Trong bối cảnh đất nước hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ngành Nông nghiệp sẽ đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, cung cấp yếu tố đầu vào cho sản xuất công nghiệp, là thị trường tiêu thụ cho công nghiệp dịch vụ, tham gia vào xuất khẩu hàng hóa đồng thời đóng góp vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường. Với đặc thù chứa đựng nhiều rủi ro về điều kiện thiên nhiên, dịch bệnh, thị trường biến động…, ngành nông nghiệp cần có các dự án đầu tư công để làm cầu nối, chất xúc tác, qua đó thu hút đầu tư tư nhân. Giai đoạn 2013-2017, vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành nông lâm thuỷ sản là 389.000 tỉ đồng, chỉ chiếm 5,69% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Vốn ngân sách đóng vai trò đi tiên phong, mở đường để thu hút các nguồn vốn khác thông qua các hình thức : tạo ra cơ sở hạ tầng tốt, phổ biến kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đồng thời tạo cho các nhà đầu tư có cảm giác yên tâm hơn đầu tư vào nông nghiệp khi có sự tham gia của Nhà nước.
- Cơ sở hạ tầng
Đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp bao gồm: hệ thống thuỷ lợi, đê điều, hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống kho bãi, mạng lưới chợ...
Cơ sở hạ tầng càng hoàn thiện thì quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp càng có điều kiện mở rộng và nâng cao hiệu quả bởi vì cơ sở hạ tầng tốt không chỉ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất mà còn hạn chế các rủi ro trong đầu tư, qua đó kêu gọi, thu hút các nguồn đầu tư xã hội cho ngành nông nghiệp.
- Sản xuất nông nghiệp:
Ngành nông nghiệp bao gồm đa dạng các lĩnh vực khác nhau: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, hải sản. Đối với mỗi lĩnh vực lại có các đặc tính kỹ thuật rất khác nhau, có thể kể đến các yếu tố đầu vào để sản xuất nông nghiệp bao gồm: tài nguyên đất, nước, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm chăn nuôi và các máy móc sản xuất…
Để phát triển nông nghiệp cả về năng suất và chất lượng sản phẩm quan tâm đồng bộ đến tất cả các yếu tố đầu vào nêu trên. Muốn vậy, những đề án, dự án hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp là cần thiết nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp về lựa chọn giống vật nuôi, cây trồng phù hợp, giới thiệu các máy móc, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, các quy trình sản xuất và phổ biến các quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững với môi trường.
- Chế biến và bảo quản
Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn về sản lượng và đang dần cải thiện về chất lượng. Mặc dù vậy, giá trị hàng hóa không cao, chủ yếu hàng hóa xuất khẩu vẫn ở dạng thô. Với đặc thù của hàng hóa nông nghiệp, chế biến và bảo quản đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thất thoát và nâng cao giá trị sản phẩm.
Đối với các hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, các chương trình, dự án hỗ trợ về kỹ thuật và hạ tầng chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch là vô cùng cần thiết.
- Phát triển thị trường
Trong nền kinh tế thị trường nói chung, đặc biết đối với nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng như Việt Nam, coi trọng sản xuất mà xem nhẹ đầu ra là không thể. Song song với việc hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật sản xuất, các chương trình, dự án cần chú trọng hơn vào hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, tạo dựng thương hiệu nông sản ngành, nông sản quốc gia, đồng thời hỗ trợ hình thành các liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
- Đầu tư nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn nhằm hướng đến phát triển bền vững là nhiệm vụ trong tâm của ngành nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, yếu tố cơ bản là tăng năng suất lao động. Trong đó, vai trò của nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có ảnh hưởng quyết định tới tăng năng suất lao động. Vì vậy, nâng tỉ trọng đầu tư cho khoa học kỹ thuật trong tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp là một xu hướng tất yếu. Mặc dù vậy, quá trình đầu tư cần xem xét các yếu tố liên quan như điều kiện tự nhiên, xã hội và đặc biệt là yếu tố con người nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp.