Các giải pháp hỗ trợ khác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố thái nguyên​ (Trang 74)

3. Ý nghĩa của đề tài

4.6.5. Các giải pháp hỗ trợ khác

4.6.5.1. Đổi mới cơ cấu vốn đầu tư trong nông nghiệp

Yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn hiện nay cần đòi hỏi một mặt tăng vốn đầu tư cả về lượng tuyệt đối và tỷ trọng, mặt khác phải đổi mới cơ cấu vốn đầu tư. Thay đổi phương pháp đầu tư theo chiều sâu là chủ yếu.

Nội dung đổi mới là tăng số lượng và tỷ trọng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp hàng hóa có chất lượng cao, chi phí thấp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển cơ cấu kinh tế nông thôn toàn diện có cơ cấu hợp lý: nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ. Chú trọng ưu tiên cho tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Ưu tiên vốn đầu tư cho phát triển một số sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Đầu tư thỏa đáng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, chế biến các sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Dành vốn thỏa đáng đầu tư và khoa học kĩ thuật và công nghệ mới, nhất là giống cây con, thủy lợi, phân bón, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông để đưa nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Đổi mới cơ cấu đầu tư nhất thiết phải phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH.

Trong trồng trọt: Bên cạnh việc phát triển các giống lúa mới đi đôi với việc tăng cường đầu tư cho các giống rau, cây ăn quả mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt để thay thế những giống cũ, chất lượng không tốt.

Trong chăn nuôi: Phát triển các giống lợn lai, lái ngoại. Bên cạnh đó, phát triển đàn gia súc, gia cầm khác theo hướng cập nhật những giống mới tốt hơn về chất lượng thịt, đầu tiên cho việc áp dụng có phương pháp chăn nuôi mới tiến bộ.

Trong thủy sản: Ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nhất là nuôi tôm theo phương thức tiến bộ, hiệu quả và bền vững môi trường.

4.6.5.2. Đổi mới và hoàn thiện phương pháp đầu tư

CNH-HĐH nông nghiệp đòi hỏi những điều vật chất cao hơn so với nông nghiệp tự cấp tự túc. Để đáp ứng được những đòi hỏi đó, cùng với số lượng, đổi mới cơ cấu đầu tư cần đổi mới cả về phương pháp đầu tư.

Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp gắn với thị trường. Cần giảm mạnh đầu tư theo chiều rộng (mở rộng đầu tư vào diện tích, năng suất thấp, chất lượng thấp, tự phát theo quy mô nhỏ lẻ, tự cấp tự túc...) tăng nhanh số lượng và tỷ trọng đầu tư theo chiều sâu (thâm canh cao trên từng đơn vị diện tích, đầu gia súc bằng biện pháp ứng dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất) để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đồng thời, giảm dần tỷ trọng đầu tư trực tiếp qua NSNN, tăng dần tỷ trọng đầu tư gián tiếp qua hệ thống tín dụng. Đầu tư trực tiếp của NSNN chỉ nên tập trung vào xây dựng CSHT nông thôn: đường giao thông, hệ thống thủy lợi,.. Các công trình khác nên mở rộng theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm hoặc sử dụng vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư. Đối với các hộ nông dân, cần giảm bớt phương thức đầu tư qua hỗ trợ trực tiếp, cần đầu tư gián tiếp thông qua hệ thống tín dụng hoặc các chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Với phương thức đó, các cơ quan quản lý nông nghiệp buộc phải chấp nhận đổi mới và xóa bỏ dần tình trạng bao cấp, tham nhũng, phiền hà trong việc xét duyệt, cấp phát và sử dụng vốn đầu tư. Một khi vốn đầu tư nông nghiệp chủ yếu lấy từ nguồn vốn tín dụng thì bắt buộc các cơ quan quản lý và các hộ sản xuất phải tính toán, lựa chọn phương án sử dụng vốn có hiệu quả

nhất. Trong thời gian tới cần đầu tư gián tiếp thông qua việc mời các nhà khoa học, kỹ thuật và quản lý xuống cơ sở giúp nông dân đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào đồng ruộng thông qua hệ thống khuyến nông.

4.6.5.3. Tăng cường đầu tư cho con người và đào tạo cán bộ nông nghiệp

Đổi mới mạnh mẽ chính sách đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề để thu hút và tăng cường chất xám cho nông thôn, nông nghiệp.

Đây là giải pháp quan trọng về đầu tư trực tiếp cho con người nhằm đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH, nông thôn. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế nông thôn đa ngành với cơ cấu tiến bộ, nhất thiết phải có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Đội ngũ này có vai trò quyết định đến kết quả và hiệu quả vốn đầu tư trong nông thôn và nông nghiệp. Cần đổi mới mạnh mẽ chính sách sử dụng cán bộ theo hướng gắn từng đồng vốn đầu tư đến trách nhiệm và lợi ích kinh tế của từng người trong hệ thống quản lý và sử dụng vốn phục vụ cho nông nghiệp. Đó cũng là một điều kiện không thể thiếu để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này bởi vì đầu tư vào đâu, trước hết phải biết ai là người sử dụng đồng vốn đó để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với tỉnh, nội dung giải pháp này nên thực hiện theo các hướng:

+ Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp kiểu mới, cán bộ chủ chốt của xã, chủ các trang trại, công nhân lành nghề, kể cả trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại.

+ Xây dựng và mở rộng hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến thương ở nông thôn để nhanh chóng chuyển giao tiến bộ KHKT tiên tiến đến đồng ruộng, đến hộ nông dân. Thông qua hệ thống này để bồi dưỡng kiến thức kinh tế thị trường cho hộ nông dân, giúp họ vừa tiếp thu kinh nghiệm sản xuất tiên tiến, vừa tiếp cận với thị trường.

+ Nhà nước cần có chính sách đào tạo và thu hút trí thức trẻ tốt nghiệp các trường đại học và làm việc lâu dài ở nông thôn. Kinh nghiệm ở các nước công nghiệp hóa và thực tế ở nước ta cho thấy: Muốn CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, nhất thiết phải có lực lượng trí thức trẻ có năng lực và thực sự gắn bó với bà con nông dân, các trang trại, các làng nghề. Vấn đề đặt ra là

Nhà nước phải có chính sách đãi ngộ về tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, điều kiện học tập, nghiên cứu từ đó tác động khuyến khích họ yên tâm, phấn khởi làm việc lâu dài ở nông thôn. Chính sách đó cần thống nhất trên phạm vi cả nước và cần có sự đầu tư thỏa đáng từ NSNN Trung ương để đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Đó cũng là một giải pháp đảm bảo tính khả thi của các giải pháp khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn nước ta thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH.

4.6.5.4. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo động lực và sức mạnh thu hút vốn

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp, từ đó thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp của thành phố, trong thời gian tới cần thực hiện:

- Tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Trên cơ sở đó, thực hiện quy hoạch chi tiết phát triển ngành nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng xã theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường của thành phố, tỉnh và thị trường bên ngoài. Việc quy hoạch phát triển nông nghiệp cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Sau đó, phải được thông báo cho toàn bộ nhân dân cùng biết để có sự chủ động trong việc lập kế hoạch SXKD của mình.

- Đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn của thành phố, thúc đẩy việc nâng cao năng lực sử dụng vốn, đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa.

Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Thông qua công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ ứng dụng khoa học- công nghệ, kiến thức và kinh nghiệm sản xuất cho nông dân.

Đào tạo nghề cho nông dân phải kết hợp đồng bộ cả hai loại đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Đào tạo nghề ngắn hạn nhằm mục đích nâng cao kiến thức và kỹ năng về trồng từng loại cây, từng loại con; cách sơ chế và chế biến từng loại nông sản, thủy sản sau thu hoạch,.. Cơ sở dạy nghề có thể là các trung tâm hướng nghiệp, các tổ chức chính trị xã hôi,... Bằng mọi hình thức

đào tạo nghề ngắn hạn để có thể phổ biến kiến thức cho mọi lứa tuổi, kể cả người không có điều kiện để học tập trung và dài hạn.

Đào tạo nghề dài hạn nhằm mục đích thu hút số lượng lớn lao động trẻ có trình độ văn hóa đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học,... vào học tại các trường đại học và các trường đào tạo nghê dài hạn. Sau khi tốt nghiệp, tỉnh cần có chính sách thu hút và ưu đãi họ về việc làm cống hiến một cách nhiệt tình vào công tác quản lý nông nghiệp của thành phố. Đồng thời, cần có kế hoạch thường xuyên đưa cán bộ đào tạo, nâng cao kiến thức,phối hợp với các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, các lớp học khuyến nông để họ quay trở lại đào tạo và phổ biên rộng rãi các kiến thức quản lý và kiến thức sản xuất cho nông dân.

4.6.5.5. Đổi mới quản lý nhà nước trong ngành nông nghiệp, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách đầu tư và sử dụng vốn ngày càng có hiệu quả

Đổi mới quản lý nhà nước trong ngành nông nghiệp để tăng hiệu quả về sự quản lý chặt chẽ và có sự đầu tư hợp lý dành cho nông nghiệp, có phương án phát triển. Đổi mới việc thực hiện các chức năng quản lý về kinh tế nông nghiệp và đổi mới tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với nông nghiệp. Thông qua đó sẽ tác động tích cực đến việc huy động ngày càng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo đầu tư được tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy nông nghiệp của thành phố theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường.

Thứ nhất, cần đổi mới việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế nông nghiệp

Về thực chất, quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường đã có sự thay đổi căn bản so với thời kỳ thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Cần tiếp tục nhận thức rõ vai trò, chức năng của quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường, phân định rõ chức năng quản lý của nhà nước với chức năng quản lý sản xuất- kinh doanh. Quản lý nhà nước về kinh tế chỉ mang tính chất định hướng, không can thiệp sâu vào quá trình sản xuất kinh doanh. Đồng thời phải quán triệt tốt đặc điểm của sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp để tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Đổi mới chức năng quản lý nhà nước đối với phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Thái nguyên. Trong thời gian tới, quản lý nhà nước về

nông nghiệp của thành phố cần hướng vào quản lý các chương trình, dự án phục vụ nông nghiệp theo hương sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường; có sự trợ giá đối với nông sản hàng hóa, sử dụng tổng hợp các công cụ và chính sách kinh tế, thúc đẩy quá trình huy động và sử dụng vốn có hiệu quả; coi trọng kỷ cương, kịp thời xử lý những sai phạm và phòng ngừa hữu hiệu hiện tượng tham nhũng, chống thất thoát vốn và tài sản trong các chương trình, dự án kinh tế phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý kinh tế

Cần sử dụng tổng hợp các công cụ quản lý, trong đó chú trọng công tác kế hoạch hóa, thực hiện đồng bộ các chính sách và coi pháp luật là một trong những công cụ đóng vai trò quyết định. Thông qua việc đổi mới có hiệu quả công tác kế hoạch, thành phố xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa gắn với thị trường. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch huy động tổng lực các nguồn vốn, bố trí, phân bổ vốn đã huy động được một cách hợp lý, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhấu trong hoạt động đầu tư. Mặc dù vậy, cần nhận thức rằng công tác lập kế hoạch chỉ mang tính định hướng. Do đó, cần phải định hướng đúng và sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ để điều tiết kinh tế nông nghiệp của thành phố, từ đó nâng cao khả năng khai thác, huy động, phân bố và sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả.

Thứ ba, phải đổi mới tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Trên cơ sở đổi mới chức năng quản lý cần đổi mới bộ máy quản lý. Đổi mới bộ máy quản lý nông nghiệp phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý trong cơ chế mới. Đổi mới bộ máy quản lý nông nghiệp tốt sẽ tác động tích cực trở lại thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Trên cơ sở sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trong ngành nông nghiệp từ Trung ương, cần tiếp tục đổi mới bộ máy quản lý nhà nước đối với nông nghiệp các địa phương từ cấp sở, phòng, cơ sở làm cho bộ máy quản lý nông nghiệp gọn nhẹ, hiệu quả, trong đó việc đầu tiên phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc của công cuộc cải cách hành chính quốc gia.

PHẦN 5

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 5.1 Kết Luận

Ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước. Cần hiểu rằng, vai trò của ngân sách nhà nước luôn gắn liền với vai trò của nhà nước theo từng giai đoạn nhất định. Đối với nền kinh tế thị trường, ngân sách nhà nước đảm nhận vai trò quản lý vĩ mô đối với toàn bộ nền kinh tế, xã hội.

Ngân sách nhà nước là công cụ điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế xã hội, định hướng phát triển sản xuất, điều tiết thị trường, bình ổn giá cả, điều chỉnh đời sống xã hội.

Đối với nước ta, do các đặc điểm của thời kỳ quá độ và tình hình phát triển nhanh chóng của thế giới trên tất cả các mặt kinh tế- xã hội, khoa học, kỹ thuật và công nghệ,... Cho nên sự phát triển lớn mạnh của NSNN có vai trò đặc biệt quan trọng. Đất nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát về kinh tế thấp, trong khi nhu cầu về xây dựng và phát triển kinh tế theo hướng CNH-HĐH đất nước lại đòi hỏi số lượng, chất lượng, cơ cấu vốn tài chính rất lớn và cấp bách. Tình hình đó đòi hỏi phải nâng cao sự quản lý vốn tài chính, vốn ngân sách có hiệu quả. Có như vậy mới tạo điều kiện về tài chính cho tất cả các hoạt động kinh tế- xã hội, khai thác có hiệu quả tối đa các nguồn lực và tiếp thu có hiệu quả nguồn vốn bên ngoài dưới nhiều hình thức.

Đề tài: “Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp tại thành phố Thái nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố thái nguyên​ (Trang 74)