Khái niệm Giá trị của làng nghề truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống ở huyện phú xuyên, thành phố hà nội trong giai đoạn hiện nay​ (Trang 25 - 28)

Giá trị làng nghề truyền thống là sự đánh giá mang tính cộng đồng đối với những hiện tượng, sản phẩm văn hóa do con người tạo ra trong bối cảnh xã hội nhất định. Những giá trị đó được coi là tốt đẹp, là có ích, đáp ứng nhu cầu của con người trong mọi thời đại. Một khi những giá trị đó hình thành và được định hình thì nó có tác dụng chi phối những nhận thức, quan niệm, hành vi, tình cảm của con người trong mỗi cộng đồng ấy.

Giá trị làng nghề truyền thống về thực chất là sự khẳng định của con người đối với sự tồn tại vật chất và tinh thần trong đời sống xã hội, quan hệ, trật tự của mình, hành vi, thái độ của mình, khích lệ con người sống và phát triển theo thang giá trị mà cộng đồng xã hội tôn vinh.

Giá trị làng nghề truyền thống bao gồm những giá trị về kinh tế, lịch sử và văn hóa- xã hội.

Nước ta với một nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, do đặc thù hoạt động theo mùa vụ nên đã tạo ra khoảng thời gian nông nhàn cho những người nông dân. Do nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cần có các vật dụng cho nên những người nông dân đã sử dụng thời gian nông nhàn của mình để làm ra các sản phẩm. Lúc đầu nó chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của chính bản thân họ. Sau đó, nó được đem đi trao đổi, buôn bán. Dần dần, hoạt động trao đổi tăng và có nhiều trường hợp đưa lại nguồn lợi nhiều hơn so với nghề làm nông nghiệp. Việc sản xuất những sản phẩm dần được phát triển và chuyên môn hóa. Xuất hiện những làng có thu nhập từ nghề thủ công chiếm tỷ trọng cao hơn nghề nông nghiệp. Thông qua đó thu nhập của những người nông dân ở địa phương đồng thời là thợ thủ công của những làng này trội hơn của những người nông dân ở những làng thuần nông. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người thợ thủ công thoát ly khỏi nghề làm nông nghiệp. Những sản phẩm nông nghiệp luôn là sự đảm bảo, ổn định cần thiết cho họ.

Từ sự tăng trưởng kinh tế làng nghề đã tạo điều kiện cho cộng đồng cư dân có điều kiện xây dựng những công trình tín ngưỡng, tôn giáo quy mô lớn, có giá trị nghệ thuật cao và trong các làng nghề, cùng với việc hình thành đội ngũ thợ thủ công sản xuất tại chỗ cũng xuất hiện những nhóm người đi ra ngoài buôn bán và hành nghề ở xa. Đã hình thành nên những hội, phường buôn. Cho dù buôn đâu, bán đâu, những người này vẫn có những mối liên hệ chặt chẽ với những người làng. Họ xây những nơi thờ vọng Tổ nghề ngay tại nơi sinh sống, buôn bán hàng ngày và bên cạnh đó, họ cũng đóng góp nhiều cho việc xây dựng các công trình công cộng, hỗ trợ tổ chức các hoạt động cộng đồng tại làng. Những lễ hội được tổ chức rầm rộ hơn, dài ngày hơn, nhiều hoạt động hơn. Các sinh hoạt mang tính cộng đồng đa dạng và phong phú này không chỉ thắt chặt mối quan hệ giữa dân làng với những người đi buôn, bán ở xa mà còn giúp cho người dân trong làng liên kết chặt chẽ hơn. Ngoài đặc trưng chung của làng là nơi cộng cảm, cộng cư, trong làng nghề thủ công truyền thống còn là nơi cộng nghề (nơi của những người cùng làm chung nghề). Những người thợ thủ công liên kết với nhau qua các phường, hội. Họ liên kết lại, ngoài việc cùng chia sẻ các công việc liên quan đến nghề thì đó cũng là một sự hợp lực quan trọng, cần thiết và hữu ích để tạo nên sức mạnh chung của làng nghề. Các tổ chức này cũng chính là nơi để giải quyết những mối bất hòa, xung đột trong quá trình cùng làm nghề, buôn bán. Việc hình thành các tổ chức như phường hội cũng góp phần vào việc củng cố, ổn định các mối quan hệ làng xã góp phần vào việc tạo ra sức mạnh tập thể. Đó là tiền đề quan trọng để các thành viên dễ ràng giải quyết những vấn đề tập thể có liên quan tới lợi ích của cả cộng đồng, từng hộ kinh tế gia đình và các thành viên.

Văn hóa làng nghề chính là hệ thống những giá trị hình thành qua bao đời trong toàn bộ các hoạt động đó, và đến lượt mình, nó cũng chính là công cụ, là phương tiện tổ chức và duy trì toàn bộ các hoạt động này. Nó đi vào ký ức người Việt Nam bằng hàng loạt những giá trị vật chất và tinh thần rất gần gũi. Thế giới đầy mầu sắc của văn hóa làng được quy ước thành lệ làng đúc kết trong hương ước làng, bộc lộ một cách phong phú qua hội làng. Tất cả chắt lọc lại, tạo nên bản sắc

văn hóa làng, mà trong đó tính cộng đồng làng và tính tự trị của làng là những giá trị nổi trội nhất. Bên cạnh đó còn là các phẩm chất quan trọng khác như: tính ưa hài hòa, khuynh hướng thiên về âm tính (mà tính trọng tình, hay tình làng là một biểu hiện của nó), tính tổng hợp và tính linh hoạt.

Đến nay đã trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, văn hóa làng Việt đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình và sau lũy tre làng, bên giếng làng, dưới mái đình làng, trong bầu không khí thân thương của những ngày hội làng, mọi người sống với nhau nặng tình nặng nghĩa, giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn. Quan hệ láng giềng ràng buộc con người trong nếp sống làng, xã có kỷ cương, trong sáng và thanh cao.

Văn hoá làng được sản sinh từ các làng tụ cư cổ truyền ở nông thôn của người Việt. Từ khi xuất hiện làng của người Việt cổ cũng là lúc xuất hiện văn hoá làng, bởi vì văn hoá là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần, cộng đồng dân cư sáng tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển. Đó là những phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống, tín ngưỡng, tôn giáo, ma chay, cưới xin …

Thứ hai là văn hóa làng nghề, Trong cuốn “Từ điển Bách khoa Văn hoá học”của A.A.Radugin xuất bản vào những năm 90 của thế kỷ XX có định nghĩa về thủ công mỹ nghệ dân gian như sau: “Thủ công mỹ nghệ dân gian là một bộ phận quan trọng của nền văn hoá dân gian, dựa trên sáng tạo tập thể phát triển truyền thống văn hoá tại địa phương” [1, tr.521]. Trong công trình “Văn hoá dân gian trong các nghề”của tác giả Robert MsCart đăng trong tác phẩm “Một số thuật ngữ đương đại”của hai tác giả Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan đã nêu ra quan niệm về nghề thủ công: “Các khía cạnh biểu cảm của nơi làm việc với sự chú trọng đến đặc biệt đến các chuyện kể, kĩ xảo và nghi lễ được biết đến bằng cách không chính thức và được trao truyền từ thế hệ người lao động này đến thế hệ người lao động khác…” [20, tr.393].

Nghề thủ công Việt Nam gắn liền với làng xã nên việc định dạng thuật ngữ làng nghề là điều tất yếu. Văn hoá làng nghề bao gồm văn hoá làng và văn hoá nghề trong đó văn hoá làng, là nền tảng còn văn hoá nghề được coi là nhân tố quyết định

cho sự hình thành nên đặc trưng của văn hoá làng nghề. Các yếu tố cấu thành văn hoá làng gồm: Cơ cấu tổ chức, diện mạo làng xã… văn hoá vật thể gồm: đình, đền, miếu, chùa, nhà thờ họ, nhà ở; văn hoá phi vật thể: luật tục, phong tục tập quán, ứng xử giữa xóm làng, lễ hội, tín ngưỡng dân gian…Các yếu tố cấu thành văn hoá nghề: thợ thủ công đặt trong mối quan hệ với nghề nghiệp với làng xóm, gia đình, dòng họ…; phường hội nghề, bí quyết và quy trình nghề, tín ngưỡng thờ tổ nghề, tập tục riêng biệt của tổ nghề.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống ở huyện phú xuyên, thành phố hà nội trong giai đoạn hiện nay​ (Trang 25 - 28)