Khái niệm tiểu thuyếtsử thi hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 34 - 37)

7. Đóng góp của luận văn

2.1.1. Khái niệm tiểu thuyếtsử thi hiện đại

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, tiểu thuyết sử thi là: “Tên gọi ước lệ (…) để chỉ những tiểu thuyết(từ thế kỉ XIX - XX) có dung lượng lớn thể hiện những đề tài lịch sử - dân tộc. Những tác phẩm này vừa là tiểu thuyết, đồng thời vừa có nhiều thuộc tính gần gũi với thể loại sử thi cổ đại và trung đại(tầm bao quát hoành tráng của những sự kiện có tầm thời đại, cảm hứng dân tộc hoặc lịch sử, mô tả các sự kiện và xung đột có tính bước ngoặt như chiến tranh cách mạng…)”[52,tr.339]. Định nghĩa này, nhấn mạnh tới yếu tố dung lượng lớn của tác phẩm, như vậy thì hầu hết các tiểu thuyết của văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 đều không phải là tiểu thuyết sử thi vì dung lượng của chúng không lớn. Cách xác định tiểu thuyết sử thi còn phải dựa vào nội dung tư tưởng và cảm hứng nghệ thuật bởi vì tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 – 1975

“không chỉ phản ánh hiện thực theo bề rộng với quy mô lớn mà có thể phản ánh hiện thực theo chiều sâu của tư tưởng và cảm hứng mang tính sử thi. Với những tiêu chí này, không chỉ tiểu thuyết mà toàn bộ nền văn học Việt Nam 1945 – 1975 là một nền văn học mang tính sử thi – một nền văn học mang nội dung lịch sử dân tộc và có hình thức nghệ thuật thấm đẫm chất sử thi…”[26,tr.15]. Tiểu thuyết sử thi không giống với sử thi cổ đại, mà nó là thể loại được “sử thi hóa” trong thời đại lịch sử mà vấn đề vận mệnh dân tộc, ý thức và danh dự của cộng đồng được đề cao – thời kì xuất hiện những xung đột cộng đồng. Nói như giáo sư Trần Đình Sử “Khái niệm sử thi hóa ở đây không phải là khái niệm của thể loại mà còn là khái niệm loại hình nội dung thể loại hay đúng hơn là loại hình văn học(...) Do đó, khái niệm sử thi ở đây không hề đồng nhất với sử thi cổ đại, với tính chất tự sự, khách quan, dung lượng lớn, kể hết mọi biểu hiện phong phú của đời sống như bách khoa toàn thư. Sử thi ở đây hiểu là khuynh hướng ưu tiên cho chủ đề dân tộc, mâu thuẫn địch – ta, xây dựng những con người tiêu biểu cho ý chí, phẩm chất cao đẹp của dân tộc”[57]. Nói cách khác, muốn đánh giá một tác phẩm văn

29

học có tính chất sử thi, chúng ta cần chỉ ra những yếu tố như cuộc sống, con người, cảm hứng bao trùm, giọng điệu của tác phẩm… đã tạo nên những tính chất đặc thù của thể loại sử thi. Để có cơ sở nghiên cứu và tìm hiểu tiểu thuyết sử thi, chúng tôi thống nhất với ý kiến: “Tiểu thuyết sử thi là những tác phẩm mang đặc trưng thể loại của tiểu thuyết nhưng lấy nội dung từ lịch sử - dân tộc làm đề tài sáng tạo nghệ thuật với cảm hứng chủ yếu là cảm hứng anh hùng, ngợi ca sự nghiệp và con người của dân tộc, của cộng đồng”[32].

2.1.2. Sự giao thoa đặc trưng thể loại giữa sử thi và tiểu thuyết trong loại hình tiểu thuyết sử thi Việt Nam hiện đại

Chúng ta đều biết, tiểu thuyết sử thi bản thân nó đã mang trong mình hai yếu tố có vẻ đối chọi rất gay gắt đó là “chất sử thi” và “chất tiểu thuyết”, nhưng có điều thú vị là trong loại hình tiểu thuyết sử thi Việt Nam hiện đại hai yếu tố ấy lại “sống chung” một cách hòa thuận trong nhiều tác phẩm. Chúng ta có thể nhận thấy sự giao thoa ấy ở một số khía cạnh sau:

Sự giao thoa về đề tài. Sử thi luôn lấy các đề tài mang tính lịch sử - xã hội, đề tài mang tính chất cộng đồng(chiến tranh là một đề tài tiêu biểu) còn tiểu thuyết thường khai thác các đề tài thuộc lĩnh vực thế sự, đời tư làm nội dung phản ánh. Trong tiểu thuyết sử thi hiện đại ở nước ta, các đề tài này cùng tồn tại trong đa số tác phẩm(tất nhiên đề tài sử thi vẫn là chủ đạo). Hầu hết các tiểu thuyết sử thi Việt Nam từ 1945 đến nay đều lấy chiến tranh cách mạng(đề tài sử thi) làm đề tài trung tâm nhưng lồng ghép vào đó những đề tài thế sự - đời tư(đề tài tiểu thuyết) để làm nổi bật nội dung tư tưởng của tác phẩm. Ví dụ Dấu chân người lính(Nguyễn Minh Châu), đề tài chiến tranh đã chi phối mọi hoạt động của nhân vật, tất cả đều hướng về chiến trường. Tuy nhiên tác giả vẫn lồng ghép vào những đề tài thế sự - đời tư như bi kịch của già Phang, xung đột vợ chồng giữa Kiếm và Xiêm, các mối tình tay ba: Lữ - Hiền – Moan, Xiêm – Lượng – Nết. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cũng lấy chiến tranh làm đề tài chính nhưng đã đan xen vào những đề tài của tiểu thuyết như bi kịch tình yêu, số phận con người trong chiến tranh.v.v. Chúng ta có thể gặp sự “kết đôi” hài hòa như thế trong rất nhiều tiểu thuyết sử thi khác trong văn học nước nhà.

30

Sự giao thoa về cảm hững thẩm mỹ. Các phạm trù thẩm mỹ cơ bản của mỹ học là: cái đẹp – cái xấu, cái cao cả – cái thấp hèn, cái bi – cái hài... Trong đó cái đẹp, cái cao cả thuộc về sử thi; cái xấu, cái thấp hèn, cái bi, cái hài thuộc về tiểu thuyết. Nhưng bốn cặp phạm trù ấy có mặt trong hầu hết tiểu thuyết sử thi hiện đại. Các nhà văn đã đã xử lí các phạm trù này theo nguyên tắc: dành cho người anh hùng những cái đẹp, cái cao cả, dành cho kẻ thù những sắc thái xấu xa, thấp hèn. Cái bi, cái hài xuất hiện ở cả hai bên nhưng cái bi của phía ta là cái bi lạc quan, cái bi của kẻ thù là cái bi bế tắc, cái hài ở phe ta là cái hài bông đùa còn bên địch là sự mỉa mai châm biếm. Xin lấy một ví dụ tiêu biểu: Chị Sứ(Hòn đất - Anh Đức), là một người con gái đẹp với những phẩm chất cao cả nhưng trong chị vẫn chứa đựng cái bi vì chị phải chọn cái chết(dù rất muốn sống) để đồng đội chiến thắng. Cái chết(bi) của thằng Xăm là bi kịch đường cùng, theo sự thất bại của chế độ Việt Nam cộng hòa. Bọn địch được miêu tả là những con “người – quỷ” xấu xa. Cái hài có cả phía ta và phía địch. Chúng ta có thể thấy điều đó qua hàng loạt tiểu thuyết sử thi Việt Nam hiện đại.

Sự giao thoa ở nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nhân vật sử thi thường là những con người đẹp lí tưởng rất đáng kính, đáng chiêm ngưỡng nhưng ở những mức độ đậm nhạt khác nhau những nhân vật ấy vẫn mang dáng dấp của nhân vật tiểu thuyết với những khiếm khuyết về ngoại hình, tính cách, suy nghĩ và hành động. Chẳng hạn chính ủy Kinh(Dấu chân người lính) là người chỉ huy đáng kính(chất sử thi) nhưng lại chột mắt, ăn nói xuề xòa, tác phong quê mùa(chất tiểu thuyết). Nhân vật Sáu Hóa trong Nắng đồng bằng của Chu Lai là một chiến sĩ gan dạ, dũng cảm nhưng có tật nghiện rượu. Nhân vậ ttướng Phạm Xuân Ban(Những bứctường lửa của Khuất Quang Thụy) là anh hùng trận mạc, sống rất tình nghĩa, chu đáo với đồng đội nhưng lại có hành động rất đáng chê trách trong quan hệ tình cảm(phụ bạc cả hai người bạn cùng lớp là Đào vàThanh)... Người đọc dễ dàng nhận ra sự đan xen giữa chất tiểu thuyết và chất sử thi như vậy trong nhiều nhân vật ở các tiểu thuyết sử thi khác.

Sự giao thoa ở kết cấu của cốt truyện. Kết cấu cốt truyện của sử thi là kết cấu sự kiện – lịch sử với tính chất hoàn thành, khép kín không có sự dang dở, thường kết thúc có hậu phù hợp với âm hưởng anh hùng ca, theo trật tự thời gian tuyến tính. Còn kết cấu của tiểu thuyết là kết cấu chưa hoàn thành, “chưa xong xuôi”, trình tự cốt truyện rất đa dạng, kết thúc tác phẩm thường không có hậu... Hai kiểu kết cấu cốt truyện của sử thi

31

và tiểu thuyết này đã hòa hợp với nhau trong nhiều tiểu thuyết sử thi hiện đại. Chẳng hạn Dấu chân người lính(Nguyễn Minh Châu) có kết cấu theo trình tự một chiến dịch, kết thúc ta dành chiến thắng(chất sử thi) nhưng bộ đội vẫn tiếp tục lên đường, ai còn ai mất vẫn là câu hỏi lớn; Rồi kết cục của những mối tình tay ba kia sẽ thế nào(sau khi Lữ chết liệu Hiền Moan có đến với nhau? Xiêm và Lượng sẽ thế nào?) đây là những dấu hiệu của kết cấu tiểu thuyết. Tiểu thuyết Hòn đất(Anh Đức), Mẫn và tôi(Phan Tứ) cũng có kết cấu theo trật thời gian tuyến tính(đặc điểm sử thi) nhưng vẫn có những đoạn ngược lại thời quá khứ(đặc điểm tiểu thuyết). Sự giao thoa này chúng ta còn gặp trong nhiều tiểu thuyết sử thi khác nhất là những tiểu thuyết có âm hưởng sử thi viết sau 1975. Với những điều đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định rằng xét về đặc trưng thể loại, sử thi và tiểu thuyết đã có nhiều điểm gặp gỡ trong tiểu thuyết sử thi Việt Nam hiện đại. Càng về sau sự đan cài, giao thoa ấy càng đậm nét và dẫn tới những đặc điểm “phản sử thi”, “phi sử thi” trong tiểu thuyết sử thi, khi chất tiểu thuyết ngày càng đậm lên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)