Khái quát đặc điểm kinh tế xã hội của huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ phi tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh thanh trì​ (Trang 78 - 82)

Hà Nội

Huyện Thanh Trì nằm ở trung tâm phía Nam của Hà Nội, là cửa ngõ đi vào Thủ đô, giáp các quận: Thanh Xuân (phía Tây Bắc), Hoàng Mai (phía Bắc), Hà Đông (phía Tây), huyện Gia Lâm và huyện Văn Giang, tỉnh Hưng

Yên với Sông Hồng là ranh giới tự nhiên (phía Đông), huyện Thanh Oai và huyện Thường Tín (phía Nam). Tổng diện tích đất tự nhiên là 6.349 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 2.335 ha, đất chuyên dùng 1.532 ha và 993 ha đất ở; với dân số 266,5 nghìn người, mật độ dân số 4.198 người/km2

; toàn huyện có 01 thị trấn Văn Điển, 15 xã và 118 Thôn, Làng, tổ dân phố.

Hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện khá thuận lợi, bao gồm: hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường do thành phố quản lý (quốc lộ 1A, đường tránh 1B, đường 70..), hệ thống đường liên xã, trục chính thị trấn Văn Điển, đường trong cụm công nghiệp Ngọc Hồi, các bãi đỗ xe...; đường sắt quốc gia Bắc Nam, chạy dọc theo quốc lộ 1A; Các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đi qua địa bàn huyện là các tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh - Ngọc Hồi), tuyến số 8 (An Khánh - Dương Xá), trong đó tuyến số 1 hiện đang được đầu tư xây dựng; Các tuyến xe bus số 6A, số 6B, số 6C, số 6D, số 6E, số 08, số 12, số 62, số 94, số 101,…

Về phát triển kinh tế - xã hội: Là huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền huyện Thanh Trì đã có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, xác định đúng hướng đi trong phát triển kinh tế, nhằm phát huy tối đa thế mạnh vốn có của địa phương là huyện thuần nông, từ một nền sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ đã chuyển sang sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh lớn mang lại hiệu quả rõ rệt. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội trong năm 2018, đạt nhiều kết quả tích cực, kinh tế của huyện ổn định và phát triển, điển hình như, thu ngân sách đạt 115,7% so với dự toán TP giao; bàn giao đưa vào 13 công trình, quyết toán 54 dự toán đã hoàn thành; hoàn thành 15 đề án quy hoạch của xã; tổng giá trị sản xuất tăng 9% so với cùng kỳ; chỉ đạo giải quyết 154/159 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn

huyện; tỷ lệ cấp nước sạch đạt 81,6%, cao nhất trong các huyện trên địa bàn TP; ứng dụng CNTT trong các trường học đạt 99,98%; trường học đạt chuẩn; an ninh quốc phòng được đảm bảo.

Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, cây lương thực, trang trại trồng cây cảnh. Toàn huyện có 1.250 ha diện tích canh tác lúa. Năm 2017, UBND huyện Thanh Trì đưa vào thí điểm 2 giống lúa BT09 và Thiên Ưu 8 tại thôn Vĩnh Ninh xã Vĩnh Quỳnh với diện tích 60ha, đồng thời đầu tư toàn bộ hệ thống máy móc để triển khai công nghệ mạ khay, máy cấy vào phục vụ cơ giới hóa sản xuất từ máy nghiền đất, trộn đất, sàng đất để sản xuất giá thể, gieo hạt tự động, máy cấy 6 hàng, 5.000 giá thể và hỗ trợ 80% vốn giống đối với các diện tích trồng đại trà giống BT09 và Thiên Ưu8. Qua thực tế bước đầu cho hiệu quả tích cực, năng suất lúa tại vùng sản xuất tập trung đạt 70 tạ/ha, tạo thu nhập cao hơn 9 triệu/ha và giảm chi phí sản xuất 1 trăm nghìn đồng/sào nhờ giảm lượng giống, lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, công phun thuốc nhưng năng suất vẫn đạt cao hơn so với sản xuất giống lúa truyền thống. Đến nay, diện tích lúa BT09 và Thiên ưu trên địa bàn huyện chiếm 92% tổng diện tích gieo cấy; bên cạnh đó, huyện còn duy trì gieo trồng và cấp lại giấy chứng nhận cho 140,5ha trồng rau an toàn và 50ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP... Nông nghiệp Thanh Trì đang thực sự khởi sắc, từ những kết quả khởi đầu của các Đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã khẳng định hướng đi đúng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Việc xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đại Áng gắn với thực hiện liên kết chuỗi thịt lợn tại Công ty CP thực phẩm Song Đạt bước đầu mang lại lợi ích cho người dân…

Cùng với nông nghiệp, ngành tiểu thủ công nghiệp – công nghiệp ở Thanh Trì cũng phát triển mạnh mẽ. Thanh Trì có nhiều làng nghề đã trở nên thân thuộc như: Làng nghề Dệt Triều Khúc, làng nghề miến dong – bánh đa

Phú Diễn, làng nghề làm bánh chưng Tranh Khúc… Đó là sự tích lũy tinh hoa, truyền thống từ bao đời nay - của những con người thuần nông, đôn hậu và giản dị, cùng đức tính cần cù, bàn tay khéo léo, thông minh, sáng tạo - Ngày nay, các làng nghề truyền thống đó ngày càng phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Nổi bật là sản phẩm dệt của Triểu Khúc- xã Tân Triều đã vươn mình ra thị trường Châu Mỹ, Châu âu. Hiện nay, ở làng Triều Khúc, nhiều đơn vị như: Công ty TNHH sản xuất Trung Dũng, Công ty cổ phần Tiến Đạt, HTX Công nghiệp dệt Triều Khúc... đang góp công gìn giữ sự tinh hoa của làng nghề. Các sản phẩm như: vải, khăn, áo váy, cạp áo, cạp váy, những chi tiết dùng trong trang trí nội thất,... được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện tại, trên địa bàn huyện đang được đầu tư phát triển khu công nghiệp Ngọc Hồi, nhà máy ABB, nhà máy may Đông Mỹ,… Hoạt động sản xuất công nghiệp của các cơ sở nhỏ lẻ cũng đang phát triển.

Ngành dịch vụ của huyện cũng đang có sự tăng trưởng theo xu hướng dịch vụ ven Thủ đô. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và chợ, điển hình như: Siêu thị điện máy Thế giới di động khu Thị trấn Văn Điển; Siêu thị điện máy Thế giới di động (đường 70); Siêu thị điện máy Media Mart (cạnh Bệnh viện K, xã Tân Triều trên đường 70); Siêu thị điện máy Thế giới di động (đường Kim Giang); Siêu thị điện máy Thế giới di động (khu Tự Khoát, Ngũ Hiệp); Siêu thị điện máy DiGi City (đường Ngọc Hồi, xã Tứ Hiệp); Siêu thị Mega Plaza (Khu công nghiệp Ngọc Hồi); Chợ Văn Điển; Trung tâm vàng bạc Doji khu Thị trấn Văn Điển. Bên cạnh đó, các NHTM lớn cũng có chi nhánh đặt tại trung tâm huyện như: Ngân hàng TMCP Quân đội (Khu Công nghiệp Ngọc Hồi); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khu Thị trấn Văn Điển); Ngân hàng ACB (khu Thị trấn Văn Điển); Ngân hàng Sacombank (khu Thị trấn Văn Điển); Ngân hàng Công thương (đường Ngọc Hồi); Ngân hàng Đầu tư Phát triển (đường Nghiêm Xuân Yêm, xã Thanh Liệt); Ngân hàng Tiên Phong (khu Thị trấn Văn Điển).

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; quản lý đất đai, trật tự xây dựng; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; duy trì, nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu xây dựng từ 3 đến 5 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao...

Với phương châm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Huyện đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, toàn huyện đã hỗ trợ xây, sửa 254 nhà ở cho người có công, đối tượng chính sách với kinh phí trên 16,2 tỷ đồng, đến nay trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở.

Trên địa bàn huyện Thanh Trì đã và đang hình thành một số khu đô thị lớn như: khu đô thị Đại Thanh thuộc xã Tả Thanh Oai, khu đô thị Cầu Bươu, khu đô thị Hồng Hà Park City, khu đô thị Tây Nam Kim Giang, khu đô thị Tân Triều, khu đô thị Ngọc Hồi, khu đô thị Tứ Hiệp.

Huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới và đang tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt 48,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 81,6%... Năm 2019, Thanh Trì tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu xây dựng huyện trở thành quận vào năm 2020.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ phi tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh thanh trì​ (Trang 78 - 82)