Vòng tròn thời gian khép kín trong Bốn đêm của kẻ mộng mơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những đêm trắng chuyển thể từ văn học sang điện ảnh dưới góc nhìn liên văn hóa​ (Trang 58 - 62)

Chƣơng 2 : TÍNH LIÊN VĂN HÓA Ở CẤP ĐỘ HÌNH TƢỢNG

2.2. Thời gian

2.2.1. Vòng tròn thời gian khép kín trong Bốn đêm của kẻ mộng mơ

Thời gian nghệ thuật cũng là hình thức nội tại của hình tượng tác phẩm thể hiện tính chỉnh thể của nó. Nếu không gian nghệ thuật mang đến điểm nhìn, trường nhìn để từ đó mô hình thế giới được sao chép, tái hiện lại thì cần lưu ý rằng những điểm nhìn đó trong văn bản bao giờ cũng phải gắn với một thời điểm cụ thể bởi “cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian” [6, trg.322]. Thời gian nghệ thuật có

thể có những qui luật rất khác với thời gian khách quan, nó cũng mang đậm tính chủ quan của người cảm nhận. Sự nhanh, chậm, tăng tốc, đóng băng… thời gian tạo nên nhịp điệu cho văn bản. Văn hóa có tác động đáng kể đến các khái niệm về thời gian.

Trong tác phẩm Những đêm trắng của Dostoevsky, tác giả có xu hướng cấu trúc

trục thời gian theo hướng tĩnh tại, mang tính lặp lại cao. Trong Những đêm trắng,

trục giờ cùng thời gian, cùng một địa điểm không chỉ đơn thuần là một nguyên tắc cấu trúc, mà còn là sự phản ánh nội tâm của kẻ mộng mơ. Đổi lại, sự tồn tại của anh ta như một thế giới vi mô của toàn bộ thế giới, nó thể hiện một cách nhìn của hai nền văn hóa.

Kẻ mộng mơ bị mắc kẹt trong thời gian với những thói quen cụ thể, sẽ là mô hình thời gian thống trị của tác phẩm này. Khoảng thời gian buổi đêm “night” hiện ra ngay tiêu đề phần đầu tiên, “Night the First”, trong khi “night”, cũng được sử dụng hai lần trong năm từ đầu tiên của tác phẩm. Sự khăng khăng này về đơn vị thời gian đặc biệt này tạo nên khung cảnh, trong khi một trong những phụ đề “hồi ký” (memoirs) gợi nhắc về quá khứ và ý nghĩa của nó đối với hiện tại. Nỗi ám ảnh về thời gian này được kết hợp với một sự cố định đặt thời gian và địa điểm lại với nhau, mang lại một sự hiểu biết thực sự về thời gian. Sau khi thông báo cho người đọc rằng anh ta bị bỏ lại một mình đơn độc như thế nào, kẻ mộng mơ nói với chúng ta rằng: “cả ba ngày tôi lang thang trong thành phố vắng vẻ” [5, trg.5]. Toàn bộ đoạn đầu tiên của truyện ngắn có thể được coi là một thời khắc kẻ mộng mơ còn lại một mình trong một không gian rộng lớn, trống rỗng. Anh ta sau đó đã kể ra ba địa điểm chính có sức trấn an rất lớn của Petecburg: “Dù xuôi đại lộ Nevxki dù vào công viên hay lang thang dọc con đường bờ sông – không một khuôn mặt nào tôi vẫn quen gặp ở những nơi đó, vào một giờ nhất định, trong suốt cả năm qua" [5, trg.6]. Anh ta đã quen với việc ở cùng một nơi, cùng một lúc, mỗi ngày, cả năm: đó là sự lặp lại vô tận, đó là dấu hiệu của vòng tròn thời gian khép kín của kẻ mộng mơ, và đó là cả thế giới bao trùm lên viên thư kí. Bakhtin đã nhận xét về thời gian trong thế giới của kẻ mộng mơ: “Không có sự kiện nào ở đây, chỉ có sự kiện tái diễn” [13]. Ngày qua ngày, những hành động tương tự lặp lại. Và vì thế, sự ra đi của

cả thành phố khiến cho anh ta “văng” ra khỏi vòng lặp thời gian khép kín với những hình ảnh và thói quen thân thuộc đã khiến cho anh khiếp sợ tột cùng.

Vì bị bỏ rơi, anh ta bắt đầu tìm kiếm một thói quen mới. Vòng lặp thời gian không có tiến triển, mà chỉ có những ngưỡng. Và Nastenka là một ngưỡng thời gian như vậy. Nó tưởng như có thể giúp anh ta an ủi được nỗi buồn chán và sự cô đơn, nên kẻ mộng mơ thường xuyên gặp gỡ cô. Ngưỡng thời gian mới này tưởng như sẽ mang đến cho anh ta một trục thời gian mới, nhưng anh ta lại lựa chọn đưa trục thời gian đó vào sự lặp lại. Cụ thể, anh ta đã yêu cầu gặp Nastenka tại cùng một lúc, cùng một địa điểm. Và kết cục của kẻ mộng mơ, dường như đã được nhìn thấy trước, sự cô đơn vĩnh viễn, một lần nữa lại trở về với anh ta.

Ban đầu, trên thực tế, anh ta cư xử như một người đàn ông tái sinh với niềm hân hoan và nói với Nastenka rằng anh ta dám đến gần cô, đã dám hành động khác biệt chính xác bởi vì anh ta cảm thấy rất hạnh phúc vượt quá giới hạn của vòng tròn thời gian lặp lại. Khi họ chia tay, anh cầu xin cô gặp lại anh, cùng một lúc và ở cùng một nơi. Vì cảm xúc mãnh liệt với Nastenka, điều kẻ mộng mơ khao khát là sự giam cầm trong sự lặp lại vô tận của những giấc mơ: "Tôi sẽ mơ về em cả đêm tuần, cả năm" [5, trg.9]. Và sau đó, anh tiết lộ bản chất cố định theo thời gian của bản thân mình: “Tôi nhất định ngày mai sẽ đến đây, đến đúng đây, đến đúng chỗ này, vào đúng giờ này, và tôi sẽ hạnh phúc khi nhớ lại việc xảy ra ngày hôm qua”. Tại thời điểm này, anh tiết lộ toàn bộ bức tranh về thế giới của mình, và theo nghĩa đó, phần còn lại của câu chuyện, phần còn lại của cuộc đời anh được cố định mãi mãi. Một lần nữa, anh tiết lộ cả sự nghiện lặp đi lặp lại, cũng như con ốc sên, mãi mãi phải chịu sự giam cầm trong vỏ bọc của chính mình.

Cách xử lí thời gian của Dostoevsky là những vòng lặp lại đến mức chán ngán cuộc đời tù túng của viên thư kí 26 tuổi. Thời gian được chia nhỏ thành các khúc cua mà sẽ dần ghép nối thành một vòng tròn khép kín. Nhân vật có thể trải qua những ngưỡng thời gian (threshold of time) nhưng cuối cùng vẫn tiếp tục vòng lặp lại đó của chính mình.

Tuy có sự dịch chuyển thời gian từ thế kỉ 19 của nước Nga sang thế kỉ 20 song Robert Bresson vẫn bảo lưu và sẻ chia về vòng tròn thời gian khép kín. Ông đã viết kịch bản rất nhanh và dường như hoàn toàn bị thuyết phục bởi chất liệu mà Dostoevsky đã chuẩn bị. Sự phân chia thành bốn đêm, với sự thêm vào câu chuyện của hai người trẻ tuổi mà Bresson đặt tên là Martha và Jacque, cũng được duy trì. Tuy nhiên, Petecburg của những năm 1840 được chuyển sang Paris của những năm 1970, và, đồng hành với sự thay đổi đó, kẻ mộng mơ Jacque trở thành họa sĩ, và Marthe trở thành cô gái trẻ hiện đại, độc lập. Bộ phim bắt đầu với cảnh về Jacque, một chàng trai Paris trẻ tuổi đang cố xin đi nhờ xe, sau đó dạo chơi đến nông thôn với gia đình và dành cả ngày để đi bộ một mình. Phim cắt sang cảnh Paris vào buổi đêm, nơi Jacque khuyên nhủ Marthe- một cô gái trẻ trước nguy cơ tự tử. Jacque hẹn gặp cô vào đêm tiếp theo, họ kể với nhau về cuộc đời của mình. Jacque là một họa sĩ suốt đời tìm kiếm người con gái hoàn hảo của mình, anh chạy theo những cô gái xa lạ trên đường phố Paris rồi về nhà ghi âm lại cuộc tình tưởng tượng của mình và những bức tranh trừu tượng. Marthe sống với mẹ. Hai mẹ con sống bằng tiền trợ cấp của người cha quá cố và việc cho thuê một căn phòng. Người khách trọ thuê cách đây một năm đã trở thành hôn phu của cô nhưng phải đi xa và hẹn gặp cô đúng một năm sau. Giờ đây cô đã biết anh trở lại Paris những vẫn chưa đến tìm cô. Đó là lí do vì sao đêm trước cô định tự tử, Jacque đã trở thành bạn của Marthe trong ba đêm tiếp theo. Họ nói chuyện với nhau và Jacque đã giúp cô chuyển thư tới vị hôn phu của mình. Jacque đem lòng yêu cô say đắm. Họ lại tiếp tục chờ đợi vị hôn phu của cô ở cây cầu bắc qua sông Sein. Đêm thứ tư, Marthe suy sụp vì hôn phu vẫn không đến, Jacque đã bộc lộ tình yêu với cô, họ yêu nhau. Nhưng khi đi dạo trên đường phố Paris, Marthe gặp lại người tình. Sau khi ôm hôn Jacque, cô đi theo vị hôn phu, bỏ lại Jacque trên phố. Kết phim, Jacque trong căn hộ của mình, vẽ tranh và lại tưởng tượng ra lời xin lỗi cùng tình yêu với một người phụ nữ vào chiếc máy ghi âm.

Bresson là một người có đức tin nhận thức sâu sắc về những đòi hỏi và thách thức của đức tin ấy. Ông là một người Công giáo La Mã và một giáo dân Gian-xen

(Jansenist). Các nguyên lý chính của giáo phái Gian-xen là tội lỗi nguyên thủy, cái ác, sự tiền định, sự cứu chuộc và ân sủng thiêng liêng. Chúng cũng chính là nền tảng cho các chủ đề chính của các bộ phim của ông. Chúng ta sẽ không thể mong đợi một câu trả lời trực tiếp của ông cho tất cả những nguyên lý chính đó, mà những bộ phim khiến chúng ta phải vật lộn với nghịch lý và tính hai mặt của những điều tốt đẹp và xấu xa, đức tin và hoài nghi, hành động và không hành động, hy vọng và tuyệt vọng. Những mối quan tâm như vậy đã thu hút một cách hợp lý Bresson với các nhà văn như Dostoevsky, Tolstoy và những người ít được biết đến (ít nhất là khán giả Mỹ) như Georges Bernanos (1888 - 1948). Chính vì vậy, sự giày vò của nỗi cô đơn và tra vấn về tình yêu càng trở nên hữu hình qua chi tiết như những nét vẽ đơn mảnh tái diễn trên bức canvas trắng của Jacque hay lời thu âm lặp đi lặp lại tên của Marthe trong máy ghi âm của anh ta đã cho thấy khả năng hiện hữu của thời gian: sự lặp lại như là một cuộc vật lộn tra vấn những vấn đề của hiện sinh. Jacque của Bresson hay viên thư kí không tên của Dostoevsky đã tái hiện được một mô hình thế giới vi mô nơi con người mắc kẹt trong vòng tròn thời gian bởi chính những thói quen thường ngày của anh ta. Có thể ban đầu anh ta là nạn nhân, song khi đã chạm tới ngưỡng thời gian tái sinh, anh ta lại khao khát được quay trở về vòng tròn ban đầu. Quan niệm về thời gian của Dostoevsky và Bresson dù cách nhau đến cả thế kỉ nhưng vẫn có sự sẻ chia. Cả hai nền văn hóa, nước Nga thế kỉ 19 và nước Pháp thế kỉ 20 đều tồn tại sự cô đơn của những con người lạc lõng. Ở Dostoevsky là sự quan tâm tới nạn nhân của đô thị Peteburg thế kỉ 19 đầy u ám, còn ở Bresson, dường như vừa mang tư tưởng của nước Pháp với sự quan tâm đến thì hiện tại hơn là quá khứ và tương lai, cùng với ý nghĩa hiện sinh mà ông quan tâm, đã sẻ chia và đối thoại với nhau về quan niệm thời gian, đặc biệt là thời gian đối của những con người cô đơn bé nhỏ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những đêm trắng chuyển thể từ văn học sang điện ảnh dưới góc nhìn liên văn hóa​ (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)