Sáng tạo ở ngôn ngữ nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 93 - 98)

7. Đóng góp của luận văn

3.3. Sáng tạo ở ngôn ngữ nghệ thuật

“Ngôn ngữ là công cụ, chất liệu cơ bản của văn học”“loại hình nghệ thuật ngôn từ”, “là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn”[52,tr.215]. Vì vậy việc tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật của một tác

88

phẩm là công việc hiển nhiên nếu muốn đi sâu vào những giá trị nghệ thuật để phát hiện sự sáng tạo của tác giả qua văn bản nghệ thuật. Khảo sát hai tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng Mưa đỏ của Chu Lai, chúng tôi nhận thấy hệ thống ngôn ngữ đậm chất thơ kết hợp với ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ giàu tính đối thoại là một thành công xét về mặt ngôn ngữ nghệ thuật.

Việc sử dụng ngôn ngữ đậm chất thơ cùng ngôn ngữ đời thường(ngôn ngữ thông tục) là một đặc điểm nổi bật trong sáng tác của Chu Lai. Ngôn ngữ đậm chất thơ là thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc, rất phù hợp với giọng điệu ngợi ca của tiểu thuyết sử thi. Các sáng tác của Chu Lai mặc dù không phải là tiểu thuyết sử thi đích thực(trừ

Nắng đồng bằng) nhưng ngôn ngữ giàu chất thơ luôn được nhà văn sử dụng rất thành công. Ngoài những trường hợp viết về người anh hùng, với mục đích ngợi ca(như chúng tối đã đề cập ở chương trước), nhiều trang viết về tình yêu, về thiên nhiên trong hai tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng Mưa đỏ là thứ ngôn ngữ bay bổng, giàu cảm xúc: Đó là cảnh Cao nguyên thơ mộng với cả màu sắc, âm thanh:“Oánh và cô gái Hơ’Krol đi chầm chậm bên nhau giữa một cánh rừng thưa có nhiều ánh nắng đang dệt hoa dưới đất. Tiếng đàn T’rưng vang tính tang bên suối nước đâu đây vẫn cứ gợi lên trong họ cả một nét nhạc Cao nguyên vạm vỡ, da diết khiến bước chân đi như đưa như ru, bồng bềnh, bảng lảng”[43,tr.185]. Ngay cả một tác phẩm với âm hưởng chủ đạo là bi tráng –

Mưa đỏ, thứ ngôn ngữ đậm chất thơ vẫn được sử dụng rất hiệu quả: “Pháo vẫn rít từng hồi. Tiếng nổ lại dựng sóng trên mặt nước. Cả hai bờ bùng lửa, chao nghiêng. Họ vẫn đứng sát vào nhau, đắ chìm, bất chấp như lúc này chỉ có họ là hiện hữu còn ngoài ra tất cả là không có thực”[44,tr.233]. Đây có thể xem là đoạn văn minh chứng cho chất lãng mạn đã chiến thắng sự khốc liệt của chiến tranh. Bên cạnh ngôn ngữ đậm chất thơ nhà văn cũng đưa vào tác phẩm thứ ngôn ngữ đời thường. Đây là một biểu hiện của xu thế dân chủ hóa trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Khúc bi tráng cuối cùng nhìn chung vẫn là tiểu thuyết mà ngôn ngữ trang nghiêm chiếm tỉ lệ áp đảo. Tuy nhiên chúng ta cũng bắt gặp không ít những lời nói thông tục trong những phát ngôn của nhân vật, chẳng hạn: lời đối thoại của phó tư lệnh Vũ Lân với người chỉ huy pháo binh: “Chết mẹ! Ngay cả như ông, một chỉ huy có sỏi trong đầu mà cũng suy nghĩ nóng vội như thế thì còn nói gì đến bộ đội. Tự nói tự nghe thôi nghe, ông mà để hở ra là chính tôi sẽ trị

89

của tôi, của một số không ít người, những thằng lính đã mòn mỏi chờ đợi ngày chiến thắng quá lâu rồi”[43,tr.89]. Trong Mưa đỏ, hệ thống từ ngữ thông tục trong đối thoại của nhân vật lại chiếm tỉ lệ cao mà người đọc dễ dàng bắt gặp. Đây là lời của bác sĩ Lê:

“Cậu kia, làm cái c... gì mà chen ghê thế? ... Còn thằng này, có muốn tao bẻ luôn mẹ cái khớp gối ra không? Ấy. Đã bảo nặng mới được xuống thuyền kia mà, điếc à? Lên...”[44,tr.103]. Còn đây là lời của tiểu đội trưởng Tạ với đồng đội: Nghe mẹ gì, điếc hết lỗ nhĩ rồi còn nghe với ngóng. Mà ruồi nhặng nào bay ra vào lúc tối tăm thế này? Ăn đi không bọn chó nó lại cắn dao lao tới bây giờ!”[33,tr.121]. Còn đây là lời của Hải: “Phù hộ mẹ gì! Chẳng qua những thằng cũ có kinh nghiệm hơn, khôn ngoan hơn nên đạn nó chưa chạm tới. Ông Tạ bảo, thằng nào chỉ cần trụ được ở đây chục ngày mà không chết thì sẽ thành tinh thành cáo không bao giờ chết được nữa”[44,tr.153]. Việc sử dụng và gia tăng ngôn ngữ thông tục giúp tác phẩm đậm chất tiểu thuyết hơn, làm cho khoảng cách giữa nhà văn và đối tượng trần thuật được thu hẹp. Nhà văn cũng không còn đứng trên đối tượng phản ảnh để miêu tả, đánh giá theo kinh nghiệm cộng đồng – đó chính là tính dân chủ của tiểu thuyết hôm nay.

Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ đời thường nhà văn cũng sử dụng thành công tính đối thoại trong ngôn ngữ tác phẩm. “Tính đối thoại trong ngôn ngữ tiểu thuyết không chỉ là người này đối thoại với người kia mà điều quan trọng là đối thoại về tư tưởng, về quan điểm trong chính phát ngôn của họ”[59,tr.172]. Nhân vật của tiểu thuyết sử thi 1945 – 1975 là những con người giác ngộ lí tưởng một cách rõ ràng, họ sống chiến đấu và luôn tin vào lí tưởng. Ngôn ngữ của các nhân vật ấy mang tính đơn thanh, ít có tính đối thoại. Nhưng nhân vật trong tiểu thuyết có khuynh hướng sử thi sau 1975, thường trưởng thành do chính cuộc chiến, bằng trải nghiệm bản thân và đặc biệt họ luôn có xu hướng muốn lí giải, muốn nhận thức lại rất nhiều vấn đề. Xin lấy một ví dụ, nhân vật Kiên(trong Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh) sau những dằng xé của thời hậu chiến đã phát biểu: Kiên hiểu rằng Phương có lí. Anh đã nhìn lại niềm hăm hở mê say của mình:“Đã đành là đánh nhau thì phải đánh nhau thôi một khi không còn cách nào khác, nhưng dù sao thì... Trai đất Việt thực ra không ham chiến trận lắm đâu như người ta hay đồn”(dẫn theo 55,tr.173). Những nhận thức như thế đã tạo ra chất tiểu thuyết

90

Khúc bi tráng cuối cùng là một tiểu thuyết có nhiều cách tân nghệ thuật so với tiểu thuyết sử thi trước năm 1975, tuy nhiên tính đối thoại của ngôn ngữ trong văn bản về những vấn đề của chiến tranh chưa nhiều. Toàn bộ tác phẩm tập trung thể hiện tư tưởng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Có lẽ tác giả muốn hàm ý chiến dịch Hồ Chí Minh chính là khúc bi tráng cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khép lại văn bản, người đọc được “đối thoại” với tác giả một tư tưởng mà nhân vật Dung đã thầm nói với người bà(mẹ của Hoàng Lâm) ở cuối tác phẩm: “...để có một ngày bà cháu ta đươc thơ thới đi dọc hết chiều dài đất nước như thế này, cái giá phải trả là rất đắt như thế nào”[53,tr.350].

Về tính đối thoại trong ngôn ngữ, Mưa đỏ đã đi xa hơn Khúc bi tráng cuối cùng. Trong tác phẩm này, người đọc bắt gặp hàng loạt những đối thoại về nhiều vấn đề của chiến tranh trong hai kiểu đối thoại chính:

Thứ nhất là đối thoại với người khác. Trong kiểu đổi thoại này, nhiều vấn đề của chiến tranh đã được nhà văn cũng như nhân vật trao đổi với nhau, với độc giả: Những vấn đề “nhạy cảm” của chiến tranh đã được đối thoại thẳng thắn. Nói về nguyên nhân thương vong quá nhiều trong chiến dịch bảo vệ Thành Cổ(địa hình không thuận lợi) người kể chuyện đã miêu tả: “người nằm trong đó(Thành Cổ) giống như cá nằm trong rọ khó mà thoát vùng ra được”[44,tr.77], Bình đã thốt lên với Cường trong sự căng thẳng đến khó hiểu khi cấp trên chọn Thành Cổ làm chiến trường: “Nhưng tại sao lại cứ phải là chỗ này? Có thể có chỗ khác đỡ chết chóc thê thảm hơn để đặt lên bàn hội nghị cơ mà?”[44,tr.315], trung tá Vũ Thành cũng nhìn nhận ra một trong những nguyên nhân chủ quan: “...mình có quá duy ý chí không? Duy ý chí vừa độ là một động lực chiến đấu, nhưng khi nó quá độ sẽ trở thành cuồng tín”[44,tr.334]. Tư cách người lính cách mạng, cũng được các nhân vật trao đổi trên tinh thần đối thoại thẳng thắn; khi bị Sen phê bình về thói quen viết nhật kí, Cường đã phản bác: “Chả lẽ cứ chiến tranh là con người ta phải trở thành vô tri, vô giác, thành cỗ máy chiến đấu mà không được giãi bày, tâm sự, không có tâm hồn, tâm trang gì hết sao? Cuộc chiến đấu như vậy thì buồn quá! Và lí do cầm súng như vậy cũng nghèo nàn quá!”[44,tr.128]. Còn ở phía bên kia, trải qua những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến trung úy Quang cũng thẳng thắn phủ định tính chất vô nghĩa của chiến tranh trong đối thoại với bà mẹ: “Thì cả cuộc chiến chết tiệt này cũng chỉ là hoang tưởng một khi người ta đổ hàng tấn máu tươi để có được

91

một đồng lời chính trị bẩn thỉu trên bàn để mặc cả bán buôn.”[44,tr.222]. Chắc hẳn những kiểu đối thoại tương tự, sẽ khó gặp trong tiểu thuyết sử thi giai đoạn 1945 – 1975.

Thứ hai là đối thoại với chính mình. Kiểu đối thoại thường là những dằng xé nội tâm, những suy tư trăn trở về nhiều vấn đề của con người trong chiến tranh. Quan niệm về lí tưởng, về hoài bão đã được đối thoại trong cái nhìn thực tế của người lính trực tiếp tham gia chiến đấu. Trong nhật kí, Cường đã viết: “Khoảnh khắc tối tăm mù mịt ấy, con người cả hai bên đều tự quẳng tất cả những gì là ý thức, là chủ thuyết, là lí tưởng, hoài bão, mục đích nọ kia mà chỉ còn lại một lớp sương mù đặc quánh của bản năng tự vệ”[44,tr.114], thì ra trong chiến đấu, người lính ít mang lí tưởng làm cứu cánh cho hành động, lúc đó ở họ chiến đấu chỉ đơn giản là tự vệ với suy nghĩ mình không giết nó thì nó giết mình. Đây cũng là phản đề mà Hai Hùng(Ăn mày dĩ vãng) đã khẳng định:“Lí thuyết, chủ thuyết, giác ngộ, lí tưởng ư? Thừa! Những điều cao siêu đó không phải bao giờ, ở đâu cũng đắc địa, nếu không muốn nói có khi còn trở thành buồn cười”[41,tr.92].

Quan niệm về chiến tranh là điều mà Cường luôn trăn trở. Bức thư đầu tiên cho mẹ trong cuốn nhật kí, Cường viết những dòng có tính tranh biện về chiến tranh: “Có người bảo, chiến tranh gì thì chiến tranh nhưng đến mức phải tổng động viên cả sinh viên đang ngồi ghế học đường hay sắp ra trường vào đây thì phí quá, mai mốt hết chiến tranh rồi thì còn lấy ai để xây dựng đất nước. Con lại nghĩ khác, chiến tranh là một khoảnh khắc sinh tử, sống còn có liên quan đến số phận của dân tộc. Không giữ được nước thì ngay cả văn hóa chứ chưa nói đến khái niệm dựng xây cũng chả có ý nghĩa gì”[44,tr.85-86]. Đó là suy nghĩ trong những ngày đầu cầm súng, Cường đã khẳng định ý nghĩa cao cả của cuộc kháng chiến đối với vận mệnh dân tộc. Sau những ngày đầu chiến đấu, Cường đã nhận ra sự khốc liệt đến khủng khiếp của chiến tranh: “Nó không giống bất kỳ những gì con đã mường tượng ra, dù là một sự mường tượng khủng khiếp nhất”[44,tr.94]. Thậm chí chiến tranh còn được nhìn nhận từ góc độ đơn giản của thực tế, trong những hành động diễn ra hằng ngày khi mà cỗ máy chiến tranh cứ ngốn dần những sinh mạng người vào cái bụng khổng lồ của nó: “Chả lẽ chiến tranh chỉ gói gọn trong cái định nghĩa khô cằn là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình ư?”[44,tr.162]. Trước sự mất mát khủng khiếp, Cường thậm chí còn hoài nghi về mục đích của cuộc chiến: “Chết! Chết nhiều quá, ai chết, chết vì cái gì?”[44,tr.118].

92

mới về người anh hùng. Họ không phải là những con người luôn dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì lí tưởng mà trước hết họ là những con người với những nỗi sợ hãi mang tính bản năng, Cường đã hai lần khẳng định: “Anh hùng cũng sợ chết, thậm chí là sợ chết nhất, nhưng nếu biết vượt qua được nỗi sợ chết thì là anh hùng”[44,tr.151]. Đó thực sự là những đối thoại nghiêm túc, là những trăn trở từ những kinh nghiêm cá nhân(có thể đúng có thể sai) của mỗi người lính dù anh hùng nhưng vẫn có những phút yếu lòng trước sự khốc liệt của chiến tranh.

Tóm lại, việc sử dụng ngôn ngữ đời thường giàu tính đối thoại đã tạo ra tính dân chủ, làm tăng chất tiểu thuyết cho tác phẩm. Nhà văn không còn đứng trên nhân vật để răn dạy, phán truyền chân lí mà đứng cùng nhân vật để đưa ra những nhận thức về chiến tranh. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ đậm chất thơ là đặc sắc riêng trong tiểu thuyết của Chu Lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 93 - 98)