Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 86 - 88)

7. Đóng góp của luận văn

3.2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Chân dung ngoại hình là yếu tố tạo ấn tượng đầu tiên về nhân vật đồng thời cũng hé lộ những điều thẳm sâu trong tính cách cũng như số phận nhân vật mà nhà văn muốn nói. Bởi vậy mà chân dung ngoại hình luôn được các nhà văn chú ý chăm chút. Các nhân vật chính diện của Chu Lai luôn mang vẻ đẹp đặc biệt về ngoại hình(Nhân vật nam là vẻ đẹp của người anh hùng – lãng tử, nhân vật nữ là vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng). Chúng ta có thể thấy qua hệ thống các nhân vật như Tám Linh – Năm Thúy(Nắng đồng bằng), Hai Hùng – Ba Sương(Ăn mày dĩ vãng), Nam – Thảo(Phố)... đây chính là yếu tố làm nên “thương hiệu” riêng của nhà văn Chu Lai.

Nam nhân vật chính diện luôn được nhà văn ưu ái đặc biệt để rồi phác họa họ với những đường nét đẹp cực kì nam tính, khỏe khoắn, gân guốc – vẻ đẹp của những anh hùng. Đằng sau vẻ đẹp ngoại hình ấy là một tinh thần chiến đấu anh dũng, một sức mạnh kiên cường của ý chí. Tuy vậy nếu để ý kĩ một chút chúng ta lại thấy những nhân vật này lại không hoàn toàn giống nhau đến mức lặp lại nhau y hệt bởi tác giả đã dùng một số chi tiết nghệ thuật đắt giá để khu biệt các nhân vật với nhau:

Oánh trong Khúc bi tráng cuối cùng mang vẻ đẹp của một người anh hùng trận mạc với thân thể cường tráng cùng những nét vẽ gân guốc như tạc tượng“đeo súng ngắn, thân hình vạm vỡ, con mắt nhìn vừa lạnh vừa ấm”[43,tr.86], “Trong số họ nổi lên vóc dáng săn chắc, khuôn ngực, thành bụng nở múi rất đẹp của Oánh”[43,tr.113]. Và“Nói đùa – Họa sĩ vẫn không rời mắt khỏi thân hình bạn, giọng tiếc rẻ - Với một thân thể Hecquyn đáng lẽ chỉ để dành cho đàn bà mà phải phôi pha, lặn hụp trong rừng như thế này kể cũng phí”[43,tr.115]. Chi tiết “con mắt nhìn vừa lạnh vừa ấm” của Oánh chứng tỏ anh là một chiến sĩ nghiêm khắc nhưng cũng giàu tình cảm. Còn Đặng Cường trong

Mưa đỏ ngoại hình vừa toát lên vẻ kiêu hùng của một chiến binh lại vừa hiện rõ chất bay bổng, lãng mạn của một nghệ sĩ “Đặng Cường, một thanh niên có vóc người cao ráo, nét mặt khôi ngô, cương nghị, ở trần, quần dài, để lộ những cơ thịt rắn đanh, xoắn bện nhưng đôi mắt lại đang thoang thoảng mang cái buồn bâng quơ của một tâm hồn đa cảm...”[44,tr.12]. Hình ảnh đôi mắt “mang cái buồn bâng quơ của một tâm hồn đa cảm” chính là “cửa sổ” của tâm hồn một nghệ sĩ sau này sẽ để lại bản giao hưởng “Mưa đỏ”. Có thể nói nhà văn đã dành những tình cảm yêu quý, sự kính phục khi miêu tả vẻ

81

đẹp ngoại hình của nhân vật chính diện. Qua việc miêu tả như vậy, tác giả vừa thể hiện sự khẳng định ngợi ca vẻ đẹp, sức mạnh của con người Việt Nam vừa thể hiện sự tri ân những con người đã dành cả tuổi trẻ cho độc lập tự do ngày hôm nay.

Hình tượng các nữ nhân vật chính diện cũng được nhà văn dành cho những tình cảm yêu quý và ngợi ca. Đây là Hơ’Krol “dáng cô mềm mại, căng tràn sức sống làm mềm cả rừng chiều”, “nước da màu ô liu khỏe mạnh”[43,tr.150-152], “đẹp như một nữ thần rừng kiêu hãnh và siêu thoát”[43,tr.162]. Hơ’Krol vừa mang vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ của những cô gái, những phụ nữ Miền Nam chống Mỹ(như chị Út Tịch, chị Sứ...) lại vừa mang vẻ đẹp nữ tính riêng có của phụ nữ Tây Nguyên đã vang vọng trong những trường ca Đăm Săn, Xinh Nhã từ thuở xưa – vẻ đẹp của những con người sinh ra là để gánh vác, để chống chọi với những gian nguy khốc liệt. Còn Hồng trong Mưa đỏ

lại hiện lên với những vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại thậm chí mỏng manh “...một nữ sinh vận áo dài trắng, tóc vén cao, khuôn mặt thanh thoát, sáng trắng, đôi mắt hơi xếch, đen huyền đẹp đến nao lòng..”[44,tr.54], “Dáng cô mềm mại, nghiêng nghiêng như đi ra từ huyền thoại. Thỉnh thoảng ánh lửa pháo trát lên người tạo cho cô một nét đẹp kiêu hãnh, mỏng manh”[44,tr.71]. Đặt trong cái khốc liệt ghê gớm của cuộc chiến Thành cổ, vẻ đẹp ấy có gì như ngậm ngùi xa xót, liệu rằng cái đẹp mỏng manh ấy có vượt qua được cái vô cùng của sự tàn phá, sự hủy diệt? Nhưng nhìn vào khuôn mặt và đôi mắt thông minh cương nghị đó, ta tin vào sự bất tử của cái đẹp trước cái ác.

Bên cạnh hệ thống nhân vật chính diện, hệ thống nhân vật phản diện hay “lưỡng diện” cũng được nhà văn dành nhiều sự quan tâm chăm chút về ngoại hình. Đa số các nhân vật phía bên kia được phác họa theo công thức “trông mặt mà bắt hình dong” của tiểu thuyết sử thi truyền thống, tức là ngoại hình gớm ghiếc tương ứng với tính cách ác độc. Đó là trường hợp của hai viên toán phó hắc báo Phạm Đỉnh “có cái nhìn rất gian và đục”[43,tr.148], còn Phan Thái được miêu tả: “Em không biết nói sao nhưng mỗi lần con mắt ông ấy nhìn anh từ phía sau, khác lạ lắm, như cái nhìn của con rắn”[44,tr.171] chỉ bằng một chi tiết(đôi mắt) nhà văn đã lột tả tính chất thâm hiểm, ác độc của của hai gã sĩ quan tay sai trung thành với CIA. Tuy vậy, có một điều thú vị mà tiểu thuyết sử thi Việt Nam hiện đại 1945 – 1975 không thể có là một số nhân vật phía bên kia ngoại hình được miêu tả khá đẹp. Đây là trường hợp của Phạm Ngọc Tuấn“khuôn mặt gầy, đẹp khắc khổ...tóc bồng bềnh, khuôn mặt lạnh, đuôi mắt ánh lên một nét lì lợm”[43,tr.22]

82

“mái tóc khá đẹp(...) nhìn hắn giờ đây giống một thi nhân hơn là một võ tướng”[43,tr.45], Tuấn rõ ràng mang dáng vẻ của một tướng lĩnh trí thức. Và đây là Quang một “thiếu úy dù khá bảnh trai, mắt sáng, nước da ngăm đen, khuôn mặt lạnh hiện rõ vẻ phớt đời”[44,tr.31] vẻ đẹp của một quân nhân có bản lĩnh, thông minh từng trải. Điều gì khiến Chu Lai lại nhìn kẻ thù bằng đôi mắt thân thiện như vậy? Câu trả lời chính là cái nhìn, sự đánh giá toàn diện, công bằng hơn về chiến tranh và kẻ thù. Có một nhân vật theo chúng tôi có thể xếp vào loại nhân vật “lưỡng diện” đó là Sen trong Mưa đỏ cũng được nhà văn dùng ngoại hình để dự báo tính cách “..sao em thấy con mắt của anh ấy có cái gì lành lạnh lạ lắm, lạnh cả khi nhìn vào xác chết của bên này lẫn bên kia...”[44,tr.119] chi tiết này đã dự báo hành động hèn nhát(giả điên) của Sen sau đó.

Nhìn chung khi miêu tả ngoại hình nhân vật, Chu Lai vẫn tương đối trung thành với thi pháp sử thi – ngoại hình thống nhất với tính cách. Tuy vậy nhà văn đã có cái nhìn công bằng hơn về kẻ thù. Cái mới trong miêu tả ngoại hình nhân vật của Chu Lai là cá thể hóa nhân vật bằng những chi tiết nghệ thuật đắt giá để thể hiện sự sáng tạo độc đáo của mình. Đúng như tác giả Phan Thị Thanh Trúc đã nhận xét

“Dường như qua đôi mắt, Chu Lai đã lột tả được toàn bộ tính cách và thần thái nhân vật”[77, tr.79].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 86 - 88)