Nâng cao chất lượng tín dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh thái nguyên (Trang 101 - 106)

5. Kết cấu của luận văn

4.2.5. Nâng cao chất lượng tín dụng

Để nâng cao chất lượng của hoạt động tín dụng của NHNo&PTNT chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, vấn đề đầu tiên là chi nhánh cần thực hiện tốt và đầy đủ quy trình nghiệp vụ cho vay. Quy trình nghiệp vụ cho vay bao gồm những nội dung kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, các bước cần tiến hành từ khi bắt đầu đến khi kết thúc một món vay mà những điểm chính là khâu thẩm định mặt hiệu quả tài chính của món vay, kiểm tra kiểm soát việc sử dụng vốn của khách hàng nhắc nhở khách hàng với thời hạn trả nợ và lãi để khách hàng có kế hoạch trả nợ. Nâng cao chất lượng tín dụng đòi hỏi ngân hàng phải không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện nghiệp vụ tín dụng bắt đầu từ khâu lựa chọn khách hàng đến công tác xét duyệt, thẩm định và giám sát khoản vay. Ở tất cả các khâu, bước thực hiện đều phải được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các nội dung về quy trình.

Khi cho vay, chi nhánh phải thực hiện tốt việc thẩm định, tìm hiểu khách hàng kỹ càng trước khi cho vay, nắm bắt được các thông tin về khách hàng, tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng, về mục đích sử dụng vốn vào quá trình sử dụng vốn vay. Nếu khách hàng sử dụng vốn vay có

hiệu quả thì khả năng trả nợ cho Ngân hàng gần như là chắc chắn. Mức độ chính xác trong các khâu thẩm định, kiểm tra, kiểm soát càng cao thì khả năng thu hồi vốn của Ngân hàng càng lớn. Điều này đảm bảo chất lượng tín dụng của Ngân hàng. Do vậy việc hoàn thiện về mặt nghiệp vụ trong quá trình cho vay là một việc hết sức cần thiết. Tại Chi nhánh cần chú ý một số nội dung chủ yếu sau đây:

- Thứ nhất, ở khâu lựa chọn khách hàng: Lựa chọn khách hàng như đã nói ở trên cần phải hướng tới các khách hàng mục tiêu có năng lực tài chính vững mạnh, có tiềm năng phát triển, và quan trọng là khách hàng có thiện chí trong việc đi vay và trả nợ ngân hàng. Ngân hàng cần coi trọng công tác lựa chọn, phân loại và sàng lọc khách hàng; thực hiện xếp hạng tín dụng đối với các khách hàng theo quy định. Việc phân loại đánh giá cần được tiến hành một cách nghiêm túc, tránh tư tưởng đại khái, hình thức.

Trên cơ sở những đánh giá các khách hàng, Chi nhánh cần xây dựng những chính sách cụ thể về hình thức vay phù hợp với đối tượng khách hàng, theo đó hướng cho khách hàng sử dụng hiệu quả nhất các sản phẩm của ngân hàng nói chung và sản phẩm tín dụng nói riêng. Bên cạnh đó, Chi nhánh cần phát triển hơn nữa những chính sách nhất định để đa dạng hoạt động cho vay như tăng cường phát triển các ứng dụng công nghệ từ đó đem lại cho khách hàng sự tiện dụng trong sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

- Thứ hai, khâu thẩm định cho vay: Đây cũng là công việc hết sức quan trọng, là tiền đề quyết định việc cho vay và hiệu quả vốn đầu tư. Công tác thẩm định có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả tín dụng, vì nếu nó được tiến hành một cách chính xác, với chất lượng cao sẽ đảm bảo cho ngân hàng thương mại lựa chọn được những dự án, những khoản tín dụng vừa được đảm bảo an toàn, vừa có khả năng sinh lời cao. Công tác thẩm định dự án vay vốn cần nhất là xem xét đánh giá được: tư cách và năng lực tài chính người vay, phương án, dự án kinh doanh hiệu quả. Khi công tác thẩm định và xét duyệt

khoản vay được thực hiện đầy đủ và kỹ càng ngay từ đầu sẽ giảm thiểu được các rủi ro phát sinh của khoản tín dụng.

Để đảm bảo chất lượng của khoản tín dụng cấp cho khách hàng, trước khi cho vay, ngân hàng phải đánh giá chính xác về khách hàng với tình hình hiện tại và khả năng phát triển trong tương lai, đánh giá khả năng trả nợ vay của khách hàng, trên cơ sở đó đưa ra quyết định cho vay chính xác. Đây là giải pháp đóng vai trò quan trọng nhằm phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng. Việc đánh giá không chính xác năng lực tài chính, tính khả thi của dự án vay vốn và triển vọng phát triển trong tương lai của khách hàng sẽ mang lại những khoản cấp tín dụng không hiệu quả và khó khăn trong việc thu hồi vốn, làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu và rủi ro.

Bên cạnh đánh giá các chỉ tiêu định lượng như: lợi nhuận, hệ số tự tài trợ, khả năng thanh toán, vòng quay khoản phải thu Ngân hàng cần chú trọng đến các chỉ tiêu định tính như uy tín doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, thị phần sản phẩm trên thị trường, trình độ quản lý của ban giám đốc để đánh giá xếp loại khách hàng cho chính xác tránh trường hợp báo cáo tài chính doanh nghiệp thiếu trung thực. Đánh giá khách hàng càng chính xác thì chất lượng thẩm định tín dụng càng cao, ngân hàng có thể sàng lọc, lựa chọn khách hàng để cho vay với chất lượng tín dụng cao.

Thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý là yêu cầu hết sức cần thiết và có thể đảm bảo phần lớn cho hiệu quả tín dụng. Những phiền hà khi giao dịch cản trở rất lớn, thường gây tâm lý e ngại cho khách hàng khi có nhu cầu vay vốn. Cản trở đó cần phải thống nhất các biểu mẫu thực hiện một cách nhanh chóng các thủ tục này, một số thủ tục Ngân hàng có thể làm thay cho khách hàng vì Ngân hàng sẽ thực hiện nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn, dành nhiều thời gian hơn vào công tác giám sát, kiểm tra. Thực tế đây mới là hoạt động mang tính chất quyết định đến chất lượng của hoạt động tín dụng.

Trong công tác thẩm định cho vay tại Chi nhánh, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao chất lượng thẩm định năng lực tài chính của khách hàng. việc xem xét khả năng tài chính của doanh nghiệp là rất quan trọng, vì đây là yếu tố quyết định để Ngân hàng có thu hồi được nợ hay không.

Khi xem xét khả năng tài chính của doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp xây dựng giao thông, doanh nghiệp thuộc ngành Nông nghiệp,... Chi nhánh phải xem xét vốn tự có của doanh nghiệp tham gia vào kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh theo quy định của Chi nhánh, đòi hỏi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải có lãi, không được lỗ. Chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi thì mới có khả năng trả nợ đúng hạn; có quan hệ công nợ lành mạnh, không có nợ khó đòi; việc hạch toán và quản lý tài chính phải thực hiện theo đúng quy định của pháp lệnh về hạch toán thống kê, các doanh nghiệp vay vốn phải hạch toán đầy đủ chính xác, sổ sách đầy đủ, rõ ràng, quản lý tài chính lành mạnh đồng thời phải gửi các báo cáo tài chính cho Chi nhánh theo định kỳ hay đột xuất khi Ngân hàng yêu cầu. Nhưng những thông tin đó vẫn chưa đủ để cung cấp số liệu cần thiết những đánh giá đúng mức. Chi nhánh còn phải thăm dò doanh nghiệp qua những đơn vị kinh tế mà doanh nghiệp có quan hệ như những đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, những đơn vị tiêu thụ hàng hoá và các Ngân hàng có liên quan nhất là thông tin Ngân hàng thu nhận được từ thị trường.

- Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin minh bạch chính xác nhằm phục vụ cho quá trình thẩm định. Muốn nâng cao chất lượng công tác thẩm định tín dụng, Chi nhánh phải nắm đầy đủ các thông tin khách hàng để xem xét, quyết định cho vay và giám sát sau khi vay như thông tin hồ sơ pháp lý, tình hình tài chính, tình trạng nợ nần, tài sản bảo đảm, khả năng hoàn trả và các thông tin cần thiết khác của khách hàng vay. Để có thể cung cấp các thông tin đó cho các ngân hàng thương mại một cách đầy đủ và có hiệu quả, cần phải có những cơ quan chuyên môn thu thập, xử lý và cung cấp thông tin tín dụng. Tuy

nhiên trên thực tế, việc cung cấp thông tin này còn hạn chế và thiếu minh bạch chính xác. Mặc dù đã có nhiều kênh cung cấp thông tin, nhưng vẫn không tránh khỏi thiếu sót như tình hình dư nợ, vay nợ của khách hàng, tình trạng thế chấp bất động sản ở nhiều nơi,… Do vậy, việc tự mình xây dựng hệ thống thông tin minh bạch chính xác là rất cần thiết và hữu ích với Chi nhánh, các kênh cung cấp thông tin cần phải cập nhật thường xuyên, cẩn thận, có kế hoạch lưu trữ thông tin hợp lý, hiệu quả. Để tiết kiệm thời gian trong quá trình thu thập thông tin để thẩm định cho vay, Chi nhánh có thể xây dựng một hệ thống lưu trữ thông tin khách hàng một cách đầy đủ, thuận tiện và dễ tra cứu. Do vậy, đối với các khách hàng đã có quan hệ giao dịch với Chi nhánh thì việc thu thập thông tin sẽ đơn giản hơn.

- Thứ tư, thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi chặt chẽ các khoản vay trong quá trình cấp tín dụng.

Sự biến động và sức ép ngày càng tăng của thị trường làm doanh nghiệp không có khả năng thích ứng kịp thời, hoạt động kinh doanh khó khăn dẫn đến mất khả năng thanh toán. Đối tượng khách hàng của tín dụng tại Chi nhánh rất đa dạng bao gồm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ và những doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên chịu nhiều tác nhân rủi ro khác trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh quốc tế và các biến động trong tỷ giá, giá cả hàng hoá sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, từ đó cũng ảnh hưởng đến ngân hàng. Hơn nữa khách hàng không phải lúc nào cũng đạt được tình trạng tài chính tốt, các khoản vay thường xuyên thay đổi, tác động vào vị thế tài chính, năng lực hoàn trả của người vay. Do đó ngân hàng luôn thường xuyên định kỳ kiểm tra toàn bộ các khoản vay cho đến khi hết hạn. Ðồng thời trong quá trình quản lý và theo dõi khoản vay cần quán triệt quan điểm theo dõi thường xuyên và chặt chẽ, tránh việc kiểm tra mang tính chung chung hình thức vốn thường thấy trong công tác tín dụng tại Ngân hàng, để có thể chủ động hoặc có các chính sách kịp thời nhằm làm cho khoản vay được thực hiện một cách hiệu quả.

4.2.6.Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các phần hành nghiệp vụ

Để tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, trước hết phải tăng cường công tác đào tạo tin học nâng cao đối với cán bộ nghiệp vụ; phân công cán bộ tin học chuyên trách việc nghiên cứu, lập trình, ứng dụng các phần mềm, các chương trình ứng dụng vào công việc cụ thể. Đồng thời có thể đưa ra một đề án và phát động phong trào thi đua lập trình các chương trình ứng dụng cụ thể trong tập thể cán bộ công nhân viên nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ để đạt được mục tiêu chung của đơn vị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh thái nguyên (Trang 101 - 106)