Thứ nhất, tinh gọn và tích hợp bộ máy ban quản lý dự án, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ phận.
Trong bối cảnh nguồn vốn ODA đang giảm dần, các chính sách, quy trình quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, việc Ban quản lý các dự án Nông nghiệp tinh gọn bộ máy là quy luật tất yếu. Cách tổ chức của các dự án thay vì phổ biến theo mô hình chuyên trách trước đây, APMB cần chủ động linh hoạt hơn trong bố trí bộ máy nhân sự.
Các cán bộ thay vì chuyên trách cho một dự án cần tăng tính chuyên môn hóa, bố trí kiêm nhiệm cho nhiều dự án có tính chất tương tự. Đối với các dự án có quy mô vừa phải có thể xem xét đề xuất không tổ chức bộ máy ban quản lý dự án tỉnh hoặc chỉ tổ chức ban quản lý dự án tỉnh tại các tỉnh có khối lượng công việc lớn.
Đây vừa là thách thức với APMB song cũng là cơ hội để Ban nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa các quy trình quản lý của mình.
Việc tinh gọn bộ máy tổ chức quản lý dự án cũng có thể giúp APMB giảm được thời gian tổ chức bộ máy, nhân sự trong giai đoạn ban đầu qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo nhân sự, điều động nhân sự linh hoạt theo năng lực cán bộ, nhu cầu công việc, đồng thời có những chính sách về đánh giá, đãi ngộ phù hợp.
Đối với những hạn chế về mặt nhân sự tại các ban quản lý dự án tỉnh, APMB cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về các quy trình thủ tục theo quy định của Nhà tài trợ và của luật pháp Việt Nam. Đặc biệt đối với các thay đổi trong luật pháp Việt Nam như đã nêu trên.
Tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương để tăng tính sáng tạo, tự học tập lẫn nhau. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học tập, chia sẻ kinh nghiệm như tổ chức hội nghị trực tuyến, họp trực tuyến … qua đó đảm bảo chủ trương của nhà nước về hạn chế chi thường xuyên.
Điều động nhân sự tại các Ban quản lý dự án Trung ương để hỗ trợ công việc đối với một số Ban quản lý dự án tỉnh có tình hình chậm trễ cá biệt giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Từ những yêu cầu đó, việc duy trì bộ máy nhân sự chất lượng tại APMB là hết sức cần thiết. Điều này càng trở nên khó khăn khi APMB vừa phải tinh giảm bộ máy ban quản lý dự án đầu tư công theo xu thế chung, đồng thời phải giữ lại những nhân sự chất lượng.
Không giống như các doanh nghiệp, APMB không có cho mình những công cụ tài chính như nâng lương, thưởng để duy trì những nhân sự giỏi. Do vậy, việc nâng cấp môi trường làm việc và tăng cường tính minh bạch, dân chủ trong công tác tổ chức, công tác nhân sự là yếu tố then chốt để APMB giữ được những nhân sự chất lượng cao.
Thứ ba, chú trọng đến công tác quyết toán ngay khi hoàn thành các tiểu dự án, hạn chế điều động các cán bộ chủ chốt liên quan đến quyết toán dự án hoàn thành.
Với đặc thù các dự án tại APMB thường bao gồm nhiều hạng mục công việc với tiến độ hoàn thành khác nhau, các tiểu dự án, đề tài, công trình cần được thực hiện quyết toán ngay khi hoàn thành, tránh trường hợp dồn khối
lượng công việc quyết toán đến cuối dự án. Điều này cũng phần nào giúp cần gắn trách nhiệm người thực hiện ngay tại thời điểm hoàn thành công việc đối với công tác quyết toán.
Ngoài ra, để tăng cường trách nhiệm cá nhân đối với đối với những cán bộ chủ chốt, cần có chính sách chỉ bổ nhiệm vị trí công việc mới khi hoàn thành công tác quyết toán dự án.
Thứ tư, lập phương án dự trù nguồn lực chi tiết cho công tác vận hành, duy trì sản phẩm dự án ngay khi phê duyệt nội dung công việc.
Để đạt được điều này, ngay từ giai đoạn khảo sát lập tiểu dự án, APMB cần chú trọng công tác lấy ý kiến nhà tài trợ, người thụ hưởng và chính quyền địa phương.
Thông qua các cuộc họp lấy ý kiến nhiều bên để xây dựng, truyền tải và thống nhất quy chế quản lý vận hành, cơ chế tài chính cho công tác duy tu, bảo dưỡng.
Dự trù kinh phí cho công tác tập huấn vận hành, duy tu, bảo trì cho các đối tượng người thụ hưởng để đảm bảo việc này được thực hiện đúng kỹ thuật.