- Nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng đối với NHTM NHNN cần có quy định cụ thể, biện pháp quản lý, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh tiền tệ. Các NHTM trong nước cũng như các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều phải tuân thủ theo một cơ chế tín dụng thống nhất của NHNN, không được hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng để cạnh tranh, giành giật khách hàng, gây rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động tín dụng.
NHNN cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát các NHTM thông qua hình thức giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ. NHNN cần nhận xét, đánh giá hoạt động kiểm toán nội bộ của NHTM đối với các lĩnh vực có rủi ro cao. Cần ban hành văn bản trong đó các yêu cầu tối thiểu bắt buộc khi NHTM thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ để tiện cho việc quản lý của NHNN.
- Nâng cao chất lượng thông tin tín dụng
NHNN cần nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin tín dụng tại Trung tâm thông tin tín dụng ( CIC) nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin ngày càng cao của thị trường tài chính.
CIC cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các NHTM để kho dữ liệu thông tin tín dụng ngày càng được mở rộng, cập nhật kịp thời và thường xuyên, chính xác hơn.
- Hoàn chỉnh và đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động quản lý nợ xấu
Thứ nhất, về biện pháp mua bán nợ: NHNN đã ban hành Quy chế mua bán nợ của các TCTD kèm theo Quyết định số 59/2006/QĐ – NHNN ngày 21/12/2006. Theo đó, việc mua bán nợ được thực hiện theo một trong hai hình
thức sau: (i) Mua bán nợ thông qua đấu giá các khoản nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; (ii) mua bán nợ thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên hoặc thông qua môi giới. Khi thực tế áp dụng theo quyết định này, các TCTD đã gặp một số khó khăn trong việc bán đấu giá các khoản nợ theo quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ - CP ngày 18/1/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Nghị định này không có quy định cụ thể về việc bán đấu giá các khoản nợ của các TCTD nên gây khó khăn trong việc thực hiện. Hơn thế nữa, theo quy định của Nghị định 05 việc bán đấu giá tài sản có giá trị lớn nếu thông qua Hội đồng bán đấu giá phải thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đa số các khoản nợ vay của tổ chức tín dụng là khá lớn về số lượng cũng như về giá trị, thêm vào đó nghiệp vụ mua bán nợ lại diễn ra thường xuyên tại TCTD, đặc biệt là các NHTM nhà nước. Như vậy sẽ dẫn đến phiền hà về thủ tục, gây chậm trễ trong quá trình mua bán nợ, làm mất cơ hội của TCTD trong việc thay đổi cơ cấu kinh doanh. Mặt khác, tại Việt Nam thị trường mua bán nợ chưa phát triển, đối tác mua nợ của các ngân hàng chủ yếu là công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của Bộ Tài chính (DATC) nên chưa tạo sự cạnh tranh. Vì những hạn chế cũng như khó khăn trên, NHNN cần có những sửa đổi hoặc ban hành thêm văn bản hướng dẫn cụ thể để các TCTD có thể áp dụng, thực hiện biện pháp xử lý nợ có hiệu quả, góp phần vào giảm thiểu tổn thất cho ngân hàng, đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống. Đồng thời, cần thiết có sự hỗ trợ tích cực từ phía NHNN trong việc thành lập các công ty mua bán nợ, tạo ra sự cạnh tranh cũng như mở rộng thị trường mua bán nợ giúp các NH tìm được các cơ hội có hiệu quả để xử lý nợ xấu qua kênh này.
Thứ hai, về việc trích lập dự phòng rủi ro: Hiện nay việc trích lập dự phòng RRTD của các ngân hàng tại Việt Nam đều dựa vào Quyết định số 493 và Quyết định số 18/2007/QĐ - NHNN ngày 25/4/2007 của NHNN, trong đó phân loại nợ thành năm nhóm. Các ngân hàng có thể phân loại nợ theo điều 6
hoặc theo điều 7 của Quyết định 493. Tạo ra sự không đồng nhất trong việc trích lập dự phòng của các NHTM. Hơn nữa, việc trích lập còn phụ thuộc vào tài sản đảm bảo mà việc định giá tài sản đảm bảo không thống nhất giữa các TCTD. Như vậy việc cần làm của NHNN và Bộ Tài chính là trong thời gian tới cần có sự điều chỉnh về trích lập dự phòng để việc phân loại và trích lập dự phòng của các ngân hàng đúng bản chất và chính xác hơn.