6. Bố cục của luận văn
1.1.3. Phát ngôn ngữ vi, biểu thức ngữ vi, động từ ngữ vi
1.1.3.1. Phát ngôn ngữ vi
Theo tác giả Đỗ Hữu Châu, “Phát ngôn ngữ vi là những phát ngôn mà khi người ta nói chúng ra thì đồng thời người ta thực hiện luôn cái việc được biểu thị trong phát ngôn”. [8, tr. 89].
Ví dụ (6): Tôi xin lỗi anh vì đã dẫm vào chân anh!
Khi người nói phát âm xong phát ngôn trên là đã thực hiện xong cái việc được biểu thị trong phát ngôn là việc xin lỗi. Nói cách khác, người nói phát âm xong phát ngôn là đã thực hiện xong hành động xin lỗi.
1.1.3.2. Biểu thức ngữ vi
Một phát ngôn ngữ vi có kết cấu lõi đặc trưng cho hành động ở lời tạo ra nó, kết cấu lõi đó được gọi là biểu thức ngữ vi.
Ví dụ 7: Nếu cậu đến nhà Minh, cậu chuyển giúp mình quyển từ điển này cho
Minh nhé.
Phần in nghiêng trong phát ngôn vừa dẫn là biểu thức ngữ vi. Đây là phần lõi thể hiện hành động nhờ của phát ngôn ngữ vi nhờ trên.
Về mặt hình thức, biểu thức ngữ vi có khi trùng với hình thức của phát ngôn ngữ vi, nhưng cũng có khi chỉ là một bộ phận của phát ngôn ngữ vi.
Biểu thức ngữ vi trong ví dụ vừa dẫn chỉ là một bộ phận của phát ngôn ngữ vi. Phần không in nghiêng là thành phần mở rộng thể hiện hành vi rào đón.
Ví dụ 8: So sánh hai phát ngôn sau đây:
- Tớ ngại quá, nhưng tớ vẫn phải nói với cậu, tớ hết sạch tiền rồi, cậu cho tớ xin
lại số tiền mà cậu vay năm ngoái nhé! (a)
- Cậu cho tớ xin lại số tiền mà cậu vay năm ngoái nhé. (b)
Rõ ràng cách nói như ở ví dụ (8a) lịch sự và tôn trọng thể diện của Sp2 hơn cách nói như (8b).
Biểu thức ngữ vi trong ví dụ (9) dưới đây có hình thức trùng với phát ngôn ngữ vi.
Ví dụ 9: Tôi yêu cầu anh xuống xe xuất trình giấy tờ!
Phát ngôn trên là phát ngôn ngữ vi yêu cầu và đồng thời cũng là biểu thức ngữ vi. Phát ngôn ngữ vi tối thiểu là phát ngôn chỉ có biểu thức ngữ vi (như ví dụ 8b). Trong giao tiếp thường ngày, phát ngôn ngữ vi thường có biểu thức ngữ vi và thành phần mở rộng (như ví dụ 7 và ví dụ 8a).
Mỗi biểu thức ngữ vi đều mang những dấu hiệu chỉ dẫn đặc thù để phân biệt hành động ở lời. Những dấu hiệu đánh dấu biểu thức ngữ vi thường gặp là: kiểu kết cấu, những từ ngữ đặc thù, ngữ điệu, quan hệ giữa các thành tố trong cấu trúc vị từ tham thể tạo nên nội dung mệnh đề, động từ ngữ vi, v.v... (sẽ nói kĩ ở mục (1.1.3.3) và mục (1.1.3.4) dưới đây.
1.1.3.3. Động từ ngữ vi
a) Khái niệm động từ ngữ vi
Trong số các động từ của ngôn ngữ, có một loại động từ chuyên dùng để gọi tên các hành động ngôn ngữ. Các nhà ngôn ngữ học gọi chúng là động từ nói năng. Ví dụ, các động từ: hỏi, khuyên, yêu cầu, hứa, xin, nhờ, v.v... là những động từ nói năng. Những động từ này dùng để gọi tên các hành động ở lời tương ứng, như hành động hỏi, hành động khuyên, hành động yêu cầu, hành động hứa, v.v...
Động từ nói năng có thể được dùng với chức năng ngữ vi, và cũng có thể dùng không đúng với chức năng ngữ vi.
Những động từ nói năng nào được dùng đúng với chức năng như tên gọi của nó, đó là động từ ngữ vi. Chẳng hạn, động từ khuyên được dùng đúng với chức năng để
khuyên, động từ nhờ được dùng đúng với chức năng nhờ như ở ví dụ (10) sau đây là
động từ ngữ vi: Ví dụ 10:
- Tôi khuyên anh nên bỏ thuốc lá. (a)
- Mình nhờ cậu mua cho quyển Tắt đèn. (b)
Hai động từ vừa dẫn nếu được dùng như trong các phát ngôn ở ví dụ (11) dưới đây sẽ không phải là động từ ngữ vi. Chúng chỉ là động từ nói năng được dùng với chức năng nhắc lại (ví dụ 11a) hay thông báo (ví dụ 11b) chứ không phải dùng để
khuyên (như ví dụ 10a) và dùng để nhờ (như ví dụ 10b):
Ví dụ 11:
-Tôi đã khuyên anh nên bỏ thuốc lá rồi. (a) - Mình sẽ nhờ cậu mua cho quyển Tắt đèn. (b).
Tác giả Đỗ Hữu Châu đã đưa ra định nghĩa về động từ ngữ vi: “Động từ ngữ vi là những động từ mà khi phát âm chúng ra cùng với biểu thức ngữ vi, (có khi không cần biểu thức ngữ vi) là người ta đã thực hiện xong cái hành vi ở lời do chúng biểu thị”. [8, tr.97].
Động từ thề trong ví dụ (12) dưới đây là động từ ngữ vi được dùng cùng với biểu thức ngữ vi:
Ví dụ 12: Tôi thề với anh là tôi không hề biết chuyện đó.
Ngược lại, động từ xin lỗi trong ví dụ (13) lại không cần biểu thức ngữ vi nhưng nó vẫn diễn đạt được hành động ở lời như tên gọi của nó - hành động xin lỗi.
Ví dụ 13: (Trong quán ăn, A nhỡ tay làm rớt nước mắm vào áo B, A nhìn B và nói): Xin lỗi!
b) Điều kiện một động từ nói năng được dùng với chức năng ngữ vi
Không phải động từ nói năng nào cũng được dùng với chức năng ngữ vi. Có những động từ nói năng luôn chỉ dùng trong chức năng miêu tả, như các động từ: dọa,
chửi, cằn nhằn, khen, chê, ... Có những động từ nói năng lúc này được dùng với chức năng ngữ vi, lúc khác lại được dùng với chức năng miêu tả, như các động từ: hỏi,
khuyên, hứa, nhờ, yêu cầu,...
Một động từ nói năng được dùng với chức năng ngữ vi phải đảm bảo 4 điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, chủ thể của động từ phải ở ngôi thứ nhất;
- Thứ hai, đối thể chỉ kẻ tiếp nhận của động từ phải ở ngôi thứ hai;
- Thứ ba, động từ phải được dùng ở thì hiện tại;
- Thứ tư, phát ngôn không có yếu tố tình thái đi kèm.
Phân tích cách dùng của động từ nói năng “khuyên” dưới đây để rõ thêm điều vừa nói:
+ Tôi khuyên bạn không nên nghỉ học. (a) + Anh ta khuyên bạn không nên nghỉ học. (b) + Tôi khuyên nó không nên nghỉ học. (c) + Tôi đã khuyên bạn không nên nghỉ học. (d) + Tôi khuyên bạn không nên nghỉ học đấy thôi. (e)
Năm phát ngôn dẫn trên đều có chứa động từ nói năng khuyên nhưng chỉ có động
từ khuyên trong phát ngôn (a) là được dùng đúng với chức năng ngữ vi, các trường hợp
sử dụng còn lại động từ khuyên không phải là động từ ngữ vi, bởi chúng đã vi phạm một trong 4 điều kiện trên.
Vận dụng những tri thức về phát ngôn ngữ vi, biểu thức vi và động từ ngữ vi nói trên, luận văn sẽ xác định và miêu tả các hành động điều khiển của nhân vật nông dân trong một số tác phẩm văn xuôi tiêu biểu, giai đoạn 1930-1945 đã chọn để thống kê đối tượng nghiên cứu.