6. Bố cục luận văn
1.3.2. Đặc điểm tiếng Mường
1.3.2.1.Khái quát về tiếng Mường
Theo các tác giả của “Ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam” [70, tr 608 - 611], theo cách phân loại cội nguồn phổ biến hiện nay, tiếng Mường thuộc nhánh Việt (Vietic), chi Môn - Khơ Me (Mon-Khmer) của ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic).
Các ngôn ngữ ở Việt Nam rất gần với tiếng Mường (cùng nhánh Việt, chi Môn - Khơ Me) là: Việt, Nguồn, Poọng, Thổ, Đan Lai, Cuối, Rục, Mày, Sách, Má Liềng, Kari (Phoọng), Arem... Các ngôn ngữ khác gần với tiếng Mường (cùng chi Môn - Khơ Me) là đại diện thuộc các nhánh khác: Khơ Mú - Xinh mul (Khmuic); Mảng (Mangic); Cơ Tu - Bru (Katuic); Ba Na (Bahnaric); Khơ Me (Khmeric).
Dân tộc Mường và dân tộc Kinh có rất nhiều đặc điểm chung về văn hóa vật chất và tinh thần, do bắt nguồn từ gốc chung. Về ngôn ngữ, tiếng Mường và Việt (Kinh) bắt nguồn từ gốc chung - ngôn ngữ Tiền (proto) Việt-Mường. Theo ý kiến của các nhà ngôn ngữ học, sự chia tách từ Tiền Việt - Mường thành hai ngôn ngữ Việt (Kinh) và Mường bắt đầu khoảng thế kỉ thứ VIII sau Công Nguyên, là kết quả sự tiếp xúc của cư dân đồng bằng (Kinh) với văn hoá và ngôn ngữ Hán, trong khi cư dân ở các mường ít tiếp xúc với Hán hơn. Do vậy, đến nay tiếng Mường còn giữ nhiều đặc điểm của tiền Việt - Mường.
Tiếng Mường là một ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập, tiểu loại hình “trung”, âm tiết tính (syllabic). Từ âm vị học (phonological word) tiếng Mường có hình thức đơn tiết. Trong tiếng Mường, ranh giới giữa từ âm vị học và âm tiết trùng nhau.
Tiếng Mường thể hiện sự đa dạng về thanh điệu ở các địa phương. Đa số các tiếng địa phương Mường có 5 thanh điệu, cũng có những tiếng địa phương gồm 6 thanh điệu, một vài tiếng địa phương chỉ có 4 thanh điệu. Sự khác biệt
về số lượng thanh điệu và cấu trúc từ âm vị học là kết quả của các quá trình biến đổi lịch sử xảy ra theo cách khác nhau trong mỗi tiếng địa phương Mường.
Âm tiết có cấu trúc chặt chẽ, gồm số lượng hữu hạn các thành tố, các thành tố kết hợp với nhau theo quy tắc nhất định, gồm 3 thành phần bắt buộc: âm đầu, vần và thanh điệu. Âm đầu có thể là phụ âm đơn hoặc tổ hợp phụ âm; vần có thể là nguyên âm (đơn, đôi) hoặc là sự kết hợp nguyên âm với âm cuối. Các biến thể địa phương khác nhau có hệ thống âm đầu (đơn và kép) khác nhau.
Trong từ vựng Mường, từ ngữ cùng gốc giữa Mường và Việt khá cao, phản ánh quan hệ lịch sử tiếng Mường, đồng thời có một lượng lớn từ ngữ vay mượn Việt gần đây.
Tiếng Mường phân biệt thành 3 phương ngữ; mỗi phương ngữ gồm nhiều thổ ngữ. Phương ngữ Bắc gồm các thổ ngữ Mường ở Sơn La, Phú Thọ. Phương ngữ Trung Tâm gồm các thổ ngữ Mường Hòa Bình, Thanh Hóa, Nình Bình và Ba Vì. Phương ngữ Mường Nam gồm những tiếng của các nhóm dân tộc Thổ ở Nghệ An, Thanh Hóa: Mọn, Kẹo, Như Xuân, Lâm La. Giữa Mường Bắc và Mường Trung Tâm có khoảng 80% từ chung; Giữa Mường Bắc, Mường Trung Tâm với Mường Nam (Thổ) có khoảng 70% từ chung. Có thể đoán định sự chia tách Mường Bắc, Mường Trung Tâm với Mường Nam xảy ra trước chia tách giữa Mường Bắc và Mường Trung Tâm.
Trong cộng đồng Mường, tiếng Mường được sử dụng trong những hoàn cảnh giao tiếp phi quy thức ở gia đình bản mường, trong sinh hoạt văn hóa, các nghi lễ (thờ cúng, ma chay).
1.3.2.2. Chữ viết Mường
Hiện nay, tiếng Mường chưa có chữ viết được chính thức công nhận, nhưng các địa phương như Hòa Bình, Thanh Hóa, người Mường đã tự chế tác chữ Mường và dùng để phiên âm các tác phẩm văn học dân gian như sử thi Đẻ đất đẻ nước và các truyện thơ như: “Út Lót Hồ Liêu”, “Hùy Nga Hai Mối”,
“Con Côi”, truyền thuyết Thánh Tản Viên, truyền thuyết Đẻ Giang, các loại lễ
ca và dân ca như mo, thường, bọ mẹng, hát ví, hát đúm…
Trong luận văn này, các ví dụ tiếng Mường được ghi bằng chữ tự phát nói trên.
1.3.2.3. Đặc điểm về ngôn ngữ học - xã hội ở vùng dân tộc Mường
Hiện nay, đa số người Mường đều có khả năng sử dụng tiếng Việt khá thành thạo. Năng lực sử dụng song ngữ Mường -Việt khá tốt, cả những học sinh cấp tiểu học. Do năng lực sử dụng tiếng Việt tốt nên trong công tác cộng đồng, xã hội người Mường thường dùng tiếng phổ thông. Ở vùng ráp ranh giữa người Mường với người Kinh trong các cuộc họp ở thôn bản, trong các cuộc trao đổi công việc giữa những cán bộ thôn bản với nhân dân thường dùng tiếng Việt. Ở những vùng núi cao, năng lực sử dụng song ngữ của người dân thấp, nhiều người chưa thể dùng tiếng Việt trong giao tiếp nên ở đây họ dùng tiếng Mường như một ngôn ngữ “phổ thông vùng”. Trong các cuộc họp ở thôn bản với bà con thì các cán bộ thôn, xã thường dùng xen lẫn tiếng Việt, tiếng Mường.
Tiếng Mường hiện được dùng trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV5), trên Đài phát thanh và truyền hình ở các địa phương có người Mường sinh sống: Hòa Bình, Thanh Hóa... Trong một số cơ sở giáo dục ở vùng Mường, tiếng Mường đã bước đầu được dạy và học như một môn học.