Kết cấu tiểu thuyết có điểm tương đồng với kết cấu kịch bản điện ảnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 77 - 80)

7. Đóng góp của luận văn

3.1.1. Kết cấu tiểu thuyết có điểm tương đồng với kết cấu kịch bản điện ảnh

Chu Lai luôn có ý thức viết tác phẩm theo kiểu “hai trong một”, tức là một tác phẩm thường được nhân hai từ tiểu thuyết thành kịch bản phim. Chẳng hạn phim Người đi tìm dĩ vãng(1992) chuyển thể từ tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng(1991), phim Người Hà nội(1996) chyển thể từ tiểu thuyết Phố(1993). Chính vì tư duy tiểu thuyết chịu ảnh hưởng của nghệ thuật điện ảnh mà nhiều tác phẩm của Chu Lai mang những dấu ấn khá rõ nét của một kịch bản phim. Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng là một ví dụ tiêu biểu. Tác phẩm có 11 chương với kết cấu đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại(cứ một chương ở hiện tại lại đến một chương về quá khứ) khiến cho tiểu thuyết này có sự thay đổi về cảnh trong cấu trúc liền mạch của cốt truyện giống như những cảnh được lắp ghép trong kỹ thuật điện ảnh. Khảo sát hai tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng Mưa đỏ chúng tôi cũng nhận thấy lối kết cấu theo kiểu “lắp ghép” của điện ảnh.

72

Khúc bi tráng cuối cùng gồm 36 chương được đánh số và hai cảnh có ghi rõ nội dung(Cảnh mở đầu: Một ngàn chín trăm bảy tư, Đoạn kết: Mười năm sau) với những sự đan xen hoạt động của hệ thống nhân vật giống như một bộ phim. Cảnh mở đầu và chương một có chức năng giới thiệu nhân vật và câu chuyện, giống như việc “mở cảnh”(Scene Heading) trong một kịch bản phim. Trong không gian một chiều cuối năm nao nao buồn của đồng quê Bắc Bộ xuất hiện nhân vật trung tâm của cảnh - người mẹ sông Hồng “với mái tóc bạc phơ, nét mặt siêu thoát nhân từ đang ngồi ở đầu ngõ tre pheo, những ngón tay nhăn nheo đang nhẹ đan một tấm áo len màu cỏ úa”[43,tr.6]. Những hành động “dõi nhìn về phương Nam” và đứng bên bàn thờ chồng cầu khấn cho con và cháu có tác dụng giới thiệu một câu chuyện liên quan đến con trai và cháu trai của bà ở một chiến trường nào đó trong Nam. Chương một cũng có chức năng giới thiệu tiếp câu chuyện. Trong căn biệt thự giữa thành phố Sài Gòn với vẻ đẹp u trầm, tĩnh mịch, sự xuất hiện của “một thiếu phụ trên bốn mươi tuổi, đẹp sang trọng và uẩn buồn”[43,tr.9], của một viên đại tá mang vẻ đẹp nho nhã(Thanh) và một thiếu tá ngang tàng dữ dội(Hùng). Qua câu chuyện của họ, người đọc như đang được xem một thước phim có tính chất khai mở cho toàn bộ cốt truyện đó là mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật trong việc nhắc tới Hoàng Lâm và Phạm Ngọc Tuấn(Chiêu), đó là một cuộc chiến ác liệt qua việc nhắc tới vùng chiến thuật Tây Nguyên, là dự cảm về một biến cố lớn lao trong câu chuyện về tình thế chính trị Sài Gòn... Như vậy, cảnh mở đầu và chương một cơ bản đã hình thành được một xung đột giữa hai bên chiến tuyến, câu chuyện về số phận con người trong chiến tranh(tình yêu của Huyền Trang – Hoàng Lâm cùng xen ngang của Chiêu), cũng như hệ thống nhân vật dù trực tiếp hay gián tiếp đã xuất hiện đầy đủ. Từ chương hai đến chương kết là sự đan cài các cảnh miêu tả các hoạt động của hai bên và những cảnh chiến đấu trực diện thể hiện sự phát triển diễn biến của cốt truyện. Các cảnh đều tập trung làm rõ cuộc đấu trí giữa ta và địch, sự mưu trí dũng cảm của quân giải phóng và sự thất bại thảm hại của Ngụy quân. Bên cạnh cốt truyện mang tính lịch sử - sự kiện ấy là số phận, tình yêu của con người trong chiến tranh cũng được miêu tả đầy đủ trong mối quan hệ giữa Hoàng Lâm – Huyền Trang – Tuấn cùng những đứa con của họ. Có những chương chỉ bao gồm một cảnh như chương 2, 3, 12, 16, 17, 19, 23, 24, 28, 32, 33, 34, 36 các chương còn lại có từ hai cảnh trở lên(chương 10, 18, 27, 30, 31 có 2 cảnh; chương 4, 5, 6, 8, 11, 15 có 3 cảnh; chương 20, 26, 35 có

73

4 cảnh; chương 7, 21, 29 có 5 cảnh; chương 9, 14 có 7 cảnh; chương 13 có 8 cảnh; chương 25 có 9 cảnh và chương 22 có 10 cảnh). Chương kết có thể gộp lại một cảnh với hình ảnh trung tướng Hoàng Lâm đưa bà mẹ thăm lại chiến trường nơi mà ông cùng những đứa con đã chiến đấu. Cộng tất cả các cảnh lại ta được con số 112 cảnh, nếu quy ước theo cách viết kịch bản điện ảnh(mỗi cảnh được tái hiện trong kịch bản với dung lượng một trang giấy và thời lượng một phút trên màn ảnh) thì chúng ta sẽ có một kịch bản phim điện ảnh với thời lượng xấp xỉ hai giờ(rất phù hợp với một kịch bản phim điện ảnh).

Mưa đỏ ngoài phần mở đầu đoạn kết có ba mươi tám chương được đánh số. Phần mở đầu cũng có chức năng “mở cảnh” để giới thiệu câu chuyện. Hình ảnh bà mẹ cùng người yêu của người liệt sĩ Thành Cổ trong Nhà hát Lớn đang ngồi nghe bản nhạc đầu tiên và cuối cùng của anh. Bản nhạc bi tráng ấy cùng lời của người dẫn chương trình đã đưa người đọc(người xem) hồi cố lại những ngày ác liệt nhất trong cuộc chiến chống Mĩ – Tám mươi mốt ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị. Từ chương 1 đến chương 38 là những cảnh được lắp ghép để miêu tả diễn biến của câu chuyện. Những cảnh đó diễn ra ở nhiều không gian như Hà Nội, Pari, Huế, Thành Cổ nhưng chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là những cảnh diễn ra ở Thành Cổ. Các hoạt động của phía ta, phía địch đều được tái hiện song song theo mô hình địch tấn công – ta phản công để tái hiện một cuộc chiến khốc liệt chưa từng có và khẳng định niềm tri ân sâu sắc với những người lính Thành Cổ bi hùng. Đoạn kết là cảnh để lại những lắng đọng trong lòng người xem với hình ảnh những bà mẹ ở hai chiến tuyến trở lại nơi yên nghỉ của con mình trong tâm trạng xót thương và ước mong hòa giải. Cũng như Khúc bi tráng cuối cùng, Mưa đỏ có số lượng cảnh tương đối phù hợp với một kịch bản phim điện ảnh(phần mở đầu, đoạn kết và các chương 2, 3, 4, 9, 12, 15, 17, 18, 19, 23, 24, 28, 30, 31, 33, 34, 35, 36, 37 có 1 cảnh; các chương 6, 7, 8, 11, 14, 38 có 2 cảnh; các chương 1, 5, 16, 20, 22, 26, 29, 32 có 3 cảnh; các chương 25, 27 có 4 cảnh; các chương 10, 13, có 5 cảnh; chương 21 có 7 cảnh; tổng cộng 82 cảnh) tương đương với một bộ phim có thời gian 90 phút theo mô hình hiện tại - quá khứ - hiện tại.

Như vậy nhìn vào kết cấu hai tiểu thuyết, chúng ta có thể hình dung ra những kịch bản phim với sự phân cảnh tương đối rõ ràng và chi tiết. Đây là những “bản gốc”

74

khá hấp dẫn để nhà biên kịch có thể chuyển thể sang những kịch bản phim có sức lôi cuốn, hấp dẫn người xem.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 77 - 80)