Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ chỉ ẩm thực trong tiếng mường ở huyện phù yên sơn la (Trang 32 - 37)

Chương 1 : CƠ SỞ LÍ THUYẾT

1.3. Cơ sở thực tiễn

1.3.1. Vài nét về người Mường

Mường là tên chính thức của một dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Dân số:

1.268.963 người (2009). Là dân tộc có số dân đông thứ 4 ở Việt Nam (sau các dân tộc Kinh, Tày, Thái). Người Mường tự gọi là Mol với các biến thể ngữ âm

Mọn, Mọi, Muan, Mol… Mol trong tiếng Mường có nghĩa “người”.

Tên gọi Mường được giải thích là bắt nguồn từ mương “kênh, mương” - hệ thống thủy lợi làm ruộng nước. Sau đó, Mường chỉ đơn vị cư trú - một khu

vực với hệ thống kênh mương thủy lợi riêng, như Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động, Mường Khến, Mường Khói... (Hòa Bình), Mường Khô, Mường Ống, Mường Rạc, Mường Danh, Mường Dồ... (Thanh Hóa).

Mường trở thành tộc danh gắn với sự chia tách khối Việt - Mường, chỉ cư dân

cư trú ở các mường (ở miền núi, xa trung tâm hành chính), phân biệt với người Kinh - cư dân cư trú ở vùng đồng bằng, là “kẻ chợ, kinh kì”.

Các tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái và huyện Ba Vì thuộc Hà Nội là những địa bàn cư trú truyền thống của dân tộc Mường. Các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ là những nơi người Mường mới di cư đến từ nửa sau thế kỉ XX. Hiện nay người Mường cư trú tập trung ở các khu vực miền núi, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Theo Tổng điều tra dân số năm 1999, người Mường sống tập trung ở các tỉnh: Hòa Bình (479.197 người, chiếm 63,3% dân số của tỉnh), Thanh Hóa (328.744 người, chiếm 9,5% dân số của tỉnh), Phú Thọ (165.748 người, chiếm

13,1% dân số của tỉnh), Sơn La (71.906 người, chiếm 8,2% dân số của tỉnh), Ninh Bình (46.539 người), Người Mường cư trú ở khu vực Ba Vì (Hà Nội), Yên Bái, Đắc Lắc. Số người Mường ở các tỉnh nói trên chiếm khoảng 98% số người Mường ở Việt Nam.

Người Mường sống tập trung thành làng xóm ở chân núi, bên sườn đồi, gần sông suối…, mỗi làng có khoảng vài chục nóc nhà, nhà ở chủ yếu là nhà sàn, phần trên nhà sàn để người ở, dưới gầm sàn đặt chuồng gia súc, gia cầm, đặt cối giã gạo, khung cửi, các công cụ sản xuất khác.

Về tập quán canh tác và sản xuất: Người Mường có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển đó là nghề nông trồng lúa nước. Người Mường trồng cả lúa nếp và lúa tẻ, nhưng họ rất coi trọng cây lúa nếp vì trong cuộc sống, bữa ăn truyền thống thì cơm nếp là nguồn lương thực chủ đạo. Người Mường đa phần làm ruộng bậc thang tận dụng đất ở sườn, chân đồi gò, họ biết làm guồng xe nước lợi dụng dòng chảy của các con sông, suối, ngòi để đưa nước lên cao, cung cấp cho những thửa ruộng dài, ngoằn nghèo. Ruộng bậc thang chủ yếu chỉ trồng được một vụ trong năm là vụ mùa. Các vụ khác người Mường dùng để trồng ngô, khoai, rau…

Cùng với nghề trồng lúa nước (lúa nương và lúa nước) làm chính, người Mường còn tăng gia sản xuất với những nghề phụ như: chăn nuôi, làm vườn, dệt vải, đan lát đến săn bắn và hái lượm.

Ngoài các hình thức lao động kiếm sống phụ khác, mảnh vườn trở nên gắn bó thân thiết với người Mường như một phần của cuộc sống. Họ trồng các giống cây cho năng xuất và hiệu quả kinh tế cao như nhãn, chanh, cam, quýt để bán ra thị trường. Họ còn nuôi trồng các loại rau, củ, quả như khoai, cà, bí, cải và gia súc gia cầm để bổ sung vào bữa cơm gia đình của mình.

Phù Yên là một huyện nằm ở phía đông tình Sơn La, cách thành phố Sơn La 130 km về phía tây, cách Hà Nội khoảng 170km về phía đông. Phía tây giáp với huyện Bắc Yên, phía nam giáp với huyện Mộc Châu, phía đông giáp huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), phía bắc giáp với huyện Văn Chấn (Yên Bái). Trung tâm huyện Phù Yên là cánh đồng Mường Tấc (cánh đồng rộng thứ 3 ở Tây Bắc).

Huyện Phù Yên có diện tích 1.227km, có 27 đơn vị hành chính, bao gồm 01 thị trấn Phù Yên và 26 đơn vị hành chính cấp xã là các xã: Tân Phong, Tường Phong, Tường Hạ, Tường Thượng, Tường Phù, Huy Tường, Huy Tân, Gia Phù, Huy Bắc, Tường Tiến, Quang Huy, Mường Cơi, Huy Thượng, Huy Hạ, Tân Lang, Nam Phong, Bắc Phing, Đá Đỏ, Sập Sa, Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ, Mường Thải, Mường Lang, Mường Do, Mường Bang

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2008, dân số toàn huyện là 21.984 hộ với 106,505 nhân khẩu, bao gồm chủ yếu 5 dân tộc anh em sinh sống là dân tộc Thái: 29.969 người (chiếm 28,2%), Mông 9.783 người (chiếm 9,29%); Kinh 13.784 người (chiếm 13,09%); Dao 5.444 người (chiếm 5,17%); Mường 46.218 người (chiếm 43,89%). Phần lớn các dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, đời sống còn du canh du cư.

Cùng với người Việt, người Mường ở Phù Yên - Sơn La cư trú lâu đời ở miền núi và trung du. Đồng bào chủ yếu trồng lúa nước, làm rẫy, trồng ngô, sắn, chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn… đan lát, dệt vải bông và tơ tằm, ngoài ra họ còn khai thác lâm thổ sản. Người Mường ở Phù Yên họ thích ăn xôi đồ, cơm tẻ, rau, cá, uống rượu cần và hút thuốc lào. Họ sống tập trung thành bản ở chân núi, bên sườn đồi, nơi đất thoải gần sông suối. Gia đình theo phụ hệ, trai gái tự do tìm hiểu, yêu đương, đám cưới tổ chức giống với người Kinh, họ cũng rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên.

Tóm lại, người Mường là một trong những dân tộc có quá trình phát triển lâu dài trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Họ đã xây dựng nên nền văn hóa truyền thống mang đặc trưng tộc người sâu sắc.

Văn hóa truyền thống của người Mường đã góp phần tích cực vào bản sắc chung của cả dân tộc, góp phần đa dạng nền văn hóa của đất nước Việt Nam.

1.3.2. Đặc điểm tiếng Mường

1.3.2.1.Khái quát về tiếng Mường

Theo các tác giả của “Ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam” [70, tr 608 - 611], theo cách phân loại cội nguồn phổ biến hiện nay, tiếng Mường thuộc nhánh Việt (Vietic), chi Môn - Khơ Me (Mon-Khmer) của ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic).

Các ngôn ngữ ở Việt Nam rất gần với tiếng Mường (cùng nhánh Việt, chi Môn - Khơ Me) là: Việt, Nguồn, Poọng, Thổ, Đan Lai, Cuối, Rục, Mày, Sách, Má Liềng, Kari (Phoọng), Arem... Các ngôn ngữ khác gần với tiếng Mường (cùng chi Môn - Khơ Me) là đại diện thuộc các nhánh khác: Khơ Mú - Xinh mul (Khmuic); Mảng (Mangic); Cơ Tu - Bru (Katuic); Ba Na (Bahnaric); Khơ Me (Khmeric).

Dân tộc Mường và dân tộc Kinh có rất nhiều đặc điểm chung về văn hóa vật chất và tinh thần, do bắt nguồn từ gốc chung. Về ngôn ngữ, tiếng Mường và Việt (Kinh) bắt nguồn từ gốc chung - ngôn ngữ Tiền (proto) Việt-Mường. Theo ý kiến của các nhà ngôn ngữ học, sự chia tách từ Tiền Việt - Mường thành hai ngôn ngữ Việt (Kinh) và Mường bắt đầu khoảng thế kỉ thứ VIII sau Công Nguyên, là kết quả sự tiếp xúc của cư dân đồng bằng (Kinh) với văn hoá và ngôn ngữ Hán, trong khi cư dân ở các mường ít tiếp xúc với Hán hơn. Do vậy, đến nay tiếng Mường còn giữ nhiều đặc điểm của tiền Việt - Mường.

Tiếng Mường là một ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập, tiểu loại hình “trung”, âm tiết tính (syllabic). Từ âm vị học (phonological word) tiếng Mường có hình thức đơn tiết. Trong tiếng Mường, ranh giới giữa từ âm vị học và âm tiết trùng nhau.

Tiếng Mường thể hiện sự đa dạng về thanh điệu ở các địa phương. Đa số các tiếng địa phương Mường có 5 thanh điệu, cũng có những tiếng địa phương gồm 6 thanh điệu, một vài tiếng địa phương chỉ có 4 thanh điệu. Sự khác biệt

về số lượng thanh điệu và cấu trúc từ âm vị học là kết quả của các quá trình biến đổi lịch sử xảy ra theo cách khác nhau trong mỗi tiếng địa phương Mường.

Âm tiết có cấu trúc chặt chẽ, gồm số lượng hữu hạn các thành tố, các thành tố kết hợp với nhau theo quy tắc nhất định, gồm 3 thành phần bắt buộc: âm đầu, vần và thanh điệu. Âm đầu có thể là phụ âm đơn hoặc tổ hợp phụ âm; vần có thể là nguyên âm (đơn, đôi) hoặc là sự kết hợp nguyên âm với âm cuối. Các biến thể địa phương khác nhau có hệ thống âm đầu (đơn và kép) khác nhau.

Trong từ vựng Mường, từ ngữ cùng gốc giữa Mường và Việt khá cao, phản ánh quan hệ lịch sử tiếng Mường, đồng thời có một lượng lớn từ ngữ vay mượn Việt gần đây.

Tiếng Mường phân biệt thành 3 phương ngữ; mỗi phương ngữ gồm nhiều thổ ngữ. Phương ngữ Bắc gồm các thổ ngữ Mường ở Sơn La, Phú Thọ. Phương ngữ Trung Tâm gồm các thổ ngữ Mường Hòa Bình, Thanh Hóa, Nình Bình và Ba Vì. Phương ngữ Mường Nam gồm những tiếng của các nhóm dân tộc Thổ ở Nghệ An, Thanh Hóa: Mọn, Kẹo, Như Xuân, Lâm La. Giữa Mường Bắc và Mường Trung Tâm có khoảng 80% từ chung; Giữa Mường Bắc, Mường Trung Tâm với Mường Nam (Thổ) có khoảng 70% từ chung. Có thể đoán định sự chia tách Mường Bắc, Mường Trung Tâm với Mường Nam xảy ra trước chia tách giữa Mường Bắc và Mường Trung Tâm.

Trong cộng đồng Mường, tiếng Mường được sử dụng trong những hoàn cảnh giao tiếp phi quy thức ở gia đình bản mường, trong sinh hoạt văn hóa, các nghi lễ (thờ cúng, ma chay).

1.3.2.2. Chữ viết Mường

Hiện nay, tiếng Mường chưa có chữ viết được chính thức công nhận, nhưng các địa phương như Hòa Bình, Thanh Hóa, người Mường đã tự chế tác chữ Mường và dùng để phiên âm các tác phẩm văn học dân gian như sử thi Đẻ đất đẻ nước và các truyện thơ như: “Út Lót Hồ Liêu”, “Hùy Nga Hai Mối”,

“Con Côi”, truyền thuyết Thánh Tản Viên, truyền thuyết Đẻ Giang, các loại lễ

ca và dân ca như mo, thường, bọ mẹng, hát ví, hát đúm…

Trong luận văn này, các ví dụ tiếng Mường được ghi bằng chữ tự phát nói trên.

1.3.2.3. Đặc điểm về ngôn ngữ học - xã hội ở vùng dân tộc Mường

Hiện nay, đa số người Mường đều có khả năng sử dụng tiếng Việt khá thành thạo. Năng lực sử dụng song ngữ Mường -Việt khá tốt, cả những học sinh cấp tiểu học. Do năng lực sử dụng tiếng Việt tốt nên trong công tác cộng đồng, xã hội người Mường thường dùng tiếng phổ thông. Ở vùng ráp ranh giữa người Mường với người Kinh trong các cuộc họp ở thôn bản, trong các cuộc trao đổi công việc giữa những cán bộ thôn bản với nhân dân thường dùng tiếng Việt. Ở những vùng núi cao, năng lực sử dụng song ngữ của người dân thấp, nhiều người chưa thể dùng tiếng Việt trong giao tiếp nên ở đây họ dùng tiếng Mường như một ngôn ngữ “phổ thông vùng”. Trong các cuộc họp ở thôn bản với bà con thì các cán bộ thôn, xã thường dùng xen lẫn tiếng Việt, tiếng Mường.

Tiếng Mường hiện được dùng trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV5), trên Đài phát thanh và truyền hình ở các địa phương có người Mường sinh sống: Hòa Bình, Thanh Hóa... Trong một số cơ sở giáo dục ở vùng Mường, tiếng Mường đã bước đầu được dạy và học như một môn học.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ chỉ ẩm thực trong tiếng mường ở huyện phù yên sơn la (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)