II. PHÂN NỘI DUNG CHÍNH
3.3.1. Giọng điệu dí dỏm, hài hước
Điều làm cho truyện của Lê Phương Liên hấp dẫn với bạn đọc chính là sự tham gia của người viết vào diễn biến của câu chuyện. Sự phối hợp giữa từ ngữ, cú pháp, nhịp điệu, ngữ điệu tạo nên giọng điệu dí dỏm, hài hước trong sáng tác của nhà văn. Giọng điệu ấy được kết hợp với nét hồn nhiên của tuổi thơ đã tạo được sự cuốn hút người đọc. Miêu tả một em bé miền núi (nhân vật cu Non trong Chiếc nhãn vở mong manh) sắp đến tuổi đi học, em chưa hình dung ra lớp một của em là như thế nào, chưa bao giờ nhìn thấy cô giáo. Sự tưởng tượng của em về cô giáo được nhà văn thể hiện qua một giọng điệu rất dí dỏm, hồn nhiên: “Non chưa bao giờ trông thấy cô giáo nên nó vẽ một
người cao bằng cây ngô”, bởi cây ngô luôn gắn bó mật thiết với đời sống
hàng ngày của em - thật thú vị và hài hước. Được bà và mẹ đưa cu Tý đến trường trong buổi đầu tiên, tâm trạng của Tý được miêu tả : “Cả bà và mẹ đưa
tôi đến trường, mẹ và bà đều sợ tôi khóc, và còn lo tôi có thể đái dầm nữa vì
sợ … cô giáo” (33, tr. 27). Sự ngộ nghĩnh ngây thơ của bé được thể hiện qua
giọng điệu vừa thông minh, vừa hóm hỉnh của tác giả, khiến người đọc hình dung ra những nụ cười mủm mỉm và nhân hậu của nhà văn dấu sau những câu chuyện nhẹ nhàng. Trong trí tưởng tượng của các bé, các con vật cũng biết nói tiếng của loài người, có tâm trạng và suy nghĩ như con người vậy. Chuyện về cô bé Ốc Sên lần đầu xa mẹ, khám phá thế giới xung quanh mình, Ốc Sên thấy ngỡ ngàng, vừa sợ hãi vừa thích thú. Cảm giác của Ốc Sên được tác giả kể lại qua giọng điệu vừa nhẹ nhàng, vừa hài hước, tạo sự hấp dẫn với trẻ thơ:
“ Khi ra gần đến cửa nhà thì cô bỗng nghe thấy tiếng “Ngao! Một ông Mèo to
lớn đang đi lại. Tuy chân Mèo rất êm nhưng chắc là giẫm trúng cô Ốc Sên thì đời cô cũng tan nát. Cô Ốc Sên rụt chân lại, thu mình trong vỏ ốc và lăn vào chân tường. Cô chỉ dám he hé mắt nhìn ra… nằm trong vỏ ốc, cô thầm cảm
ơn tổ tiên loài ốc sên đã truyền lại cái vỏ ốc cho con cháu đời đời nương tựa”
… “Cô bé Ốc Sên bỗng nhìn thấy một bà mẹ Nhện bụng mang dạ chửa đang
giăng lưới trên bờ cỏ. Lần đầu trông thấy bà Nhện, cô bé Ốc Sên rất lúng túng, vừa sợ muốn tránh, lại vừa muốn làm quen: -… Cháu chào bà ạ, cháu là Ốc Sên con của mẹ Ốc Sên. Cháu đang tìm đường về với mẹ, bà biết lối đi chỉ giùm cháu với
Bà Nhện rung rinh cái bụng to kềnh, cười:
- Cô bé ngốc nghếch, chả lẽ mẹ cô không dạy cho cô chuyện nhỏ đó sao? Loài sên nhà cô ấy, đi đâu cũng để lại vệt nước dãi trên đường, cô hãy
tìm lại vết của mẹ mà về”(33, tr. 43).
Để tạo ra giọng điệu dí dỏm và hài hước, nhà văn hay sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa đem gán cho vật những đặc điểm người - như cách gọi các loài cây, loài vật: chị Hồng thắm, cô Họa Mi, bà Gà mái, bà Nhện, ông Mèo, anh Sâu
“Hai bà quạ đen cùng đậu trên cành tre ngủ gật suốt ngày nên chẳng hay biết gì. Bỗng thấy hai anh họa mi và sơn ca bay qua, miệng ngậm hai bông hoa phượng đỏ chói khiến hai bà giật mình hoảng hốt kêu om lên:
- Gì thế, gì thế?
Hai anh chồng khôn ngoan không hề mở mỏ trả lời, cứ thế bay thẳng về tổ để tặng quà cho hai bà mẹ tương lai. Bọn ong bướm cười rinh rích, vo
ve ầm ĩ trên đầu hai bà quạ…” (33, tr.49). Cách nhìn nhận sự vật hồn nhiên,
cách liên tưởng rất riêng ấy cùng với cách gọi, cách xưng hô như trên đã tạo ra một màu sắc mới trong cách gọi tên, miêu tả và tạo nên một giọng điệu dí dỏm, vui vui và vô cùng hấp dẫn.
Khi viết cho các em ở lứa tuổi thiếu nhi - đặc biệt là ở lứa tuổi nhỏ, nhà văn luôn có giọng hài hước dí dỏm nhưng không kém phần trìu mến, nhất là khi bà miêu tả sự ham chơi của trẻ nhỏ: “Mắt cắm cả sau lưng hay sao mà
Quân chạy đánh bốp vào người Khải” (27, tr. 54)… Hay miêu tả một trận
đánh: “Toàn là võ nghệ trẻ con giở ra, nào là béo tai, véo mũi, cấu vai, giật tóc… Thế mà hò hét ầm ĩ: “Ta là Tướng quân Trần Nhật Duật đây!”,“Ta Ô Mã Nhi đây!”, “Ta là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đây!”, “Ta là Toa Đô đây”… không biết ngày xưa quân Nguyên đánh nhau với quân nhà Trần thế nào, hào khí Đông A ra sao chứ cảnh tượng hôm ấy của đám trẻ con bên Đền
Bà Kiệu cũng vô cùng khí phách…” (29, tr. 139). Là trẻ con ai cũng đã từng
chơi những trò chơi trốn tìm, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… bởi những trò chơi này luôn luôn cuốn hút, hấp dẫn kỳ lạ với các bé. Nhà văn kể lại một cuộc chơi rồng rắn lên mây của lũ trẻ bằng giọng điệu vừa dí dỏm vừa vui nhộn và cũng rất hài hước: “Chị Hòa làm đầu đoàn rồng rắn dang rộng cánh tay che chắn cho “cái đuôi” là con bé Nụ đang lon ton túm chặt lấy vạt áo của bé em đằng trước chạy qua chạy lại dích dắc ở phía sau. “Thầy thuốc” tìm đủ mọi cách rình rập, lừa dịp sơ hở để túm được kẻ đang đứng làm đuôi.
“Thầy thuốc” tối nay nhanh như một con chim cắt… Quý đúng là một kẻ láu lỉnh mưu mẹo. Miệng nó rộng ngoác ra hô hoán ầm ĩ, nó xồ người về bên phải, để rồi bất thình lình nó chạy vụt về bên trái tóm ngay được “cái đuôi”…
Thế là cả đoàn rồng rắn tan ra trong tiếng cười” (29, tr. 117).
Một em bé (nhân vật tôi - Ngày tôi sáu tuổi) bị mẹ mắng là “ăn chậm”, bé đã trốn chui xuống gầm bàn để mẹ và bà phải đi tìm “Cả bà và mẹ ngó nghiêng trong góc tủ, ở dưới gầm bàn, kéo cả rèm cửa ra để xem tôi có nấp ở đó không. Tôi vừa buồn cười vừa sợ đến nỗi không nhịn được. Nước trong người tôi… rơi ra. Một dòng nước chảy ra từ dưới gầm bàn làm việc của bố tôi, lăn ra.
Thế là bà và mẹ tìm ra tôi rồi… Ông tôi chạy đến, vội vã mang chồng sách vở. “Ôi thôi, cháu đái dầm ra cuốn “ Những cây thuốc và vị thuốc nam
của ông rồi” … (33, tr. 21). Nỗi sợ bị mẹ mắng, nỗi sợ tè ra sách của ông tan
biến khi ông an ủi bé: “Ông tôi cười “Không sao, nước tè của cháu cũng là
một vị thuốc”, vì tìm được bé rồi cả nhà đã hết lo, vậy ai còn mắng bé được
nữa chứ?
Chan chứa tình yêu con trẻ trên từng câu chữ khiến cho nhiều sáng tác của Lê Phương Liên có giọng điệu dí dỏm hài hước rất phù hợp với tâm lý trẻ con - chính điều đó, sáng tác của bà luôn được các em (và cả người lớn) đón đọc bởi sự hấp dẫn trong từng câu chuyện kể.