- Khái niệm quản trị
Quản trị là một khái niệm rất rộng bao gồm nhiều lĩnh vực, như quản trị hành chính (trong các tổ chức xã hội), quản trị kinh doanh (trong các tổ chức kinh tế). Trong lĩnh vực quản trị kinh doanh lại chia ra nhiều lĩnh vực: Quản trị tài chính, quản trị nhân sự, quản trị Marketing, quản trị sản xuất...
Quản trị nói chung theo tiếng Anh là "Management" vừa có nghĩa là quản lý, vừa có nghĩa là quản trị, nhưng hiện nay được dùng chủ yếu với nghĩa là quản trị. Tuy nhiên, khi dùng từ, theo thói quen, chúng ta coi thuật
ngữ quản lý gắn liền với với quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tức là quản lý ở tầm vĩ mô. Còn thuật ngữ quản trị thường dùng ở phạm vi nhỏ hơn đối với một tổ chức, một doanh nghiệp. Liên quan đến nội dung này, có rất nhiều khái niệm đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đưa ra, như:
- Quản trị là sự tác động có tổ chức của chủ thể quản trị lên đối tượng bị quản trị nhằm đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện biến động của môi trường (Lý thuyết quản trị kinh doanh, trường ĐHKTQD, 1994).
- Quản trị là tổng hợp các hoạt động được thực hiện nhằm đạt được mục đích (đảm bảo hoàn thành công việc) thông qua sự nỗ lực (sự thực hiện) của những người khác (Quản trị Doanh nghiệp thương mại, Phạm Vũ Luận, 2004).
- Quản trị là một quá trình do một hay nhiều người thực hiện nhằm phối hợp các hoạt động của những người khác để đạt được những kết quả mà một người hành động riêng rẽ không thể nào đạt được (Quản trị học căn bản. James H.Donnelly; J.Gibson, 2001).
Từ nghiên cứu các khái niệm, tác giả lựa chọn khái niệm quản trị sau đây: “Quản trị là hoạt động nhằm đạt được mục tiêu một cách có hiệu quả bằng sự phối hợp các hoạt động của những người khác thông qua hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát các nguồn lực của tổ chức.” (Angelo Kinicki & c.t.g, 2006).
- Khái niệm quản trị nợ:
Quản trị nợ xấu là một nội dung của quản lý rủi ro tín dụng và quản trị nợ. Theo Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (2006) đã đưa ra khái niệm quản trị nợ xấu cho rằng: “Quản trị Nợ xấu là quá trình xây dựng và thực thi các chiến lược, các chính sách quản lý và kinh doanh tín dụng nhằm đạt được mục tiêu an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững; trong đó tăng cường các biện pháp nhằm phòng ngừa và hạn chế sự phát sinh nợ xấu, đi kèm với các biện pháp xử lý những khoản nợ xấu đã phát sinh, từ đó nhằm tăng doanh
thu, giảm chi phí và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn của NHTM”.
Theo Angelo Kinicki (2006), có thể hiểu khái niệm quản trị nợ như sau:
Quản trị nợ là hoạt động của các NHTM nhằm quản lý danh mục cho vay tại các NHTM hiệu quả, an toàn bằng sự phối hợp các hoạt động của các bộ phận, đơn vị kinh doanh thông qua việc hoạch định chính sách, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát các nguồn lực của các NHTM.
- Vai trò quản trị nợ trong hoạt động kinh doanh ngân hàng
Theo định nghĩa trên, quản trị nợ có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý rủi ro nói chung và hoạt động kinh doanh nói chung, thể hiện ở các nội dung chính như sau:
- Thực hiện phân loại đúng nhóm nợ, từ đó, có kế hoạch, biện pháp trích lập dự phòng rủi ro đúng, đủ, đảm bảo xử lý tổn thất khi xảy ra rủi ro tín dụng.
- Rà soát, cảnh báo các khoản nợ xấu, từ đó có biện pháp phân loại, xử lý khoản nợ phù hợp, kịp thời.
- Xây dựng hệ thống quản trị, xử lý, thu hồi nợ xấu, giúp nâng cao hiệu quả xử lý, thu hồi nợ, góp phần mang lai hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.