7. Đóng góp của luận văn
3.4. Sáng tạo ở giọng điệu nghệ thuật
Bakhtin khẳng định,“tiểu thuyết – đó là những tiếng nói xã hội khác nhau, đôi khi là những ngôn ngữ xã hội khác nhau và những tiếng nói cá nhân khác nhau được tổ chức lại một cách nghệ thuật”( M. Bakhtin, Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch). Những tiếng nói xã hội khác nhau này là cơ sở để tạo ra sự đa thanh trong giọng điệu của tác phẩm. Những tác phẩm có giá trị thường có sự đan cài các giọng điệu: “Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị thường đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo, chứ không đơn điệu”[52,tr.135].
Nằm trong xu hướng vận động chung của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, tiểu thuyết của Chu Lai lấy chiến tranh làm đối tượng để phân tích, lí giải cũng như khám phá vẻ đẹp của tâm hồn con người, chứ không coi chiến tranh là đối tượng phản ánh. Vì vậy mà giọng điệu trong tác phẩm của ông có sự đa thanh ở mức độ nhất định. Chúng ta có thể thấy một số giọng điệu sau đây:
Giọng điệu ngợi ca, hào sảng có thể xem là giọng điệu chủ đạo của Khúc bi tráng cuối cùng: Nhà văn đã dụng công mô tả khí thế hùng mạnh trong công tác chuẩn bị cũng như tiến hành chiến dịch của quân đội ta trong chiến dịch Tây Nguyên. Đây là sức mạnh tiến công của các lực lượng cách mạng như được cộng hưởng với sức mạnh của núi rừng Cao nguyên: “Khí thế tiến công động đến trời xanh. Lúc ấy,
93
từ thung sâu, từ các vách núi, từ khắp các bản làng xa mờ, lại như có một tiếng cồng nổi lên, nhiều tiếng cồng nổi lên, vọng vang khắp thinh không, vọng tới cả đoàn xe phía trước đang băng mình vào khói lửa làm một cuộc đại truy kích có một không hai trong lịch sử vùng đất Cao nguyên này”[43,tr.301]. Còn đây là khí thể hùng mạnh của đoàn quân cách mạng như được kết hợp sức mạnh của nghìn năm lịch sử trên đường tiến về Sài Gòn:
“Thầntốc!
Các binh đoàn đổ dốc! Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư… Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư… Cả nước lên đường! Đánh một trận sạch không kình ngạc. Non sông mở hội! Đánh hai trận tan tác chim muông… Lịch sử ra quân. Ước mơ ngàn đời. Thời cơ ngàn năm đã kết tủa. Không một thế lực nào có thể ngăn được dòng thác lũ đã phá bờ. Tiến lên chiến sĩ đồng bào… Lời vang vọng bay trên đầu ngọn súng.
Táobạo!Bất ngờ!Chắcthắng”[43,tr.326].
Giọng điệu ngợi ca, hào sảng như thế rất phù hợp với cảm hứng chủ đạo của tác phẩm Khúc bi tráng cuối cùng, đó là cảm hứng ngợi ca những người anh hùng đã làm nên chiến thắng Tây Nguyên và chiến thắng mùa xuân năm 1975.
Bên cạnh giọng điệu ngợi ca hào sảng trong ca ngợi sức mạnh và chiến công của quân đội cách mạng,là giọng điệu bi tráng da diết cảm thương khi viết về sự hi sinh của người lính cùng nỗi đau của chiến tranh. Đây là sự hi sinh bi tráng của người chiến sĩ trên mặt trận Tây Nguyên:“Và cũng là lúc cái quyết chiến điểm cuối cùng của kẻ thù ấy đã tung bay sắc cờ mặt trận giải phóng nửa đỏ nửa xanh. Đồng đội lặng lẽ hạ thi thể người liệt sĩ anh hùng xuống, lấy vải dù trắng phủ lên. Tất cả đứng thành hàng, có chính ủy mặt trận, có sư trưởng Lâm, có cả dân quân du kích và bộ đội địa phương, cả Hơ’Krol, cả đại tá Y’Blim và có cả chàng họa sĩ lấm lem bùn đất”[43,tr.260]. Đó là sự buồn thương da diết khi nói về số phận con người trong chiến tranh ở tâm trạng của bà Huyền Trang(Khúc bi tráng cuối cùng): “Ông Lâm ơi... Tôi có tội với ông. Tôi đã không giữ được thằng Hùng đi theo con đường của ông. Tôi sợ quá... Cái nghiệp chướng này xin ông hãy đổ lên một mình đầu tôi... Ông hãy tha cho nó...”[43,tr.339]; Là tâm trạng buồn thương khi chứng kiến cảnh đồng đội hi sinh một
94
cách tức tưởi:“Chú ấy đã chết. Mắt vẫn mở trừng trừng nhìn lên vòm cao như không hiểu sao mình lại chết tức tưởi như thế này. Nấc lên một tiếng, cô ôm chặt lấy khuôn mặt ông, khuôn mặt vẫn còn ấm nóng, không khóc được nữa, chỉ có nước mắt tràn ra, tràn ra...”[43,tr.269]; Giọng điệu bi tráng là giọng điệu chủ đạo trong Mưa đỏ,đơn giản bởi tiểu thuyết này viết về một trận chiến anh hùng nhưng những tổn thất của nó thì không gì đo đếm được. Đây là cảnh hi sinh đầy bi hùng của người chiến sĩ thông tin đã dùng chính cơ thể mình để nối lại đường dây liên lạc: “Một trái pháo nổ gần, toàn thân anh tung lên, dập xuống nhưng răng vẫn không rời mối dây. Pháo sáng chiếu vào hình ảnh kiêu hùng và tội tình ấy như một biểu tượng cho ý chí kiên cường của người lính trong sóng nước hiểm nguy”[44,tr.186]. Cảnh thiên nhiên cũng đượm màu bi tráng(gợi nhớ đến sông Cần Giuộc thuở xưa trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu): “Trời vẫn đổ mưa. Những hạt mưa đang biến thành màu đỏ. Mưa đỏ. Mưa máu”[44,tr326]. Trước sự hi sinh của người lính, thiên nhiên cũng cất lên những lời bi ai: “Nói xong, anh từ từ nhắm mắt như người chìm vào giấc ngủ. Dòng Thạch Hãn dưới kia rền lên một tiếng ai oán, tức tưởi...”[44,tr.274](phảng phất không khí của người lính Tây Tiến thời kháng Pháp trong thơ Quang Dũng: Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành). Những mất mát, thương vong khủng khiếp của cuộc chiến cũng được diễn tả bằng tâm trạng buồn thương: “Có rất nhiều cáng thương đi qua cửa hầm. Có rất nhiều chiến thương dìu nhau, chống nạng cũng đi qua...dài như bất tận, xám như một nốt trầm thê lương trong bản tổng phổ có rất nhiều giai điệu trái chiều đang vang trong cái đầu nhức buốt ong ong của anh”[44,tr214-215].
Giọng điệu chiêm nghiệm triết lí được rút ra từ những trải nghiệm thực tế của nhân vật, của người kể chuyện. Đây là đúc kết của người kể chuyện về sự tồn tại dai dẳng của cái ác (Khúc bi tráng cuối cùng): “...điều ác trên đời này luôn biết cách sống rất lâu, nó chỉ chuyển ảo từ gam màu này sang gam màu khác”[43,tr.311]. Đây là chiêm nghiệm của trung úy Quang(Mưa đỏ) về bạn và thù: “Ở đời có những kẻ thù làm ta kính trọng nhưng lại có những thằng bạn làm mình coi khinh...”[44,tr.169]; hoặc: “Có một kẻ thù can tràng còn hơn có một thằng bạn thấp hèn”[44,tr.176]. Trải qua những khốc liệt của cuộc chiến, người chiến sĩ băn khoăn trong câu hỏi có tính chất định nghĩa về chiến tranh: “Chả lẽ chiến tranh chỉ gói gọn trong cái định nghĩa khô cằn là ngày nào
95
cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình ư?”[44,tr162]. Họ còn tranh biện, phân tích, lí giải để đúc kết những quan niệm về người anh hùng: “Anh hùng cũng sợ chết, thậm chí là sợ chết nhất, nhưng nếu biết vượt qua nỗi sợ chết thì là anh hùng. Và không ai sinh ra đã muốn mình thành một đao phủ nhưng có những hoàn cảnh không thể không biến mình thành một con người như thế”[44,tr.151]... Những chiêm nghiệm như thế giúp người đọc hình dung rõ hơn về chiến tranh cũng như đời sống nội tâm của những người trong cuộc.
Bên cạnh những giọng điệu chủ đạo ấy, trong hai tác phẩm người đọc còn thấy sự xuất hiện của một số giọng điệu khác: Giọng cật vấn của người lính cất lên trong tâm trạng căng thẳng: “Nhưng tại sao lại cứ phải là chỗ này? Có thể có chỗ khác đỡ chết chóc thê thảm hơn để đặt lên bàn hội nghị cơ mà?”[44,tr.315]. Giọng chua xót, ai oán:
là lời của bà mẹ nhân vật Hải(Mưa đỏ) trước cảnh(chồng, con đều bị ảnh hưởng xấu bởi lí lịch gia đình): “Giá như gia đình con cũng có một tấm bằng liệt sĩ như gia đình hàng xóm bên kia thì đời chồng con của con đâu đến nỗi”[44,tr.140]...
Sự đa dạng về giọng điệu trần thuật đã tạo ra cho hai tiểu thuyết tính đa thanh tránh được kiểu tự sự đơn thanh của tiểu thuyết sử thi truyền thống. Đây cũng là con đường hướng tới đổi mới thi pháp tiểu thuyết để bắt kịp sự phát triển của văn học đương đại.