Khả năng cải biến vị trí của các chu tố trong câu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các chu tố của động từ tiếng việt (trên cứ liệu truyện ngắn chọn lọc nguyễn công hoan) (Trang 55 - 60)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2. Chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan

2.4.2. Khả năng cải biến vị trí của các chu tố trong câu

Cải biến vị trí được hiểu là kiểu cải biến thuần hình thức mà điều kiện là không

được thêm bất kì thực từ nào (kể cả bán thực từ) vào cấu trúc được cải biến và kết quả là không làm thay đổi đặc tính cú pháp của cấu trúc và ý nghĩa, chức năng cú pháp của các thực từ [30, 231]. Đây chính là “phép đảo” vị trí của các thành phần câu. Theo cách hiểu trên đây, việc thêm bớt các hư từ mà không làm thay đổi ý nghĩa và chức năng cú pháp của các thực từ trong cải biến vị trí là điều cho phép.

Khảo sát khả năng cải biến vị trí của chu tố trong câu (trên cứ liệu Truyện

ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan), chúng tôi bước đầu xác định được hai trường

hợp chính: trường hợp chu tố có khả năng cải biến vị trí trường hợp chu tố không

có khả năng cải biến vị trí.

2.4.2.1. Trường hợp chu tố có khả năng cải biến vị trí

Trong trường hợp này, sự hỗ trợ của ngữ điệu (trên chữ viết thường được thể hiện bằng dấu phẩy) hầu như luôn là điều cần thiết.

Ở trường hợp này, có thể phân biệt:

a. Trường hợp chu tố có khả năng cải biến với ba vị trí

Đây là trường hợp chiếm tỉ lệ cao nhất. Thuộc trường hợp này thường là: - Các chu tố xuất hiện ở dạng phổ biến nhất (dạng điển hình), cụ thể là các chu tố được biểu hiện bằng danh từ (cụm danh từ) hoặc vị từ (cụm vị từ) được dẫn nối bởi quan hệ từ (hay thời vị từ). Có lẽ chính quan hệ từ là một trong những phương tiện giúp cho chu tố có được tính linh hoạt, tự do về vị trí. (Nhờ quan hệ từ mà ý nghĩa của chu tố và mối quan hệ cú pháp, ngữ nghĩa giữa nó với vị từ luôn được duy trì, dù nó đứng ở vị trí nào).

Thí dụ:

(105a) Miệng nó há hốc ra vì đói. (Hai cái bụng, tr.522)

(105b) Vì đói, miệng nó há hốc ra.

(105c) Miệng nó, vì đói (mà) há hốc ra.

(106a) Trên tấm linh hồn trong trắng, thằng bạn tha hồ tô màu. (Thế cho nó chừa,

(106b) Thằng bạn tha hồ tô màu trên tấm linh hồn trong trắng.

(106c) Thằng bạn, trên tấm linh hồn trong trắng, tha hồ tô màu.

(107a) Này, chả nói giấu gì anh, tôi cũng đi kiếm khách từ tối đến giờ. (Người

ngựa và ngựa người, tr.57)

(107b) Này, chả nói giấu gì anh, tôi, từ tối đến giờ, cũng đi kiếm khách.

(107c) Này, chả nói giấu gì anh, từ tối đến giờ, tôi cũng đi kiếm khách.

- Các chu tố biểu thị thời gian khái quát mang tính cố định kiểu như: cả đời,

suốt đời, quanh năm… Thí dụ:

(108a) Cả đời, nó chỉ mặc có thế. (Bữa …no đòn, tr.233)

(108b) Nó, cả đời, chỉ mặc có thế.

(108c) Nó chỉ mặc có thế cả đời.

(109a) Tôi quanh năm làm lụng vất vả, mỗi ngày vùi đầu vào công việc hàng

bảy tám giờ đồng hồ. (Xuất giá tòng phu, tr.334)

(109b) Tôi làm lụng vất vả quanh năm, mỗi ngày vùi đầu vào công việc hàng

bảy tám giờ đồng hồ.

(109c) Quanh năm, tôi làm lụng vất vả, mỗi ngày vùi đầu vào công việc hàng

bảy tám giờ đồng hồ.

b. Trường hợp chu tố có khả năng cải biến với hai vị trí

Đây cũng là trường hợp khá phổ biến. Thuộc trường hợp này thường là:

- Các chu tố được cấu tạo bởi từ bao giờ

Thí dụ:

(110a) Bao giờ tôi cũng muốn nuôi nhân tài. (Nhân tài, tr.266)

(110b) Tôi bao giờ cũng muốn nuôi nhân tài.

(111a) Rồi bao giờ tôi thuê được nhà ngoài phố, sẽ cho nó về lĩnh thóc sau.

(Hé! Hé! Hé!, tr.418)

(111b) Rồi tôi bao giờ thuê được nhà ngoài phố, sẽ cho nó về lĩnh thóc sau.

- Chu tố có chứa từ bao nhiêu (thường được dùng tương ứng bấy nhiêu).

Thí dụ:

(112a) Nghĩ bao nhiêu, nó lại càng thất vọng bấy nhiêu.(Thế cho nó chừa,

tr.248)

(112b) Nó nghĩ bao nhiêu, lại càng thất vọng bấy nhiêu.

- Chu tố với nghĩa thời gian phiếm chỉ (có dạng cấu tạo là một hôm)

Thí dụ:

(113a) Một hôm, ông chủ rạp kịch trường đến nhà anh chơi. (Kép Tư Bền,

tr.160)

(113b) Ông chủ rạp kịch trường một hôm, đến nhà anh chơi.

(114a) Một hôm, chị cu Bản hăm hở chạy sang nhà tôi. (Ngậm cười, tr.282)

(114b) Chị cu Bản một hôm, hăm hở chạy sang nhà tôi.

- Chu tố là từ tượng thanh, tượng hình Thí dụ:

(115a) Con vật ra rả kêu rầm rĩ. (Con ve, tr.595)

(115b) Con vật kêu ra rả, rầm rĩ.

(116a) Mỗi lần trong tay có tiếng kêu lanh lảnh, thằng bé con lại cười khanh

khách. (Con ve, tr.593)

(116b) Mỗi lần trong tay có tiếng kêu lanh lảnh, thằng bé con lại khanh khách cười.

(117a) Nước dãi chảy ròng ròng, nuốt không kịp. (Răng con chó của nhà tư

sản, tr.22)

(117b) Nước dãi ròng ròng chảy, nuốt không kịp.

- Chu tố chỉ thời gian chung (có ý nghĩa khái quát) đứng trước cụm chủ vị tồn tại song song với chu tố chỉ thời gian cụ thể (chỉ thời điểm) đứng sau cụm chủ vị.

Thí dụ:

(118a) Mọi ngày, cụ vẫn xơi thuốc vào lúc cơm xong. (Công dụng của cái miệng,

tr.583)

(118b) Cụ, mọi ngày, vẫn xơi thuốc vào lúc cơm xong.

Trong trường hợp này, chu tố chỉ chiếm được hai vị trí là trước và sau cụm chủ vị. (Việc chuyển chu tố vào giữa chủ ngữ, vị ngữ sẽ tạo ấn tượng quá rõ về sự trùng lặp ngữ nghĩa).

Thí dụ:

(119a) Trên mép ông, ông đã bao công trình mới cấy được từng ấy râu. (Đồng

hào có ma, tr.407)

(119b) Ông đã bao công trình mới cấy được từng ấy râu trên mép ông.

2.4.2.2. Trường hợp chu tố không có khả năng cải biến vị trí

Các chu tố kiểu này luôn chiếm vị trí sau cụm chủ vị hay sau vị từ. Thuộc trường hợp này là:

- Các chu tố chỉ kẻ cùng tham gia hoạt động. Thí dụ:

(120) Nhưng hôm qua, nó ngủ ở ngoài này với mình. (Mất cái ví)

(121) Một hôm, tôi găp Lê Văn Tầm đi chơi phố với nhiều nhà văn trứ danh.

(Nhân tài)

- Chu tố chỉ mục đích có dạng biểu hiện là: cho (mà)+ vị từ, cụm vị từ

Thí dụ:

(122) Miệng nó há hốc ra mà thở. (Hai cái bụng, tr.520)

(123) Chẳng thế, cứ bắc kiềng lên lưng tôi mà đun! (Cái thú tổ tôm, tr.225)

(124) Tôi không có tiền đâu, chả tin anh khám mà xem. (Người ngựa và

ngựa người, tr.57)

(125) Thỉnh thoảng, nó bóp ngực con ve cho kêu. (Con ve, tr.593)

(126) Và nó muốn xoáy của bà ta cho bà biết tay. (Thế cho nó chừa, tr.251)

- Chu tố chỉ tính chất của hoạt động (được biểu hiện bằng tính từ) Thí dụ:

(127) Lạy thầy, quyền phép trong tay thầy, thầy tha cho nhà con, đừng bắt nhà

con đi xem đá bóng vội. (Tinh thần thể dục, tr.456)

(128) Hôm qua, cụ thức khuya. (Mất cái ví, tr.150)

(129) Cô giở tung cả cuộn của người ta ra mà ướm vào mình, đứng trước cái

- Chu tố chỉ thời đoạn (có dạng một + danh từ kiểu như: một lúc) Thí dụ:

(130) Nó đứng một lúc. (Thằng ăn cắp, tr.112)

- Chu tố chỉ công cụ của một trong những động từ thuộc dãy vị ngữ đồng loại Thí dụ:

(131) Anh lắc đầu, thở dài, đáp bằng giọng như mếu. (Mánh khóe, tr.261)

- Chu tố có mối quan hệ chặt chẽ với yếu tố tình thái đứng sau của câu Thí dụ:

(132) Thưa, hay con nghỉ buổi chợ để đi thay nhà con có được không ạ? (Tinh

thần thể dục, tr.456)

Trong câu trên đây, chu tố mục đích (để đi thay nhà con) có mối quan hệ ngữ

nghĩa với yếu tố mang nghĩa tình thái (nghi vấn) của câu (có được không ạ).

Mối quan hệ ngữ nghĩa vừa chỉ ra khiến không thể chuyển chu tố mục đích ở câu này lên trước cụm chủ vị.

Tóm lại, việc khảo sát đặc điểm về vị trí của các chu tố trong Truyện ngắn

chọn lọc Nguyễn Công Hoan cho phép bước đầu rút ra những nhận xét sau:

- Là thành tố mở rộng tự do cho vị ngữ hay vị từ, khác với diễn tố có tính cố định về vị trí, chu tố là thành tố cú pháp có tính linh hoạt, tự do nhất về vị trí trong câu. Điều này không chỉ thể hiện ở ba vị trí mà chu tố thực tế chiếm giữ trong câu mà còn thể hiện ở khả năng cải biến vị trí của phần lớn chu tố.

- Trong ba vị trí mà chu tố chiếm giữ trong câu, vị trí sau vị ngữ hay vị từ cần được coi là vị trí cơ bản. Điều này không chỉ thể hiện ở tính phổ biến nhất của vị từ này (chiếm 62,4 %) mà còn thể hiện ở chỗ nhiều chu tố chiếm vị trí sau cụm chủ vị không thể chuyển đổi vị trí, tức là chỉ có một vị trí duy nhất là sau vị ngữ hay vị từ.

- Khi xuất hiện trước cụm chủ vị, các chu tố có ý nghĩa phổ biến nhất là chỉ bối cảnh về không gian, thời gian của sự tình nêu ở vị ngữ hay vị từ. Về hình thức, chúng thường có sự tách biệt về ngữ điệu với bộ phận còn lại của câu và trong nhiều trường hợp, xuất hiện ở dạng vắng từ dẫn nối. Đặc điểm hình thức vừa chỉ ra dẫn đến mối quan hệ cú pháp yếu (lỏng lẻo) giữa chu tố ở trước cụm chủ vị với vị ngữ hay vị từ.

- Khác với chu tố ở trước cụm chủ vị, các chu tố ở sau cụm chủ vị bao gồm tất cả các kiểu ý nghĩa khác nhau đặc trưng cho chu tố. Về hình thức, chúng thường xuất hiện trong biến thể có từ dẫn nối và nói chung, không bị tách biệt về vị trí và ngữ điệu; do đó, có mối quan hệ cú pháp chặt chẽ với vị ngữ hay vị từ. Các chu tố ở sau cụm chủ vị có thể coi là các chu tố điển hình (hay các dạng điển hình của chu tố).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các chu tố của động từ tiếng việt (trên cứ liệu truyện ngắn chọn lọc nguyễn công hoan) (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)