7. Đóng góp của luận văn
3.1.2. Sử dụng một số thủ pháp kỹ thuật của điện ảnh trong hai tiểu thuyết
Thứ nhất là kỹ thuật sắp xếp, dàn dựng các cảnh giống như một cảnh phim. Đọc hai tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng và Mưa đỏ, ta nhận thấy các cảnh đều được bài trí như những cảnh phim với đầy đủ những yếu tố(không gian, thời gian, âm thanh, hình ảnh, màu sắc, hoạt động, nhân vật với tâm trạng bên trong cũng như nét mặt) khiến người đọc như được xem trực tiếp trên màn ảnh. Chúng ta có thể điểm qua một vài cảnh để thấy được điều đó. Cảnh hai trong Mưa đỏ(từ tr.22 - 28): “Tây Nguyên tháng ba”(không gian và thời gian); tiếng suối, tiếng cồng, tiếng máy bay(âm thanh); những đàn ong đi lấy mật, những mái nhà Rông, chiếc trực thăng, những con lộ 7, 4, 19, 21...(hình ảnh); bay thị sát chiến trường của tướng Tuấn và những sĩ quan cao cấp của Ngụy quân(hoạt động); nhân vật xuất hiện với những dáng vẻ thể hiện rõ tính cách: Tuấn Tư lệnh vùng 2 với vẻ mặt “gầy, khắc khổ”, Cẩn tham mưu trưởng “cứng nhắc trong bộ võ phục rằn ri”, Thuận tỉnh trưởng Đắc Lắc “vẻ tay chơi, béo tốt”, Quảng sư trưởng sư 23 “vẻ mặt thư sinh nhưng xanh xao ma quái”... đọc cảnh này người đọc như được xem một thước phim với khuôn hình gồm một chiếc trực thăng mang trong mình những viên tướng lĩnh Ngụy đang lơ lửng trên bầu trời Tây Nguyên hòng tìm ra câu trả lời về mục tiêu mở màn chiến dịch của quân giải phóng. Đây là cảnh 2 chương 18(tr.184 - 186) trong Mưa đỏ: Bến Vượt về đêm(không gian, thời gian); tiếng đạn pháo nổ rung trời nghiêng đất, tiếng hò hét của người chỉ huy Thành(âm thanh); những chiếc cáng thương binh, xác người, xác thuyền bập bềnh trôi trên dòng sông ngầu đỏ(hình ảnh, màu sắc); chuyển thương binh qua sông(hành động); trên bờ tiểu đội trưởng Thành đang ổn định cho thương binh qua sông, dưới nước một người lính đang ngụp lặn mò tìm hai đầu dây thông tin bị đứt để nối lại bằng việc cắn hai đầu dây lại với nhau rồi hi sinh trong tư thế kiêu hùng(nhân vật). Đây quả thực là một cảnh phim về chiến tranh với đầy đủ sự khốc liệt, sự mất mát cũng như sự kiên cường của người lính cách mạng.
Thứ hai nhà văn đã sử dụng hệ thống câu văn mở đầu các chương, các cảnh trong một chương có tác dụng như lời dẫn chuyển cảnh trong trong kịch bản điện ảnh. Một trong những yếu tố của một kịch bản sân khấu hay điện ảnh là nhà biên kịch phải sử
75
dụng hệ thống từ nối hay là cách chuyển cảnh khi bắt đầu một cảnh mới(thuật ngữ này được gọi là Transition). Khảo sát hai tiểu thuyết của Chu Lai, chúng tôi nhận thấy tác giả đã sử dụng một loạt những câu văn mở đầu các chương giống như những câu chuyển cảnh để bạn đọc dễ theo dõi diễn biến của câu chuyện. Trong Khúc bi tráng cuối cùng
và Mưa đỏ tác giả sử dụng một hệ thống những câu mang tính chất định danh để chuyển cảnh: “Cũng mùa này, xuôi về phương Nam chừng hai ngàn cây số đất trời lại oi nồng quá thể! Sài Gòn”[43,tr.8]. “Tây Nguyên tháng ba”[43,tr.22]. “Hà Nội”[43,tr.28].
“Plei Ku. Chiều muộn”[43,tr.33]. “Đêm rừng sâu thăm thẳm”[43,tr.47]. “Plei Ku, phố núi lúc này cũng cùng một cảnh yên bình như thế”[43,tr.65]. “Trong tất cả các cánh rừng, trên tất cả các hướng chiến dịch, một trận địa nghi binh liên hoàn bắt đầu được âm thầm hình thành”[43,tr.76]... “Hà Nội chiều cuối đông”[44,tr.12]. “Cường về nhà vào lúc trời đã khuya”[44,tr.25]. “Huế. Vẫn mưa”[44,tr.45]. “Từ trên một điểm cao kín đáo có nhiều khóm lá bao quanh, chiếc ống nhòm của Tư lệnh mặt trận Lê Trọng lia chầm chậm một vòng xuống các cảnh vật phía dưới”[44,tr.50]. “Thành Cổ. Trời còn tinh mơ nhưng qua màn sương đục lờ, cả khu Thành Cổ đã nhờn nhợt hiện lên trước con mắt mang tính nghề nghiệp của chàng sinh viên Bình vẩu”[44,tr.77]... Những câu văn vừa giới thiệu được không gian diễn biến tiếp theo của câu chuyện đồng thời cũng giống như những chỉ dẫn cho nhà đạo diễn về việc bố trí, sắp xếp cảnh quay cho hơp lí. Hai thủ pháp kỹ thuật của điện ảnh này được Chu Lai sử dụng khá thành công trong hai tiểu thuyết khiến cho tác phẩm của ông có bóng dáng gần gũi với kịch bản điện ảnh.