0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (125 trang)

Đặc điểm của hành độngcầu khiến tiếng Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TÌM HIỂU HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ THUỘC LỚP ĐIỀU KHIỂN CỦA NHÂN VẬT NÔNG DÂN TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI GIAI ĐOẠN 1930 1945​ (Trang 37 -41 )

6. Bố cục của luận văn

1.2.3. Đặc điểm của hành độngcầu khiến tiếng Việt

1.2.3.1. Mô hình cấu tạo hình thức của hành động cầu khiến a) Cấu tạo hình thức khái quát

- Dạng hành động cầu khiến có cấu trúc đầy đủ thành phần:

Ở dạng cấu trúc đầy đủ, hình thức của một hành động cầu khiến có các thành tố cơ bản là:

+ Thành tố thứ nhất là từ ngữ chỉ chủ thể cầu khiến: Đây là thành tố chỉ người nói ra phát ngôn có đích ở lời cầu khiến (Sp1). Thành tố này đóng vai trò làm thành phần chủ ngữ của câu cầu khiến (theo cách hiểu của ngữ pháp truyền thống).

+ Thành tố thứ hai là động từ ngữ vi gọi tên một hành động cụ thể nào đó trong nhóm hành động cầu khiến, tạm viết tắt là ĐTNV. Thành tố này chính là thành phần vị ngữ của nòng cốt câu (xét theo quan điểm ngữ pháp truyền thống).

+ Thành tố thứ ba là từ ngữ chỉ đối tượng tiếp nhận và thực hiện hành động cầu khiến. Đây chính là người nghe, Sp2, tức là người phải thực hiện nội dung hành động mà Sp1 đã yêu cầu hay là chủ thể cho phép Sp1 làm một việc gì đó mà Sp1 mong muốn.

+ Thành tố thứ tư là từ ngữ chỉ nội dung cầu khiến mà Sp1 đưa ra cho Sp2 và yêu cầu Sp2 phải thực hiện. Viết tắt là NDCK.

Như vậy, cấu trúc hình thức khái quát của hành động cầu khiến ở dạng đầy đủ, nếu hiểu theo ngữ pháp truyền thống, chính là câu đơn đầy đủ thành phần, có vị ngữ chi phối hai bổ ngữ với mô hình cấu trúc khái quát như sau:

Sp1 + ĐTNV + Sp2 + NDCK

Hành động cầu khiến trong ví dụ 24 dưới đây là kiểu hành động cầu khiến có cấu tạo hình thức thuộc dạng này:

Ví dụ 24:

- Tôi khuyên bạn đừng bỏ học. (a) - Con mời bác ăn cơm ạ. (b)

Trong hai phát ngôn có đích ở lời cầu khiến (khuyên, mời) vừa dẫn, thành tố thứ nhất (Sp1) là Tôi, Con; thành tố thứ hai là ĐTNV khuyên, mời; thành tố thứ ba (Sp2)

bạn, bác và thành tố thứ tư là đừng bỏ học, ăn cơm.

- Dạng hình thức của hành động cầu khiến tiếng Việt có cấu trúc khuyết thành phần: Trong bốn thành tố tạo nên cấu trúc hình thức của một hành động cầu khiến nói trên, ba thành tố có khả năng bị lược bớt, đó là: Sp1, ĐTNVSp2. Ba thành tố này có thể đồng thời bị lược bớt trong phát ngôn cầu khiến, cũng có thể chỉ lược bớt một hay hai bộ phận. Điều đó cũng có nghĩa là, hành động cầu khiến khuyết các thành tố xét về mặt hình thức có thể là một trong ba dạng:

+ Dạng 1: Hành động cầu khiến có khi chỉ có thành tố thứ tư (NDCK), còn các thành tố: thứ nhất (Sp1), thứ hai (ĐTNV) và thứ ba (Sp2) đã bị người nói lược bớt, như hành động nhờ trong ví dụ (25) dưới đây:

Ví dụ 25: Gửi cho tớ bức thư này nhé!

(Cấu trúc đầy đủ của hành động nhờ ở đây có thể là: Tớ nhờ cậu gửi cho tớ bức

thư này nhé!)

+ Dạng 2: Hành động cầu khiến chỉ có thành tố thứ ba và thứ tư: Đây là hành động cầu khiến được diễn đạt bằng phát ngôn chỉ có Sp2 và NDCK, ví dụ:

Ví dụ 26: Em không được nói xấu bạn!

Hành động cầu khiến yêu cầu/đề nghị vừa dẫn đã khuyết thành tố thứ nhất (Sp1) và thành tố thứ hai (ĐTNV). Có thể khôi phục giả định hai bộ phận bị khuyết này để hành động ở lời yêu cầu/đề nghị vừa dẫn có dạng cấu trúc đầy đủ như sau: Cô yêu

cầu/đề nghị em không được nói xấu bạn.

+ Dạng 3: Hành động cầu khiến chỉ có thành tố thứ hai, thứ ba và thứ tư: Đây là hành động cầu khiến bị lược thành tố thứ nhất (Sp1) như hành động yêu cầu dẫn ở ví dụ (27) dưới đây:

Ví dụ 27: Yêu cầu các bạn giữ trật tự (để nghe thầy giảng bài)!

Có thể khôi phục giả định thành tố thứ nhất trong cấu trúc hình thức của hành động cầu khiến vừa dẫn như sau: Tôiyêu cầu các bạn giữ trật tự (để nghe thầy giảng bài).

1.2.3.2. Dấu hiệu ngôn hành

Dấu hiệu ngôn hành “là những phương tiện ngôn từ mang tính qui luật, được Sp1 sử dụng để thể hiện và là căn cứ để Sp2 nhận diện lực ngôn trung của câu...”. [57, tr.25].

Theo J.R. Searle, lực ngôn trung của phát ngôn được nhận diện qua một/ một số dấu hiệu ngôn hành, như: vị từ ngôn hành, từ ngữ chuyên dụng, kết cấu thông dụng, ngữ điệu, quan hệ giữa nội dung mệnh đề và ngữ cảnh. [Dẫn theo 57, tr.25].

Dưới đây là một số dấu hiệu cơ bản đánh dấu hành vi ở lời cầu khiến:

a) Vị từ ngữ vi cầu khiến (động từ ngôn hành cầu khiến)

Tuy không phải là dấu hiệu duy nhất, nhưng động từ ngữ vi cầu khiến là dấu hiệu đánh dấu hành động ở lời cầu khiến quan trọng và trực tiếp, rõ ràng nhất.

Ví dụ 28: Mình khuyên cậu đừng hút thuốc lá!

Động từ ngữ vi khuyên đã giúp người nghe dễ ràng nhận ra hành động ở lời của phát ngôn vừa dẫn.

Tác giả Đào Thanh Lan đã liệt kê một danh sách gồm 15 động từ ngữ vi cầu khiến (tác giả gọi vị từ ngôn hành cầu khiến và viết tắt là Vnhck): ra lệnh, cấm, cho, cho

phép, yêu cầu, đề nghị, khuyên, nhờ, mời, chúc, cầu, xin, xin phép, van, lạy. Tương ứng

với các Vnhck này là các hành động ở lời đúng như tên gọi của chúng.

b) Các từ ngữ chuyên dụng thể hiện hành động ở lời cầu khiến

Ngoài động từ ngữ vi cầu khiến, hành động cầu khiến còn được nhận diện bởi một số từ ngữ chuyên dụng đánh dấu hành động ở lời cầu khiến, như:

+ Nhóm vị từ tình thái tính (theo cách gọi của Nguyễn Thị Thanh Ngân) diễn đạt

thức cầu khiến: hãy, đừng, chớ. Vai trò của các từ này trong việc diễn đạt hành động

cầu khiến khá cao, thậm chí, có những trường hợp không thể vắng chúng, bởi nếu thay một từ nào đó trong nhóm (hoặc các từ khác nhóm) trên thì lập tức ý nghĩa cầu khiến bị mờ nhạt, thậm chí không còn. Ví dụ:

Ví dụ 29 [dẫn theo 57, tr.35]: - Dạo này anh hay đi chơi ghê! (a) - Đâu có! Chắc chị lầm tôi với ai! (b)

- Thôi đi! Đừng chối! (Nguyễn Nhật Ánh). (c)

Từ đừng trong phát ngôn (c) khó có thể thay bằng một từ nào khác mà vẫn giữ nguyên nghĩa tình thái lẫn báo hiệu được ý nghĩa ngăn cản hành động từ chối rõ ràng như từ này.

+ Nhóm động từ tình thái diễn đạt ý nghĩa cầu khiến: Ví dụ: nên, cần, phải,... Ba động từ vừa dẫn được một số nhà Việt ngữ học gọi bằng cái tên “động từ tình thái” và nói rõ chúng chuyên dùng trong câu cầu khiến (Diệp Quang Ban, Hoàng Trọng Phiến). Các động từ tình thái nói trên có hiệu lực cầu khiến khác nhau (mức độ mạnh/yếu của hành động cầu khiến). Đặc biệt, chúng có thể giúp ta nhận biết một hành động ở lời cụ thể nào thuộc nhóm cầu khiến đang được thực hiện. Chẳng hạn, nên, cần thường cho ta biết phát ngôn chứa chúng có thể là hành động khuyên, hành động yêu cầu/đề nghị,

còn phải không chỉ cho ta biết nó có khả năng dùng trong phát ngôn khuyên, đề nghị

mà còn dùng trong phát ngôn ra lệnh.

Ví dụ 30: So sánh các phát ngôn cầu khiến sau: - Con nên làm hết bài tập trước khi đi ngủ! (Khuyên)

- Con cần làm hết bài tập trước khi đi ngủ! (Yêu cầu/ đề nghị) - Con phải làm hết bài tập trước khi đi ngủ! (Ra lệnh)

+ Nhóm tiểu từ tình thái đứng ở cuối phát ngôn: Tác giả Đào Thanh Lan đã liệt kê ra 7 tiểu từ tình thái thường đứng ở cuối phát ngôn có giá trị đánh dấu hành động cầu khiến, là: đi, đã, nào, nhé, thôi, với, xem. [43, tr.94].

Cũng như các động từ vị từ tình thái (nhóm a và b), nhóm tiểu từ tình thái đứng ở cuối phát ngôn cũng “có tác dụng đắc lực trong việc nhận diện hành động cầu khiến” [57, tr.37].

So sánh các phát ngôn trong ví dụ 31 dưới đây để thấy vai trò nhận diện hành động cầu khiến của tiểu từ tình thái đứng ở cuối câu như thế nào.

Ví dụ 31:

- Con ăn cơm. (Trần thuật) - Con ăn cơm đi. (Giục) - Con ăn cơm với. (đề nghị)

Nội dung mệnh đề của ba phát ngôn trên giống nhau nhưng lực ngôn trung của chúng khác nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TÌM HIỂU HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ THUỘC LỚP ĐIỀU KHIỂN CỦA NHÂN VẬT NÔNG DÂN TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI GIAI ĐOẠN 1930 1945​ (Trang 37 -41 )

×