Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp tại tỉnh hà tĩnh (Trang 88 - 91)

5. Kết cấu luận văn

4.2.2. Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Tỉnh Hà Tĩnh cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, từng bước hiện đại.

Việc đầu tư mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật là cơ sở để thu hút và thực hiện các dự án FDI có hiệu quả. Tuy nhiên, phát triển cơ sở hạ tầng đòi hỏi một lượng vốn rất lớn. Do vậy, tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các công trình giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh; đồng thời kết nối với hệ thống giao thông của quốc gia. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, tập trung vào những công trình then chốt, mang tính đầu mối, mà các thành phần kinh tế khác không có khả năng đầu tư hoặc không muốn đầu tư vì đòi hỏi vốn lớn, thời gian hoàn vốn lại dài. Vì vậy, ban lãnh đạo tỉnh cần sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả. Đối với nguồn vốn vay thương mại, trong thời gian tới tích cực phòng chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong quá trình sử dụng, do nguồn vốn này thường có chi phí cao nên phải luôn xem xét, coi trọng hiệu quả sử dụng vốn. Đối với nguồn vốn ODA, nên sử dụng vốn ODA không hoàn lại cho các dự án không có khả năng hoàn vốn, các nghiên cứu phát triển thể chế, tăng cường chất lượng lao động và bảo vệ môi trường. Sử dụng vốn ODA có ưu đãi cao với thời gian ưu đãi dài, lãi suất thấp…ưu tiên cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại.

Ngoài việc đầu tư mới cho cơ sở hạ tầng, tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện các công trình hạ tầng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: đường ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng Áng, tuyến đường sắt đấu nối Khu kinh tế Vũng Áng với đường sắt quốc gia, các cầu cảng thuộc Cảng Vũng Áng, Cảng Sơn Dương, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn…Bên cạnh đó, công tác triển khai đầu tư các công trình thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải cấp tỉnh, các công trình cấp thoát nước phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp… cũng sẽ là những quan tâm hàng đầu trong thời gian tới của tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ nâng cấp và từng bước hiện đại hoá cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, cảng biển, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, sân bay… để làm đòn bẩy cho việc thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới. Cụ thể, với một số khu công nghiệp đã được lấp đầy, nếu có nhu cầu phát triển thì tỉnh sẽ mở

rộng thay vì thành lập mới để tận dụng cơ sở hạ tầng đã có. Đối với những khu công nghiệp có ít dự án đầu tư vào nên cân nhắc để bớt diện tích, tránh lãng phí quỹ đất trong tỉnh

Tập trung giải phóng mặt bằng, giải quyết những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư; kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ.

Tập trung, chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch, đúng tiến độ cho các nhà đầu tư. Qua đó tạo ra sự tin cậy đối với các nhà đầu tư khi triển khai dự án trên địa bàn.

Đối với các doanh nghiệp chuẩn bị được cấp giấy chứng nhận đầu tư: Nhanh chóng thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông, đường đến tận các khu công nghiệp. Ưu đãi ở mức cao nhất các dự án phát triển hạ tầng xã hội đồng bộ với khu công nghiệp như nhà ở cho công nhân, trường học, trường dạy nghề, cơ sở khám chữa bệnh, thương mại và các dịch vụ đời sống, coi trọng phát triển hệ thống dịch vụ rộng khắp, đa dạng và có chất lượng cao như y tế, giáo dục, giải trí đặc biệt là các dịch vụ hải quan, tài chính - ngân hàng, thương mại, tư vấn về đầu tư, xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường, giải quyết tranh chấp...

Đối với các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư: thường xuyên liên hệ, làm việc với các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án. Thực hiện tốt nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm tiến độ, triển khai không đúng quy hoạch được duyệt... nhằm xử lý những vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ; kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án của các dự án không thực hiện hoặc chậm tiến độ, hoặc sai quy định... tạo sự công bằng giữa các nhà đầu tư.

Việc phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ vẫn phải có quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện của địa phương và phù hợp với đất nước, linh hoạt với tình hình thực tế của từng giai đoạn tránh tình trạng mất cân đối. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh sẽ đưa ra các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện tối đa, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp tại tỉnh hà tĩnh (Trang 88 - 91)