Nghệ thuật miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 88 - 93)

7. Đóng góp của luận văn

3.2.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật

Thế giới nội tâm của con người vô cùng phức tạp nhưng nó là cái đích mà văn học hướng tới để khám phá và phản ánh. Những nhà văn lớn là những người có biệt tài diễn tả cái thế giới tinh vi và phức tạp ấy một cách sống động đến mức như hiện hình trước mắt người đọc. Có thể kể đến những nhà văn như thế ở nước ta như Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Bảo Ninh... và Chu Lai cũng được xem là một trong số những nhà văn tài năng trong việc khám phá và phô diễn thế giới nội tâm con người. Khảo sát hai tiểu thuyết của Chu Lai, chúng tôi nhận thấy tác giả sử dụng một số thủ pháp sau đây để miêu tả thế giới nội tâm nhân vật.

Thứ nhất miêu tả trực tiếp thế giới nội tâm bằng lời gián tiếp(lời người kể chuyện). Thủ pháp này đòi hỏi nhà văn phải thực sự là một nhà tâm lí, một người có vốn sống dày dặn. Thế giới nội tâm của những nhân vật trong Khúc bi tráng cuối cùng

83

đủ tính cách, phẩm chất mang tính điển hình cho từng đối tượng. Dưới đây là hai trường hợp theo chúng tôi là tiêu biểu hơn cả.

Để diễn tả tâm trạng chán chường, tuyệt vọng, nhục nhã của viên tướng tư lệnh vùng 2 Tây Nguyên(Phạm Ngọc Tuấn) trước cảnh thất trận và chứng kiến binh lính của mình tháo chạy, chấn cướp, hãm hiếp dân thường trên đường rút chạy, nhà văn như hóa thân vào nhân vật để viết ra những dòng tâm trạng:“Chúng đã làm ông cay đắng tận đáy lòng. Chao ôi chả lẽ vì những thằng người ghê tởm kia mà mình đã định đánh đổi cả cuộc đời ư? Nhưng họ có cần mình đánh đổi không hay lại như sáng nay, một thượng sĩ sắp chết đã độp thẳng vào mặt ông khi nhận ra ông: “Ông trả lời đi, ai, kẻ nào, những bọn nào đã đẩy chúng tôi đến bước đường thân tàn ma dại, đến cái chết tủi nhục này?” Ông đã không trả lời, không dám trả lời và chui vào sau một gờ đá quyết định tháo bỏ chiếc áo quân phục.”[43,tr.291]. Một loạt những câu hỏi tự vấn và bị vấn đã lột tả tâm trạng tuyệt vọng, chán chường đến cực độ của viên tướng thất trận. Nhưng rõ ràng đây là một quân nhân biết tự trọng, có ý thức trách nhiệm chứ không đơn thuần chỉ là những tên đao phủ hung ác, khi thất bại chỉ biết trốn chạy một cách hèn nhát như chúng ta thường gặp ở nhiều hình tượng trong tiểu thuyết thời kì trước.

Để viết về những giằng xé giữa sống và chết, về sự đấu tranh tư tưởng của Cường sau những ngày ác liệt và sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với những ngày còn ác liệt thậm chí khủng khiếp hơn, nhà văn cũng trực tiếp miêu tả:“Sống nặng nề, chết mong manh, như trò đùa. Chả lẽ chiến tranh chỉ gói gọn trong cái định nghĩa khô cằn là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình ư? Anh hiểu, trước sau gì rồi cái chết cũng tìm đến anh, nhưng nó đến lúc nào, đến ra sao, đêm hay ngày, chóng vánh hay nhọc nhằn, đau đớn hay nhẹ bẫng cũng chưa liệu được và anh cũng đã sẵn sàng đón nhận nó như bạn bè đồng đội thứ tự từng người đã đón nhận”[44,tr.162]. Đoạn văn cũng sử dụng kết hợp câu trần thuật và câu hỏi tu từ khiến tâm lí nhân vật thể hiện rất rõ nỗi ám ảnh về cái chết nhưng sẵn sàng đón nhận như một lẽ tự nhiên của chiến tranh. Qua đó, hình ảnh người lính hiện lên chân thực hơn, gần gũi hơn – người anh hùng cũng không thoát khỏi những phút giây sợ sệt, hoang mang nhưng họ đã biết vượt qua để thành anh hùng.

84

Thứ hai, miêu tả nội tâm nhân vật gián tiếp bằng lời nửa trực tiếp(qua đánh giá, nhận xét của nhân vật khác). Thủ pháp nghệ thuật này có tác dụng tạo được tính khách quan từ cái nhìn bên ngoài chứ không phải là sự đánh giá mang tính áp đặt của người kể chuyện.

Nhân vật Phạm Ngọc Tuấn trong Khúc bi tráng cuối cùng là một nhân vật phản diện nhưng được Chu Lai dành nhiều ưu ái nghệ thuật, trong tâm thế tôn trọng đối thủ cùng cách nhìn thực tế hơn rằng “kẻ thù của chúng ta không hèn và ngu như chúng ta tưởng”. Bởi vậy mà theo chúng tôi đây là nhân vật phản diện thành công hơn cả của Chu Lai. Để khắc họa một viên tướng đối phương với đặc điểm có bản lĩnh, thông minh có tài thao lược, dám sống và chết vì lí tưởng, đời sống nội tâm phức tạp... Ngoài việc miêu tả trực tiếp về những phán đoán có căn cứ, những lời lẽ sắc sảo cùng những dằng xé nội tâm của nhân vật này tác giả còn để cho những nhân vật khác nhìn nhận và đánh giá về ông ta. Nhân vật Hùng đã cảm phục về tài năng, tính cách của Tuấn “...có một điều hắn bỗng cảm thấy vì nể và thích thú, đó là tính chịu chơi ăn thua đủ với kẻ thù, năng lực cầm quân khá thông tuệ và tính cách ngang tàng, độc lập không chịu luồn cúi trước bất cứ ai, trước bất cứ thế lực nào, kể cả tổng thống hay người Mỹ của ông ta”[43,tr.94]. Đây là nhận xét của đại tá Thanh – một chiến sĩ tình báo của ta về Tuấn“nếu trong quân đội Sài Gòn ai cũng được như hắn, giống hắn thì mọi chuyện còn chưa biết thế nào”[43,tr.264]. Và đây là đánh giá của già Y’Blim “Tên này tinh khôn quá cáo, hơn hẳn bọn kia một cái đầu nhưng lại rất khó hiểu. Ghét Mỹ, không phục Thiệu nhưng cũng rất hận thù với ta”[43,tr.120]. Với Dung thì Tuấn là người có “thế giới nội tâm quá phức tạp”[43,tr.74] và “Nếu bỏ qua mọi chính kiến, chính trị thì rút cuộc lại cũng chỉ là một người đàn ông đáng thương cả đời khắc khoải về một mối tình vô vọng”[43,tr.141]. Với những đánh giá của cả phía ta lẫn phía địch như thế chứng tỏ Tuấn là một viên tướng có tài, có tính cách ngay thẳng và cũng có một đời sống tâm hồn phức tạp cùng những giằng xé đớn đau của một mối tình vô vọng... xét cho cùng ông ta cũng là một nhân cách đáng được tôn trọng(nhà văn đã không ít lần dùng đại từ nhân xưng “ông”, “ông ta” để gọi Tuấn) chỉ tiếc là ông ta đi ngược lại với quyền lợi chung của dân tộc.

Cường trong Mưa đỏ là một chiến sĩ anh hùng. Cường đã vượt qua những sợ hãi ban đầu để dần hòa nhập và thích nghi với cuộc chiến khốc liệt. Tuy nhiên ở nhân vật

85

này, người đọc nhận thấy những diễn biến nội tâm rất phức tạp. Cường đau đớn, xót xa khi chứng kiến đồng đội hi sinh trong những tư thế kinh dị, nhưng anh cũng chẳng vui vẻ gì khi tiêu diệt được kẻ thù. Sau trận đánh trong ngày thứ hai mươi lăm, được tiểu đội biểu dương anh đã nghĩ :“Biểu dương ư? Biểu dương cái gì ấy nhỉ? Biểu dương vì đã biết dùng kĩ xảo giết được nhiều kẻ thù ư?”[44,tr.123] những câu hỏi nhằm truy xuất ý nghĩa của cuộc chiến thật day dứt. Sen đã nhận xét về tâm trạng của Cường “Tôi còn đọc được trong mắt đồng chí ấy một câu hỏi: “Những hình hài kia có đúng là cần phải tận diệt khi chúng chỉ là phương tiện, là bia đỡ đạn cho một thế lực thâm độc khác đứng đằng sau?””[44,tr.99] đây đúng là nhận định khá tinh tế về suy nghĩ và tâm trạng của Cường một chiến sĩ – nghệ sĩ, Cường quả là người lính có trái tim đa cảm. Cũng vì thế mà Cường đã tha chết cho một tên hắc báo trong trận đánh của ngày thứ ba mươi. Việc đó có thể bị đánh giá là “mơ hồ địch ta” nhưng rõ ràng nó khẳng định vẻ đẹp nhân bản của người chiến sĩ cách mạng, họ đâu phải là những cỗ máy chỉ biết chém giết với lòng căm thù ngùn ngụt? Hành động ấy đã khiến trung úy Quang toán trưởng hắc báo của Ngụy quân phải trăn trở và nhìn nhận khác về đối phương qua Đặng Cường “Cấp trên đã không ít lần ra rả nói rằng, quân đội Cộng sản thực chất không phải đánh cho chính họ(...) nhưng hắn chưa tin, không tin. Nếu chỉ là như thế thì họ, như cái tay Việt Cộng đẹp như tượng kia, chắc chắn không thể có cái khí phách siêu phàm như vậy(...) Không tìm thấy sự khát máu vằn lên trong ánh mắt(...). Ở vào trường hợp hắn, liệu hắn có đủ nhân đạo để tha cho một thằng vừa chơi một đường lê tứa máu vào thân thể mình không? Không! Chắc là không rồi. (...) Một chút tò mò và vì nể vằn lên trong cái đầu đặc sệt những suy tưởng cực đoan và miệt thị đối phương của hắn”[44,tr.166-167]. Những suy nghĩ về đối phương với sự trân trọng như thế của Quang, không chỉ giúp người đọc hình dung rõ hơn về vẻ đẹp trong tâm hồn Cường, mà còn giúp chúng ta cảm nhận được tâm trạng có phần hoang mang trước cuộc chiến của một bộ phận không nhỏ những sĩ quan Ngụy có năng lực như Quang.

Miêu tả nhân vật một cách gián tiếp qua nhân vật khác đã khiến các hình tượng trong sáng tác của Chu Lai hiện lên sống động, chân thực và gần gũi hơn. Đặc biệt với cách nhìn công bằng hơn về những con người phía bên kia cũng thể hiện sự “phá vỡ” thi pháp sử thi trong nghệ thuật miêu tả nhân vật.

86

Thứ ba, nhân vật được tô đậm qua những thử thách. Đứng trước những thử thách, con người ta thường bộc lộ rõ nhất bản chất mà thông thường người khác khó nhận ra. Vì vậy, để khắc họa đầy đủ thế giới nội tâm nhân vật, các nhà văn thường đặt nhân vật của mình vào những tình huống thử thách(Nguyễn Minh Châu gọi đó là “thứ nước rửa ảnh” làm hiện hình rõ nét con người). Trong các sáng tác của mình, Chu Lai cũng thường đặt nhân vật vào những tình huống như thế, chẳng hạn Linh(Nắng đồng bằng) sẵn sàng bỏ qua sự “cám dỗ” của một cuộc sống yên lành, nhàn hạ trong đoàn kịch để vào chiến trường, Ba Sương(Ăn mày dĩ vãng) đứng trước sự chọn lựa quá khứ và hiện tại... Trong

Khúc bi tráng cuối cùng Mưa đỏ, nhân vật cũng được đặt trong những thử thách. Chúng tôi tạm chia thành hai loại thử thách là thử thách mang tính cá nhânthử thách mang tính lịch sử - xã hội.

Thử thách mang tính cá nhân thường liên quan trực tiếp đến cá nhân cụ thể và việc giải quyết nó cũng do cá nhân tự quyết định. Trong hai tác phẩm Khúc bi tráng cuối cùng Mưa đỏ chúng tôi nhận thấy tác giả đã đưa nhân vật vào thử thách này để khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của những người trai trẻ thời chống Mỹ. Nhân vật Oánh trong Khúc bi tráng cuối cùng, đứng trước thử thách đầy “quyến rũ” – cơ hội đi du học nước ngoài. Oánh xứng đáng được hưởng niềm hạnh phúc đó bởi cha mẹ đẻ anh là những liệt sĩ chống Pháp, bố nuôi lại đang trực tiếp chống Mỹ và bản thân học giỏi. Nhưng Oánh đã khước từ với lí do “Học sau cũng được, bố. Đánh giặc chỉ có một lần, học thì còn nhiều dịp, bố để con đi nhé! Vả lại, con nói điều này xin bố đừng giận, nếu sau này có đi thì con cũng không muốn đi bằng uy tín của bố và bằng lí lịch của gia đình”[43,tr.127]. Còn Đặng Cường trong Mưa đỏ lại đứng trước những thử thách còn “quyến rũ” hơn. Nếu ở lại, Cường có tất cả: du học ở một nhạc viện danh tiếng để có một sự nghiệp tươi sáng đúng với đam mê, có người yêu bên cạnh... Nhưng Cường vẫn chọn cho mình con đường “đi đến cái nơi mà thằng con trai nào lúc này cũng nên đến”[44,tr.14] để “...được thử thách, nói chính xác hơn là được hòa chung với mọi người khi đất nước có giặc, ở lại hay đi đâu cũng cảm thấy lòng dạ không yên”[44,tr.139]. Vào mặt trận Thành Cổ, Cường còn khước từ đề nghị làm một công việc nhàn hạ, ít hiểm nguy(làm họa sĩ tuyên truyền ở ban tuyên huấn mặt trận) trước lời đề nghị của Tư lệnh. Rồi tiếp tục từ chối cơ hội được ra Bắc dưỡng thương và đi học. Những thử thách này rõ ràng là những cơ hội “trong mơ” của nhiều người nhưng Oánh, Cường đã chọn con đường gian nan, hiểm

87

nguy để được gánh vác với sự nghiệp chung. Lí do dẫn tới hành động của họ có gì khác ngoài vẻ đẹp của nhân cách, của ý thức trách nhiệm trước Tổ quốc, lòng tự trọng trước bao bạn bè đã, đang và sẽ vào chiến trường chiến đấu cho đến khi không còn tiếng súng?

Nếu như những thử thách mang tính cá nhân nâng cao vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng thì những thử thách mang tính lịch sử - xã hội lại khẳng định bản lĩnh kiên cường của họ. Thử thách lịch sử - xã hội là những thử thách mang tính cộng đồng nó liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, loại thử thách này thường rất khốc liệt, liên quan tức thì đến sự sống và cái chết.

Trong Khúc bi tráng cuối cùng, Khi Y’Tac bị bắt, bị tra tấn nhưng anh không để lộ một chút thông tin nào về chiến dịch, Oánh có thể ra lệnh cho tiểu đội nổ súng để giải cứu Y’Tac. Nhưng anh đã “tuyệt vọng, đau đớn”[43,tr.174] chứng kiến sự hi sinh của đồng đội, sẵn sàng ra pháp trường với lí do vì sự sống còn của trăm ngàn đồng đội khác, vì sự bí mật của chiến dịch. Thử thách này cũng là một trong không ít cảnh huống éo le nhưng có thật trong chiến tranh. Nếu người chiến sĩ chỉ biết hành động theo cảm tính thì chiến thắng đã khó đến với chúng ta.

Ở cả hai tiểu thuyết, nhà văn đã xây dựng hai thử thách giống nhau và cách vượt qua của các nhân vật cũng hoàn toàn giống nhau. Đó là Vinh(Khúc bi tráng cuối cùng) và Hải Gù(Mưa đỏ) đều bị bắt, bị dụ dỗ bằng mạng sống và tiền bạc với yêu cầu đơn giản - nói lên loa những lời tuyên truyền theo ý kẻ thù, nhưng cả hai đã khước từ cơ hội được sống mà kêu gọi đồng đội tiếp tục chiến đấu. Hai anh đã thành những ngọn đuốc sống để cháy mãi ngọn lửa căm thù thôi thúc, soi rọi cho đồng đội chiến đấu và chiến thắng. Điều gì đã khiến họ coi cái chết nhẹ như hơi thở? Đó không chỉ là lòng yêu nước, sự cảm tử mà còn là một bản lĩnh cứng cỏi, một ý chí không gì lay chuyển trong lí tưởng cách mạng của những người anh hùng liệt sĩ ấy.

Vượt qua những thử thách khắc nghiệt như thế, hình tượng những người bộ đội Cụ Hồ đã toát lên đầy đủ vẻ đẹp của nhân cách, của bản lĩnh và tâm hồn Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng sử thi trong tiểu thuyết của chu lai (qua hai tác phẩm khúc bi tráng cuối cùng và mưa đỏ)​ (Trang 88 - 93)