Thực trạng các giá trị lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống ở huyện phú xuyên, thành phố hà nội trong giai đoạn hiện nay​ (Trang 50 - 52)

“Huyện Phú Xuyên thành phố Hà Nội, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và anh hùng. Đây là một địa phương có truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng, ở đó còn lưu giữ được nhiều di tích từ thời kỳ tiền - sơ sử đến các di tích của các thời lịch sử sau này. Theo danh mục các di tích đã xếp hạng của tỉnh Hà Tây (cũ) và của thành phố Hà Nội, tính đến tháng 12/2015, toàn huyện có 413 DTLSVH với các loại di tích đa dạng như: Đình, chùa, đền, miếu, cổng làng, văn chỉ, quán, di tích cách mạng, nhà thờ danh nhân, nhà thờ đạo Thiên Chúa giáo…. Trong đó có 112 di tích đã được xếp hạng, với 38 di tích cấp quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh/thành phố, các di tích còn lại đang tiếp tục làm hồ sơ đề nghị các cấp khảo cứu xếp hạng. Về loại hình di tích ở xã/phường có 03 loại hình: Di tích khảo cổ học, di tích lịch sử và di tích kiến trúc nghệ thuật.”

“Về phương diện văn hóa phi vật thể, Phú Xuyên còn lưu giữ được những giá trị như "Hò Cửa Đình và múa hát Bài Bông”ở làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung); Nghề nặn Tò he ở thôn Xuân La (xã Phượng Dực) và hát Ca Trù ở thôn Chanh Thôn (xã Văn Nhân). Phú Xuyên còn có các làng nghề truyền thống như: Khảm trai - Sơn mài xã Chuyên Mỹ, nghề Giầy da - xã Phú Yên, nghề đan Cỏ tế - xã Phú Túc, nghề mộc ở xã Tân Dân, xã Văn Nhân, nghề may mặc (may Complet) ở xã Vân Từ... Các lễ hội cổ truyền nổi tiếng như: Hội vật lầu (Thị trấn Phú Xuyên), hội đánh gậy ở Thượng Liễu (xã Tân Dân), Hội chạy lợn ở Trại Diền (xã Hồng Thái), Hội rước nước ở Cát Bi (xã Thụy Phú)... Theo điều tra của BQL DT&DT thành phố Hà

Nội năm 2014 cho biết, tính đến nay ở Phú Xuyên đã có 94 DSVH phi vật thể tại các làng, khu dân cư được thành phố công nhận. Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu như vậy vấn đề bảo tồn và phát huy đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho các nhà quản lý.”

“Trong thời gian qua, công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa (DT LSVH) tại huyện Phú Xuyên đã được các cấp và các ngành quan tâm và đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc: Nhiều di tích xuống cấp trầm trọng như: Đình Đa Chất xã Đại Xuyên, đình Cổ Chế xã Phúc Tiến…, trong khi đó nguồn kinh phí nhà nước cũng như tại cơ sở các địa phương còn rất hạn hẹp, chế độ cho người trông coi trực tiếp tại di tích chưa có quy định cụ thể của thành phố; tình trạng tự ý xây dựng, tôn tạo và tu bổ (ốp lát gạch hoa, gạch men, bê tông cốt thép…) làm biến dạng di tích đã và đang xảy ra tại một số địa phương trong huyện, đặc biệt là hệ thống các di tích chưa được xếp hạng. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các làng, thôn,… chưa được quan tâm; việc hưởng ứng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện của người dân còn hạn chế. Vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH của huyện Phú Xuyên trong giai đoạn hiện nay cần được tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân; nhu cầu nghiên cứu, tham quan du lịch của khách trong, ngoài nước, tạo nền móng vững bền góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.”

“Phát huy giá trị DTLSVH gồm các hoạt động: Tổ chức tham quan tại di tích; quảng bá di tích trên các phương tiện truyền thông đại chúng; xuất bản các ấn phẩm giới thiệu di tích; đưa di tích đến với ngành công nghiệp du lịch phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) là một hoạt động nhằm khai thác những giá trị của di sản để phục vụ và đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với việc bảo vệ DSVH dân tộc. Phát huy: “làm cho cái hay, cái tốt nhân thêm tác dụng, thúc đẩy tiếp tục nảy nở nhiều hơn”.”

“Nhận xét và đáng giá thực trạng các giá trị lịch sử ta thấy với 413 di tích gồm di tích đã được xếp hạng và những di tích chưa xếp hạng; Di tích tập trung dày đặc ở 06 xã như: Hồng Thái, Hoàng Long, Vân Từ, Phú Túc, thị trấn Phú Xuyên, Tân Dân... với 186 di tích chiếm trên 45,04% tổng số di tích toàn huyện. Bên cạnh đó, một số xã/thị trấn như thị trấn Phú Minh, Đại Thắng, Minh Tân, Nam Triều, Sơn Hà, Phượng Dực, Hồng Minh, Quang Trung... mỗi xã/thị trấn chỉ có 03 - 16 di tích.”

“Qua nghiên cứu kết quả tình hình xếp hạng di tích cho thấy, ở huyện Phú Xuyên có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật vào thời Lê đã trùng tu và được xây dựng bổ sung vào thời Nguyễn như: Đình làng Giẽ Thượng... Vì vậy, trong quyết định xếp hạng các di tích này được xác định có niên đại vào thời Lê - Nguyễn. Đó là những công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị văn hóa tiêu biểu cần được quan tâm trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích cấp Quốc gia tại vùng đất đang trong quá trình đô thị hoá nhanh như hiện nay.”

“Trong những năm qua, huyện Phú Xuyên đã vận dụng và thực hiện tốt Luật Di sản Văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH. Quá trình thực hiện công tác chuyên môn như: kiểm kê, xếp hạng di tích, nghiên cứu khoa học về di tích; bảo vệ chống vi phạm di tích, tu bổ, tôn tạo di tích; phát huy gía trị di tích. Các hình thức thu hút nguồn lực cho tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích ngày càng được mở rộng và nâng cao hiệu quả. Việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử lý đơn thư khiếu nại về DTLSVH được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, góp phần hạn chế những vi phạm. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nhằm nâng cao kiến thức và năng lực quản lý di tích cho lực lượng làm công tác này được chú trọng, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của di tích. Tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về DTLSVH; nhờ đó mà các giá trị của các DTLSVH trên địa bàn ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay.”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống ở huyện phú xuyên, thành phố hà nội trong giai đoạn hiện nay​ (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)