5. Bố cục của luận văn
4.2.1. Hoàn thiện mô hình tổ chức của HĐND tỉnh và phân công, phân cấp trong thực
thực hiện vai trò quyết định và giám sát kế hoạch đầu tư công
a) Về hoàn thiện mô hình tổ chức
Mô hình tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh Lào Cai hiện nay đang thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về cơ cấu, tổ chức, tuy nhiên bộ máy hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ 2016-2021 về cơ cấu và chất lượng chưa được hợp lý nên vẫn còn số lượng lớn đại biểu chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra, chưa thực sự phát huy được vai trò của “đại biểu” trong HĐND. Trong khi đó theo quy định tại “Điều 19 của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương”, HĐND tỉnh có nhiều “quyền quyết định” những vấn đề quan trọng của địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm của một cơ quan đại diện ý chí,
nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, tuy nhiên “lực” thực của HĐND tỉnh Lào Cai vẫn còn có những hạn chế.
Để “quyền” và “lực” thực sự của HĐND phát huy hiệu quả, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo đối với hoạt động của HĐND nhất là công tác cán bộ của HĐND, vì đây là việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền có ý nghĩa quan trọng quyết định hoạt động của HĐND. Nội dung về công tác cán bộ phải chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, hợp với ý Đảng, lòng dân; Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường Vụ, BCH Tỉnh ủy cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc rà soát, lựa chọn, dân chủ trong bàn bạc, thống nhất cao về quan điểm và chủ trương, thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định theo thẩm quyền. Nhân sự được giới thiệu đại biểu HĐND cấp tỉnh vừa đảm bảo cơ cấu, vừa phải là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, trách nhiệm và đã trải qua rèn luyện trong thực tiễn, thể hiện được năng lực, bản lĩnh công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đã là đại biểu HĐND tỉnh thì phải phát huy tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh. Đặc biệt cần tăng cường số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là các chức danh chủ chốt.
Đối với các “thành viên Thường trực HĐND tỉnh” phải là “đại biểu hoạt động chuyên trách”, thành viên các Ban HĐND có 50% trở lên là đại biểu hoạt động chuyên trách để đáp ứng đủ về mặt thời gian và điều kiện hoạt động của HĐND. Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách là đại biểu có chuyên môn thuộc lĩnh vực Ban phụ trách, thành viên Ban HĐND kiêm nhiệm là đại biểu không thuộc cơ quan hành chính Nhà nước và nên có tỷ lệ thích hợp số công chức là chuyên viên giúp việc cho Thường trực HĐND, các Ban HĐND được cơ cấu làm đại biểu HĐND và thành viên chuyên trách của các Ban HĐND.
Cần có quy định bổ sung thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh. Thường trực HĐND hoạt động thường xuyên, giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của HĐND giữa các kỳ họp. Thực tế cho thấy việc UBND tỉnh trình xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp rất nhiều, tuy nhiên chưa có văn bản nào quy định nhiệm vụ quyền hạn của “Thường trực HĐND tỉnh”.
b) Phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ở địa phương
Hiện nay theo quy định của “Luật Đầu tư công 2014: HĐND quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm thuộc cấp mình quản lý”, đối với các dự án nhóm C thuộc UBND cùng cấp quyết định, việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công, các công trình dự án nhóm C do UBND quyết định, khi quyết định chủ trương đầu tư không có sự giám sát của HĐND, trong khi đó tiền thuế của nhân dân đóng góp phải được thông qua đại biểu nhân dân giám sát. Do vậy cần xem xét điều chỉnh, sửa đổi “Khoản 5, Khoản 6 Điều 17 Luật Đầu tư công” theo hướng giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm C thuộc cấp mình quản lý.
c) Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch ĐTC
“Theo Khoản 5, Khoản 6 Điều 75 Luật Đầu tư công 2014:
5. HĐND cấp tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm vốn cân đối NSĐP, vốn trái phiếu Chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSĐP, các khoản vốn vay khác của NSĐP để đầu tư trong các trường hợp sau:
- Do điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH địa phương;
- Do thay đổi đột biến về cân đối thu NSĐP hoặc khả năng huy động các nguồn vốn của địa phương;
- Do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương.
6. UBND các cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm vốn cân đối NSĐP, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSĐP và các khoản vốn vay khác của NSĐP đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình và trong nội bộ các ngành, chương trình của các đơn vị sử dụng các nguồn vốn này và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.”
Như vậy, đối với kế hoạch đầu tư trung hạn phải điều chỉnh Kế hoạch tổng thể, thì Ủy ban nhân dân các cấp trình Hội đồng nhân dân các cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch tổng thể; sau đó điều chỉnh chi tiết danh mục dự án có thể cùng Kỳ
họp hoặc điều chỉnh sau khi Hội đồng nhân dân quyết định điều chỉnh Kế hoạch tổng thể và thực hiện theo quy định tại Khoản 6, Điều 75 của Luật Đầu tư công.
Đối với kế hoạch đầu tư trung hạn không điều chỉnh kế hoạch tổng thể, thì Ủy ban nhân dân các cấp có quyền quyết định điều chỉnh vốn trong nội bộ của từng đơn vị sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối và các khoản vốn vay khác của chính quyền địa phương. Như vậy, UBND các cấp chỉ đạo việc chuẩn bị phương án điều chỉnh, thẩm định và quyết định điều chỉnh kế hoạch, không phải báo cáo Hội đồng nhân dân trước khi ra quyết định điều chỉnh trong phạm vi nói trên. Điều này là không phù hợp, không thể hiện được vai trò quyết định của HĐND trong giao kế hoạch đầu kỳ, vì nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong kỳ kế hoạch chủ yếu giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình và trong nội bộ các ngành, lĩnh vực, chương trình của các đơn vị sử dụng nguồn vốn.
Chính vì vậy cần điều chỉnh “Khoản 5, Khoản 6 Điều 75 Luật Đầu tư công” theo hướng “HĐND các cấp điều chỉnh KH ĐTC thuộc các nguồn vốn do mình quyết định giao kế hoạch”.