Cái tài và cái tâm của những văn sĩ chân chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình ảnh con người hà nội trong truyện ngắn nguyễn khải thời kỳ đổi mới (Trang 55 - 60)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Cái tài và cái tâm của những văn sĩ chân chính

Trong thế giới nhân vật của Nguyễn Khải khi viết về Hà Nội, không thể không nhắc đến hình ảnh các nhà văn. Chúng ta đều biết, viết về người Hà Nội, Nguyễn Khải chủ yếu viết về những người thân trong gia đình, viết về bạn bè, đồng nghiệp của mình. Ông viết về những văn nhân, nghệ sĩ hào hoa, lịch thiệp của Hà Nội được nhiều người biết đến như Hồ Dzếnh, Kim Lân, Trần Dần…Cũng có những cái tên, những gương mặt có thể quen hoặc không quen thuộc với chúng ta nhưng họ đều là những con người có tài, hơn thế nữa là những người có tâm trong nghiệp văn chương. Đó là Trần Quốc Tiến trong Đất kinh kỳ, đó là một cây bút nghiệp dư trong Bạn viết cũ, đó là anh Hạnh trong Phía khuất mặt người

Hồ Dzếnh tên chữ là Hà Triệu Anh, người gốc Hoa, sinh trưởng ở Thanh Hóanhưng đời văn của ông rất gắn bó với Hà Nội. Ông đã từng vào Sài Gòn làm báo nhưng rồi lại trở ra Hà Nội. Ông trở ra Hà Nội vì hai lí do: thứ nhất là không thể sống xa Hà Nội, vì xa Hà Nội thì mất văn chương; thứ hai là không thể xa cô Nhật - người sau này là vợ ông - vì xa cô Nhật thì mất mọi niềm vui để muốn sống. Cả đời ông sống với nghiệp văn nên ông không thể mất văn chương, không thể xa Hà Nội. Ngay cả khi bị suyễn, sức khỏe yếu, nhưng cứ bàn chuyện văn chương là ông nói không dứt, vừa nói vừa thở. Hồ Dzếnh đã cảm nhận rất rõ những gì mà

50

nó lạ lắm, nó làm ra văn chương Bắc Hà, văn chương Hà Nội. Anh muốn sống ở đâu cũng được, viết ở đâu cũng được nhưng phải tráng qua tí chút hơi hướng của

Tràng An thì mới thành văn chương đích thực, nó khác với văn chương tỉnh lẻ

[17, 35]. Ông hiểu rằng sự phát triển của văn chương góp phần vào sự phát triển trí tuệ của dân tộc, tác động tới đời sống tinh thần của người dân cả nước. Và sự đánh giá quan trọng nhất với mỗi người nói chung, với nhà văn nói riêng chính là sự đánh giá của dư luận, của công chúng.

Hồ Dzếnh ý thức được điều đó và ông sống với thứ luật bất thành văn của người dân Hà Nội. Khi sống, ông sống với văn chương, với cái nắng cái gió của sông Hồng, khi ông mất đi, nơi thờ ông chỉ có sách của ông thôi. Cả cuộc đời ông, mọi suy nghĩ, khổ đau, vui sướng gói trọn trong mấy trăm trang sách. Khi ông mất đi, mấy trăm trang sách ấy vẫn bên ông, và những câu thơ ông viết cho người vợ vẫn làm thổn thức bao người đọc bởi cái tài, cái tình ông để lại cho đời:

Mình vừa là chị là em

Tấm lòng người mẹ trái tim bạn đời

Mai này tới phút chia đôi

Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau

Xót mình đã lắm thương đau

Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình

Cuộc đời đâu phải phù sinh

Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!” [17, 37-38].

Nguyễn Khải cũng viết về Kim Lân với tất cả sự trân trọng của mình. Kim Lân là một nhà văn có tính ưa nhàn, thích tự do, ông không muốn đứng về một phe phái nào trong các cuộc tranh chấp đôi khi diễn ra ở Hội Nhà văn. Trong thời gian làm việc ở hội, Nguyễn Khải hay lấy Kim Lân làm chuẩn mực để kiểm tra công việc của mình. Và dường như trong cuộc sống, Nguyễn Khải cũng cảm thấy an lòng khi được tỏ bày cùng Kim Lân, vì khi đó Kim Lân không quá sốt sắng với những dự định của ông và cũng không giễu cợt hay trách móc nếu ông thất bại. Kim Lân thường viết về những số phận buồn thảm, đơn độc như cặp vợ chồng

51

Tràng và Thị trong truyện ngắn Vợ nhặt, ông dành cho những nhân vật đó sự cảm thông và xót thương rất đặc biệt.

Điều mà Nguyễn Khải tiếc cho một nhà văn có tài như Kim Lân là ông viết hơi ít. Và Nguyễn Khải cũng cho rằng có lẽ Kim Lân viết ít vì cái tạng của ông không thích hợp với thời buổi dữ dội, quyết liệt, chói lòa ánh sáng, ầm ã tiếng động và cuồn cuộn những dòng người. Nhưng Kim Lân lại cho rằng cái cần nhất để viết là cảm hứng. Khi đã hết hứng rồi thì không thể viết được nữa, dù thời thế có ra sao. Từ cuộc đời và văn nghiệp của Kim Lân, nhà văn Nguyễn Khải đã rút ra bài học cho mình và các bạn văn nghệ sĩ: “Văn chương đâu phải là thứ để dành được, ướp lạnh được, không dùng trước thì dùng sau hoặc dùng dần. Nó là sự

sống mà, lại là phần thiêng liêng, mong manh, dễ mất nhất của sự sống” [17, 39].

Và tài năng của Kim Lân không chỉ dừng ở những trang viết, ông còn tham gia các đoàn làm phim, rồi tham gia Hội Sinh vật cảnh của thành phố. Ở vai trò nào, Kim Lân cũng sống với bản chất hồn hậu, tinh tế và trái tim tràn đầy nhiệt huyết với nghệ thuật.

Nếu như Hồ Dzếnh hay Kim Lân gắn bó với Hà Nội bởi những lẽ riêng thì Trần Quốc Tiến theo cách nói của Nguyễn Khải là người đã đặt chân đến đất kinh kỳ để toại chí, cầu danh. Tiến vốn là một người nông dân thuần túy, vốn quen với việc cày ruộng và sống bằng hạt lúa. Sống trong cảnh túng quẫn, nhưng Tiến lại ôm mộng văn chương. Anh viết văn từ năm mười chín tuổi. Cảnh viết văn của anh cũng chẳng giống ai: “Lúc đi làm thì Tiến viết trong đầu, viết rõ rệt từng câu từng chữ, từng cái chấm cái phẩy, về nhà thì viết ra giấy. Không có bàn thì úp cái thúng xuống đất đặt cái mâm gỗ lên làm bàn. Không có giấy thì xin giấy học sinh đã viết

ngâm nước gạo cho phai hết mực rồi phơi khô làm giấy bản thảo” [17, 46]. Cứ

thế, Tiến miệt mài viết, viết trong cảnh túng thiếu của gia đình, viết trong sự bực dọc giận dỗi của vợ, viết trong sự thương hại của người làng, viết trong sự chờ đợi của các con, viết trong niềm hy vọng và niền tin của mẹ già…suốt ba chục năm trời. Đến khi người mẹ không chờ được nữa đã qua đời thì Tiến mới được in cuốn sách đầu tay. Không chỉ Tiến mà cả nhà, cả làng, cả xã hân hoan chào đón cuốn

52

sách ấy. Người ta đốt pháo để chúc mừng, xác pháo ngập đỏ mắt cá chân, khói pháo bay mịt mù phủ trắng cả một xóm. Đến lúc này, Tiến đã được toại chí và cầu danh như cái mong muốn ban đầu khi đặt chân lên mảnh đất kinh kỳ. Đó là cái danh đích đáng, cái danh đoàng hoàng mà anh đã có được nhờ tài năng và sự nỗ lực hết mình suốt nửa đời người.

Từ câu chuyện về đời người và đời văn của Trần Quốc Tiến, Nguyễn Khải đã nhận thấy cái đức háo danh đã góp phần hun đúc nên nhiều bậc kỳ tài trong thiên hạ. Và những tài danh ấy hội tụ về đất kinh kỳ để nhận và phát cái ánh sángvăn hóa ngàn năm của nó. Như vậy ta đã hiểu một trong những lý do Hà Nội là điểm khởi nguồn, là nơi hun đúc và khởi phát, cũng là nơi lưu chân giữ bước biết bao bậc tài danh trong giới văn chương.

Trong truyện ngắn Người vợ, Nguyễn Khải không viết nhiều về Trần Dần mà chủ yếu viết về người vợ của ông. Nhưng chỉ qua những dòng ngắn ngủi ấy, người đọc cũng hình dung được hình ảnh một nhà văn Trần Dần với một sự nghiệp có ưu có khuyết, có thành có bại như bao người. Nhưng ông khác người ở số phận long đong vất vả vì nghề. Ông là người có tài, tài năng của ông không ai có thể phủ nhận được, nhưng bên cạnh đó ông lại có tật. Đó là cái tính hay dạy đời, hay nói chủ thuyết này, trường phái nọ khiến người nghe có cảm giác ông tỏ ra uyên bác và đàn anh. Chính vì vậy nên nhiều người không thích Trần Dần, nhất là sau khi ông bị kỷ luật. Nhưng với Nguyễn Khải, Trần Dần vẫn là một nhà văn đàn anh đáng nể, đáng trọng.

Anh Hạnh trong truyện Phía khuất mặt người là một cây bút làm việc ở Hội Nhà văn. Anh là bạn của những nhà văn gạo cội như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài…Trải qua những thăng trầm của nghề viết, anh đã ngẫm ra rằng văn chương là cái thế giới mộng mơ của con người, là một đặc quyền thiêng liêng của riêng con người. Anh vốn là một cậu tú hào hoa của Hà Thành, đẹp trai, học giỏi, lắm tài, yêu nhiều, viết nhiều, mơ mộng cũng nhiều. Anh là hình ảnh của kẻ sĩ Bắc Hà một thời. Nguyễn Khải thích anh, mê anh bởi văn anh Hạnh viết hay lắm, viết rất kỹ: “So với ông Tuân, ông Hoài thì chả dám, nhưng viết tiếp từ bấy

53

đến nay thì cũng một mình một ghế, chả kém cạnh gì ai” [17, 242]. Nhưng khi

chiến tranh kết thúc, anh lại trở nên nhỏ bé và lạc lõng trước thời cuộc. Và con người đã một thời đi với các trưởng lão của làng văn, giờ đây lại chỉ mong đừng ai chú ý nhiều tới mình. Và đặc biệt, anh không muốn, không chấp nhận một sự nhầm lẫn nào đó, nhất là sự nhầm lẫn anh với một người khác. Bởi anh là riêng biệt, là duy nhất. Anh không chấp nhận hình ảnh của mình nhòe lẫn với một người nào khác. Vì sự nhòe lẫn đó là một nỗi buồn, nỗi đau của một nhà văn chân chính, làm tổn thương lòng tự trọng nghề nghiệp của họ.

Hầu hết các văn sĩ trên dù thành danh ở các mức độ khác nhau nhưng họ đều đã để lại tên tuổi của mình trong lòng người đọc. Nhưng có những nhà văn cả một đời thăng trầm, vất vả với nghề mà cuối đời lại lặng lẽ đi vào cõi vô danh. Nguyễn Khải đã xây dựng nên hình ảnh một nhà văn như vậy trong Bạn viết cũ. Nhà văn đó vốn là cán bộ tuyên huấn của nông trường Mộc Châu sau mười năm năm là lính. Ông đã viết truyện ngắn đầu tay của mình trong những ngày về Hà Nội chăm con ốm. Tác phẩm ấy của ông đã được xếp giải nhì trong một cuộc thi, báo hiệu một cây bút tài năng bắt đầu khởi nghiệp. Trong suốt mười năm sau, năm nào ông cũng có một, hai truyện đăng trên báo. Tên ông trở thành cái tên được chờ đợi trong giới văn của Hà Nội. Tưởng rằng con đường văn chương của ông sẽ thênh thang rộng mở, nhưng ông lại gác bút khi mẹ, vợ và con trai đã rời xa ông để về thế giới bên kia. Ông nhận thấy mình chỉ có thể viết được khi sống với những dự tính, những hy vọng. Khi đó, có ý tưởng gì hay được viết ra liền, câu chữ đuổi nhau ở đầu ngọn bút, ngăn không nổi, chữ nào cũng tươi, cũng xanh…: “Viết về người như viết về mình, lại có khoảng cách vừa phải để ngẫm nghĩ, để ngắm nghía nên anh viết rất nhanh, hơi văn tự nhiên, chân thật, có đoạn tự mình bật cười

thành tiếng có đoạn muốn ứa nước mắt” [17, 227]. Còn đến khi không còn gì để

buồn, để lo, để hy vọng nữa thì ông cũng không thể viết nổi vì chữ nghĩa cũng héo dần, chết dần. Đọc Bạn viết cũ, chúng ta không biết nhà văn được Nguyễn Khải nói đến là ai, bút danh là gì, đã viết những truyện ngắn nào. Nhưng dù vô danh, ông vẫn để lại trong mỗi chúng ta hình ảnh của một nhà văn có tài và có tâm với

54

nghề. Ông đã đúc rút được chân lý của nghiệp văn là văn chương chỉ sống khi tâm hồn mỗi nhà văn đang sống, còn khi tâm hồn đã héo tàn thì cũng không thể viết nên được những trang văn.

Sự nghiệp sáng tạo văn chương luôn đòi hỏi những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách và bản lĩnh. Những văn sĩ Hà Thành trong tác phẩm của Nguyễn Khải không chỉ tài hoa mà còn mang tâm hồn kẻ sĩ. Có người là những bậc đàn anh đi trước, có người là kẻ cùng thời; có người thành danh, có người vô danh…nhưng họ đều là những người Nguyễn Khải yêu mến và trân trọng. Giữa lúc cơ chế thị trường đang tác động mạnh mẽ vào đời sống con người, trong đó có làng văn, sự bản lĩnh và nhân cách của các nhà văn như Hồ Dzếnh, Kim Lân…khiến ta tin tưởng hơn vào cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ trước dâu bể cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình ảnh con người hà nội trong truyện ngắn nguyễn khải thời kỳ đổi mới (Trang 55 - 60)