7. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Tiểu sử và cuộc đời
Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 01/12/1936 tại nhà thương Ái Mỗ, trấn Sơn Lộc - Tông, tỉnh lỵ Sơn Tây cũ. Quê gốc là làng Kim Liên, Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội. Ông hòa mình vào dòng chảy văn chương Việt Nam hiện đại từ nửa sau thế kỷ XX và trở thành một trong những cây bút tiêu biểu.
Ma Văn Kháng đã từng tham gia quân đội từ tuổi thiếu niên và được cử đi học ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình lập lại theo tiếng gọi của Đảng, Ma Văn Kháng tạm biệt quê hương Hà Nội lên Tây Bắc công tác. Đây là một bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời ông. Ma Văn Kháng lên dạy học ở Lào Cai và đã lần lượt trải qua nhiều cương vị công tác. Ông đã từng làm giáo viên dạy Văn, hiệu trưởng trường cấp 2, cấp 3 phổ thông Lào Cai, về sau ông được Tỉnh uỷ Lào Cai điều về làm thư ký cho Bí thư Tỉnh uỷ, rồi làm phóng viên, Phó tổng biên tập báo Đảng bộ Tỉnh. Suốt 20 năm gắn bó với mảnh đất Tây Bắc, Ma Văn Kháng am hiểu lối sống, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cái tên Ma Văn Kháng phần nào đã nói lên tình yêu thương mà ông dành cho mảnh đất giàu tình nghĩa ấy. Từ trong tâm khảm, nhà văn đã coi Tây Bắc là quê hương thứ hai của mình.
Sau 1976, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Ma Văn Kháng chuyển công tác về Hà Nội, trở về với cuộc sống đô thị. Ông từng làm Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Đến tháng 3 năm 1995, ông là Uỷ viên Ban chấp hành Đảng - Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam khoá IV, trưởng ban sáng tác của Hội và là Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài. Ở cương vị công tác nào, ông cũng là người dễ mến, sống chan hoà với mọi người.