Thứ nhất, tỷ lệ giải ngân vốn so với kế hoạch giao luôn đạt mức cao so với bình quân.
Mặc dù các năm 2016-2018, APMB không đạt được mức giải ngân 100% so với kế hoạch đề ra nhưng nhìn chung mức giải ngân của APMB luôn đạt mức cao hơn nhiều so với mức giải ngân trung bình.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ tài chính tỷ lệ giải ngân đầu tư công so với kế hoạch bình quân cả nước các năm 2016, 2017, 2018 lần lượt là 90%, 80% và 66,8%. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân của APMB thời gian này lần lượt là 96%, 89% và 82%. Đây là một thành công đáng khích lệ của APMB, thể hiện năng lực và kinh nghiệm của APMB trong công tác quản lý dự án đầu tư công.
Thứ hai, kiểm soát và quản lý chi phí hiệu quả.
APMB đã cho thấy năng lực quản lý chi phí tốt, 100% các dự án đã hoàn thành không bị vượt chi phí phê duyệt ban đầu. Đối với các dự án chậm tiến độ phải gia hạn thời gian thực hiện, APMB cũng cân đối nguồn vốn phù hợp, về cơ bản không làm tăng chi phí thực hiện.
Thứ ba, chất lượng sản phẩm đầu ra của các dự án được Nhà tài trợ và các bên thụ hưởng đánh giá hiệu quả, đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần cho quá trình phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đối với các công trình hạ tầng được đầu tư đã đảm bảo chất lượng, tiến độ, thẩm mỹ. Đối với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đã giúp phổ biến tới người dân những kỹ thuật canh tác tiên tiến, qua đó giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản.
Một số nội dung trong lĩnh vực cải cách thể chế, khoa học công nghệ, an toàn thực phẩm, đề tài nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn... đã hoàn thành đưa vào sử dụng, áp dụng và phát huy hiệu quả trên diện rộng...
Các dự án đã hoàn thành và đưa nhiều tiểu dự án/công trình về nước sạch, các tiểu dự án áp dụng khoa học công nghệ, hệ thống đập, kè, hệ thống tưới tiêu, hệ thống đường giao thông nông thôn, các hệ thống chợ thực phẩm, các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, an toàn nông sản... vào vận hành phát huy hiệu quả, góp phần vào mục tiêu nông thôn mới và tái cơ cấu của Ngành nông nghiệp.