Mối quan hệ (sự tương ứng) giữa chu tố với trạng ngữ và vai nghĩa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các chu tố của động từ tiếng việt (trên cứ liệu truyện ngắn chọn lọc nguyễn công hoan) (Trang 30 - 32)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2. Cơ sở lí luận và thực tiễn

1.2.4. Mối quan hệ (sự tương ứng) giữa chu tố với trạng ngữ và vai nghĩa

1.2.4.1. Mối quan hệ giữa chu tố và trạng ngữ truyền thống

Chu tố (theo cách hiểu của L.Tesnière và cũng là cách hiểu trong luận văn này) và trạng ngữ truyền thống có những điểm tương đồng và khác biệt sau:

a. Nét tương đồng

- Về bản chất, chu tố và trạng ngữ truyền thống đều là các thành tố cú pháp nằm trong tổ chức cú pháp của câu.

- Về ý nghĩa và hình thức: chu tố và trạng ngữ truyền thống đều được đặc trưng bởi hai mặt: ý nghĩa cú pháp (ý nghĩa chung là tình trạng hoàn cảnh với các nghĩa cụ thể là nghĩa không gian, thời gian, nguyên nhân, mục đích, công cụ, tính chất...) và hình thức cú pháp (được biểu hiện bằng danh từ, cụm danh từ, hoặc vị từ, cụm vị từ thường được dẫn nối bằng quan hệ từ).

- Về tính chất: Đều là thành tố không bắt buộc (tự do).

b. Nét khác biệt

- Về tính chất của mối quan hệ cú pháp: Chu tố theo cách hiểu của L.Tesnière (và cũng là cách hiểu của tác giả luận văn) là thành tố cú pháp có quan hệ với vị ngữ hoặc vị từ (là yếu tố mở rộng tự do cho vị ngữ, vị từ hay yếu tố thể hiện kết trị tự do của vị từ). Trạng ngữ truyền thống được coi là thành phần phụ của câu có quan hệ cú pháp với cả nòng cốt câu (cụm chủ vị nòng cốt).

- Về phạm vi: Chu tố được coi là tất cả các thành tố phụ tự do của vị ngữ hay vị từ (gồm cả các thành tố được coi là trạng ngữ - thành phần phụ của câu và các thành tố được coi là trạng tố hay bổ ngữ tự do của vị từ - thành phần phụ của vị từ). Trạng ngữ truyền thống được hiểu chỉ gồm các thành phần phụ tự do của câu chỉ hoàn cảnh tình huống (không bao gồm trạng tố hay bổ ngữ tự do của vị từ).

Chu tố theo cách hiểu của chúng tôi (dựa trên cách hiểu của L.Tesniere và V.S Panfilov) tương ứng với trạng ngữ theo cách hiểu mới được trình bày trong

công trình “Ngữ pháp tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Văn Lộc (chủ biên) [30, 343-348].

Theo chúng tôi, cách hiểu này là có cơ sở và đã được chứng minh (về nội dung, chu tố có quan hệ ý nghĩa với vị ngữ hay vị từ; về hình thức, chu tố có thể cùng với vị ngữ hay vị từ tạo thành tổ hợp dùng độc lập hoặc dùng với tư cách biến thể tỉnh lược của câu) [30, 343-348].

1.2.4.2. Về sự tương ứng giữa chu tố và vai nghĩa

Cần thấy rằng chu tố và vai nghĩa (tham thể ngữ nghĩa) là các thành tố khác nhau về bình diện hay về bản chất. Cụ thể:

- Về bản chất: Chu tố cũng như diễn tố, là các thành tố cú pháp thuộc về bình diện cú pháp và cấu trúc cú pháp của câu (hay nút động từ); còn vai nghĩa hay tham thể ngữ nghĩa thuộc bình diện nghĩa biểu hiện và cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu.

- Về ý nghĩa và hình thức: Là thành tố cú pháp, chu tố được đặc trưng bởi ý nghĩa cú pháp nhất định và hình thức cú pháp tương ứng biểu thị ý nghĩa này. Các vai nghĩa, với tư cách là thành tố ngữ nghĩa được đặc trưng bởi ý nghĩa biểu hiện nhất định và không có hình thức cú pháp riêng để biểu thị.

- Về sự tương ứng giữa chu tố và vai nghĩa: Trong câu, chu tố và tham thể ngữ nghĩa có thể trùng nhau nhưng cũng có thể không trùng nhau. Chẳng hạn, trong câu (40) “Mọi người giật mình vì tiếng nổ.”, “tiếng nổ” vừa là chu tố (trạng ngữ) nguyên nhân, vừa là tham thể nguyên nhân trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu. Tuy nhiên, trong

câu (41) “Tiếng nổ khiến mọi người giật mình.”, “tiếng nổ”, xét về nghĩa biểu hiện, mặc

dù vẫn giữ vai nghĩa nguyên nhân (xét trong mối quan hệ thuần ngữ nghĩa với “giật

mình” là hạt nhân ngữ nghĩa) nhưng về cú pháp, nó không phải là chu tố mà là diễn tố

chủ thể (xét trong mối quan hệ cú pháp với hạt nhân cú pháp là động từ “làm”).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các chu tố của động từ tiếng việt (trên cứ liệu truyện ngắn chọn lọc nguyễn công hoan) (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)