công tác tuyên truyền luôn được các cơ quan chức năng về phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả coi là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt đối với công tác đấu tranh chống hàng giả thì công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và người kinh doanh cũng như giúp ngăn ngừa và hạn chế những hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, các cơ quan chức năng liên quan và chủ yếu là Chi cục Quản lý thị trường phải chỉ đạo các đội Quản lý thị trường
các huyện, thành phố hàng năm chủ động xây dựng các kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, một số Báo trung ương thực hiện các phóng sự, đưa tin các bài tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước đối với công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, các biện pháp, giải pháp của Chính phủ, các Bộ ngành trung ương và UBND tỉnh; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, các đảng viên, ban quản lý các chợ, các trung tâm thương mại, bộ phận phát thanh của các xã, phường thị trấn tuyên truyền pháp luật trong hoạt động thương mại trong đó có các quy định về sản xuất, kinh doanh hàng giả đến các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh và các tầng lớp nhân dân tại địa phương.
* Công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống sản xuất và buôn bán hàng giả cho công chức, nhân viên Chi cục Quản lý thị trường tại các địa phương có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý về hàng giả. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi các hoạt động buôn bán, sản xuất hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi đòi hỏi người công chức Chi cục Quản lý thị trường ngày càng phải được đào tạo một cách chính quy, bài bản và được trang bị những kiến thức về nghiệp vụ cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức, nhân viên, Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ công chức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về hàng giả cho cán bộ, công chức thông qua tổ chức hội nghị về hàng giả, cử công chức, nhân viên tham gia các lớp bồi dưỡng, hội thảo về hàng giả do Cục Quản lý thị trường tổ chức hoặc đi trao đổi, học tập kinh nghiệm kiểm tra, kiểm soát và xử lý về hàng
giả tại các tỉnh có hoạt động thương mại phát triển, các tỉnh giáp biên giới nơi có hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động mạnh.
* Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm
Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm là hoạt động có vai trò quan trọng trong việc duy trì kỉ cương pháp luật, phát hiện và kịp thời ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm hạn chế tác hại cũng như nâng cao tính răn đe đối với các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả. Trước tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh lành mạnh, Chi cục Quản lý thị trường cần chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc, đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin, chủ động phối hợp với các Doanh nghiệp, các hãng sản xuất có hàng hoá đang bị làm giả (VD: Công ty Honda, Mỳ chính AJINOMOTO, máy tính nhãn hiệu CASIO, Công ty UNILEVER…) và thông tin của người tiêu dùng để xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả; đồng thời chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả vào các dịp cao điểm tiêu thụ hàng hóa nhiều trong năm.
Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về hàng giả hiện nay có vai trò quan trọng do thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả và công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi khó kiểm soát trong khi sự phối hợp của các nhà sản xuất, chủ thể quyền lại rất hạn chế, cùng với đó là quy trình thiết lập hồ sơ xử lý và kết luận hành vi vi phạm phức tạp hơn đòi hỏi người công chức QLTT phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất định do vậy công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý về hàng giả trong thời gian tới cần khắc phục những khó khăn, tồn tại và phát huy hơn nữa sự cố gắng, nỗ lực để đạt được kết quả cao hơn.
* Công tác phối hợpgiữa các cơ quan chức năng
Ở bất kỳ giai đoạn nào thì hàng giả luôn là vấn nạn của toàn xã hội. Chính vì vậy, đấu tranh chống hàng giả là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phối hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, Chi cục Quản lý thị trường cần thường xuyên quan tâm và đẩy mạnh công tác phối hợp trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại các địa phương.
Công tác phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương bao gồm các Sở, Ban, Ngành có chức năng thanh tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Bao gồm các ngành. Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Sở tài chính, Cục thuế tỉnh, Cục hải quan, Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở y tế, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở thông tin và truyền thông, Sở văn hóa, Thể thao và du lịch, Sở giao thông vận tải, Sở tư pháp và các ngành liên quan.
Phối hợp với các các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, với các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức tuyên truyền cho công chức, nhân viên QLTT các quy định của pháp luật có liên quan đến các loại hàng hóa mà họ sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn cách nhận biết, phân biệt hàng thật (hàng chính hãng) với các loại hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường. Tham gia thành viên của các hiệp hội như hội bảo vệ người tiêu dùng để nắm bắt thông tin và tình hình hoạt động cũng như phối hợp với hội trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng khi có tranh chấp xảy ra.
* Công tác trang bị cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu thông tin
Cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả là yếu tố rất quan trọng, cung cấp phương tiện, máy móc, thông tin về thị trường giúp cho người công chức hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường luôn phải quan tâm đến công tác trang bị cơ sở vật chất, công cụ dụng cụ và cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ,
công chức như đã xây trụ sở mới, sửa chữa nhà công vụ nơi làm việc cũng như chỗ nghỉ cho cho các đội. Về trang thiết bị, công cụ đã trang bị về cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ công tác như cấp phát trang phục ngành, công cụ hỗ trợ chuyên môn ngành. Cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xử lý vi phạm cập nhật thông tin mới thường xuyên, phản ánh rõ tình hình và cần đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ làm cơ sở cho công tác kiểm tra kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường.